BoC - Ngân hàng trung ương Canada

BoC - Ngân hàng trung ương Canada

Đức Nguyễn

Đức Nguyễn

FX Strategist

12:11 30/10/2023

Ngân hàng trung ương Canada là cơ quan điều hành hệ thống ngân hàng, chịu trách nhiệm quản lý chính sách tiền tệ của Canada và phát hành đồng đô la Canada, với mục tiêu kiểm soát lạm phát luôn được đặt lên hàng đầu.

Ngân hàng Trung ương Canada là gì?

Ngân hàng trung ương Canada (BoC) là cơ quan tiền tệ của chính phủ

Ngân hàng Trung ương Canada (BoC - Bank of Canada) là ngân hàng trung ương của Chính phủ Canada, được thành lập vào ngày 11/3/1935 thông qua “Đạo luật ngân hàng Canada (1934)” với mục tiêu kiểm soát lạm phát luôn được BoC đặt lên hàng đầu. Cụ thể, các chính sách tiền tệ của BoC đều hướng đến 2 nhiệm vụ trọng tâm: 

  • Giữ vững lạm phát trong phạm vi 1-3%, với mức trung bình 2% trong dài hạn. 
  • Duy trì chính sách thả nổi đồng đô la Canada (CAD).

Ban đầu, BoC thuộc sở hữu tư nhân và phát hành cổ phiếu ra công chúng với mệnh giá 50 CAD. Nhưng đến năm 1938,  chính phủ đã mua lại tất cả cổ phần của BoC và ngân hàng này trở thành một phần của các Tập đoàn Crown (hoạt động như một doanh nghiệp nhà nước, có sự kết hợp giữa các mục tiêu thương mại và chính sách công).

BOC chịu trách nhiệm cho 4 lĩnh vực chính: Thiết lập chính sách tiền tệ; phát hành tiền giấy của Canada, quản lý nợ công dự trữ ngoại hối của chính phủ Canada.

Trụ sở chính của BoE đặt tại Phố Wellington ở Ottawa , tỉnh Ontario, Canada.

BoC độc lập trong việc thiết lập chính sách tiền tệ.


Thống đốc BoC Tiff Macklem

Mặc dù thuộc sở hữu của chính chính phủ Canada, nhưng để tránh bị chi phối bởi các đảng phái chính trị, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) vẫn độc lập thực hiện các trách nhiệm của mình.

Thống đốc và Phó thống đốc được bổ nhiệm bởi Nội các thay vì chính phủ liên bang. Thứ trưởng Bộ tài chính mặc dù thuộc Hội đồng thống đốc nhưng chỉ có quyền tham vấn chứ không có quyền biểu quyết chính sách.

Hội đồng thống đốc (Board of Director) quản lý hoạt động hàng ngày của BoC nhưng không tham gia định hướng và thiết lập chính sách tiền tệ, mà nhiệm vụ này thuộc quyền hạn của Ủy ban điều hành chính sách (Executive Committee). 

Sổ sách được kiểm toán bởi các kiểm toán viên bên ngoài do Nội các bổ nhiệm theo khuyến nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, chứ không phải bởi Tổng Kiểm toán Chính phủ Canada.   

Ngân hàng thuê tất cả nhân viên bên ngoài để phục vụ công việc nội bộ và quản lý họ như nhân viên của chính ngân hàng chứ không phải là công chức nhà nước.

Ngoài ra, BoC có mức độ độc lập tài chính cao, có nghĩa là Ngân hàng có quyền kiểm soát đối với ngân sách và tài chính của mình. Sự độc lập này đảm bảo rằng Ngân hàng không phụ thuộc vào ngân sách của chính phủ để hoạt động.

BOC là ngân hàng đi đầu trong việc ứng dụng giao dịch điện tử trên website 

Ngân hàng trung ương Canada (BoC) được cho là ngân hàng đầu tiên có trang web và cung cấp cho các khách hàng của mình các giao dịch điện tử trên trang web này. Ngoài ra, BoC cũng là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên sử dụng các mô hình dự báo kinh tế dựa trên máy tính. 

Các công cụ điều tiết chính sách tiền tệ của BoC

Hoạt động với vai trò là ngân hàng trung ương của Canada, BoC sử dụng hai công cụ chính sách tiền tệ chính: lãi suất ngân hàng và bảng cân đối để toán để duy trì mục tiêu lạm phát ổn định trong dài hạn.

Lãi suất ngân hàng là công cụ chính sách chính 


Lãi suất của BoC từ năm 2000 đến nay

Lãi suất chính sách (policy interest rate) mức lãi suất được BoC áp dụng cho các ngân hàng thương mại hoặc các tổ chức tài chính vay qua đêm (kỳ hạn 1 ngày) tại Canada. Việc tác động đến lãi suất về cơ bản sẽ ảnh hưởng đến:

  • Lãi suất cơ bản của các ngân hàng thương mại (được sử dụng cho các khoản vay như thế chấp và hạn mức tín dụng): lãi suất này bằng với lãi suất chính sách cộng thêm 0.25%.
  • Lãi suất trả cho tiền gửi, chứng chỉ đầu tư được đảm bảo và các khoản tiết kiệm khác: lãi suất này bằng với lãi suất chính sách trừ đi 0.25%.

Vào tháng 4/2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, BoC đã buộc phải hạ lãi suất tổng cộng 4.25% xuống còn 0.25%, mức thấp lịch sử và mức thấp nhất có thể để kích thích nền kinh tế. Đồng thời, BoC cam kết giữ lãi suất rất thấp này cho đến hết quý II/2010 sau khi lạm phát tăng trở lại mục tiêu.

Ngoài ra, mức lãi suất 0.25% đã được BoC tái sử dụng để kích cầu nền kinh tế nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 vào tháng 3/2020. Phải đến tháng 3/2022, BoC mới tăng lãi suất trở lại lên 0.50%, sau hơn 2 năm để chống lại áp lực lạm phát dự kiến ​​sẽ trở nên tồi tệ hơn do chiến tranh Ukraine - Nga.

Sau ngân hàng trung ương Anh (BoE), BoC là ngân hàng trung ương thứ hai trong nhóm bảy ngân hàng trung ương tăng lãi suất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu.  

Chương trình mùa vào tài sản ra đời để đương đầu với khủng hoảng kinh tế


Bảng cân đối kế toán của BoC

Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) đã có nhiều hành động hỗ trợ nền kinh tế quốc gia kể từ khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bao gồm chương trình mua tài sản quy mô lớn - mua một lượng đáng kể trái phiếu chính phủ và các tài sản tài chính khác.

Cụ thể, sau khi hạ lãi suất xuống mức 0.25% nhưng vẫn không đủ để kích thích nền kinh tế, BoC đã lần đầu tiên thực hiện chương trình nới lỏng định lượng (QE) gây tranh cãi, bằng cách tăng bơm lượng lớn tiền vào nền kinh tế thông qua việc mua trái phiếu chính phủ Canada với tốc độ 5 tỷ CAD mỗi tuần và quy mô dự kiến rơi vào 200 tỷ CAD. 

Hơn thế, BoC còn triển khai mua vào trái phiếu doanh nghiệp nhằm thu hẹp chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Điều này giúp các công ty vay dễ dàng hơn để họ có thể đầu tư vào việc tuyển dụng hoặc mở rộng kinh doanh nên nó còn có tên gọi khác là biện pháp nới lỏng tín dụng (credit easing).

Song song với QE, Chương trình mua thương phiếu (Commercial Paper Purchase Program - CPPP) được bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành thương phiếu. Chương trình này kéo dài trong 12 tháng bắt đầu từ tháng 4/2020 do TD Asset Management Inc quản lý và giám sát.

Tuy nhiên, cung tiền tăng đột biến góp phần khiến lạm phát của Canada lên tới 4.7% - mức cao nhất trong hơn 30 năm tính đến thời điểm đó. Do đó, đến tháng 10/2021, BoC đã ngừng thực hiện nới lỏng định lượng và đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất lên mức trước đại dịch.

Cuộc họp chính sách BoC

Cuộc họp chính sách là thời điểm các quan chức đưa ra quyết định lãi suất

Từ tháng 12/2000, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) đã đưa ra lịch họp cổ định 8 lần/năm để công bố quyết định lãi suất chính sách. Trong những trường hợp đặc biệt, BoC có thể bất ngờ họp để thông báo thay đổi lãi suất, ví dụ như cuộc họp bất thường vào ngày 13 và 27/3/2022 để đối phó với những cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19.

Quyết định chính sách được đưa ra bởi Hội đồng BoC, bao gồm: Thống đốc, Phó Thống đốc và 12 giám đốc độc lập được Nội các bổ nhiệm (với nhiệm kỳ lên đến 3 năm). Thứ trưởng Bộ Tài chính mặc nhiên là thành viên không có quyền biểu quyết chính trách trong Hội đồng.

Một tiếng sau mỗi cuộc họp, Thống đốc BoC cũng sẽ tổ chức họp báo để giải trình thêm về các quyết định và trả lời một số thắc mắc của truyền thông. Biên bản cuộc họp sẽ được công bố 2 tuần sau đó, tóm tắt cuộc thảo luận chính sách, bao gồm: bối cảnh kinh tế, cơ sở quyết định và những lựa chọn được cân nhắc trong cuộc họp. 

BoC quy định thời gian blackout để giảm thiểu đồn đoán về quyết định chính sách

Tuy nhiên, sẽ có một giai đoạn gọi là “Blackout”, khoảng thời gian các quan chức BoC bị cấm bình luận công khai về triển vọng chính sách trước truyền thông, đồng thời không được phép mua - bán bất kỳ tài sản nào để giảm thiểu những đồn đoán không cần thiết về quyết định cuối cùng.

Vào cuộc họp đầu mỗi quý (tháng 1, 4, 7 hoặc 10), khi Báo cáo chính sách tiền tệ được công bố đồng thời với quyết định lãi suất, thời gian “Blackout” bắt đầu 8 ngày trước cuộc họp và kết thúc vào cuối ngày họp. 

Ngược lại, thời gian Blackout sẽ bắt đầu vào Thứ Tư - 7 ngày trước khi quyết định lãi suất và kéo dài đến cuối ngày mà quyết định được công bố.

dubaotiente.com

Broker listing

Thư mục bài viết