Hawkish là gì?

Hawkish là gì?

Đức Nguyễn

Đức Nguyễn

FX Strategist

14:34 27/11/2023

Hawkish (dịch thô diều hâu) là từ dùng để mô tả chính sách tiền tệ hạn chế (lãi suất cao) nhằm ưu tiên kiểm soát lạm phát thay vì chỉ tập trung vào tăng trưởng.

Hawkish là lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt

Hawkish (thường được dịch là diều hâu) là từ được dùng để chỉ chính sách tiền tệ thắt chặt, khi ngân hàng trung ương muốn siết thanh khoản của nền kinh tế. Chính sách hawkish được áp dụng trong giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng nóng, dẫn đến hậu quả như lạm phát cao.

Một số yếu tố của lập trường hawkish là lãi suất cao, tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao nhằm hạn chế cho vay, thắt chặt định lượng (bán trái phiếu để hút tiền về ngân hàng trung ương), các quan chức bình luận hướng tới kỳ vọng lãi suất tăng,...

Ngược lại với hawkish là dovish (thường dịch là bồ câu), sử dụng để chỉ lập trường chính sách nới lỏng (lãi suất thấp, nới lỏng định lượng).

Lập trường hawkish thường hỗ trợ đồng tiền

Các quốc gia có lập trường chính sách hawkish thường có lãi suất cao hơn, do đó nhà đầu tư thường sẽ đưa dòng vốn sang đây, nhờ khả năng sinh lời tốt hơn. Sự di chuyển này tạo ra nhu cầu đồng tiền tại đó tăng cao, cùng với đó là giá trị đồng tiền.


USD từng tăng rất mạnh trong giai đoạn Fed thắt chặt chính sách giữa năm 2022. Đỉnh điểm, tỷ giá EUR/USD đã giảm xuống dưới 1 (EUR có giá trị quy đổi thấp hơn USD) do phân kỳ chính sách giữa Mỹ và châu Âu

Ví dụ, khi Fed áp dụng lập trường hawkish, hút tiền khỏi thị trường thông qua thắt chặt định lượng và tăng lãi suất, nhà đầu tư Việt Nam sẽ chuyển sang thị trường Mỹ để có lợi nhuận cao hơn từ đầu tư vào trái phiếu Mỹ (nhờ lợi suất tăng do lãi suất cao), hay trực tiếp nắm giữ USD (nhờ kỳ vọng USD tăng do lãi suất tăng). Khi đó, tỷ giá USD/VND tăng.

Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp nhập khẩu tại Việt Nam chịu giá nhập khẩu cao hơn. Nhưng ngược lại, trên lý thuyết, các công ty xuất khẩu sẽ hưởng lợi vì khi quy đổi hàng hóa bán ra bằng USD về VND, doanh thu bằng VND sẽ cao hơn.

Trong trường hợp một quốc gia có hệ thống tài chính lớn như Mỹ áp dụng chính sách hawkish, áp lực tỷ giá có thể tăng cao, buộc ngân hàng trung ương của các quốc gia khác phải tăng lãi suất hoặc bán dự trữ ngoại hối để hỗ trợ đồng tiền. 

Ví dụ, vào tháng 9/2022, giai đoạn đỉnh điểm lạm phát tại Mỹ và Fed đã 3 lần tăng lãi suất 75bp, với tỷ giá USD/VND có thời điểm chạm 25,000, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng dự trữ ngoại hối, nới lỏng biên độ giao dịch USD/VND (từ +/-3% sang +/-5% so với tham chiếu), sau đó tăng lãi suất để ổn định nội tệ, chống mất giá mạnh.

Lập trường hawkish có thể khiến điều kiện tài chính thắt chặt đáng kể, khiến tăng trưởng hạ nhiệt, thậm chí suy thoái. Khi lãi suất quá cao, các doanh nghiệp khó có thể tiếp cận với nguồn tín dụng để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Hơn nữa, khi các doanh nghiệp khó vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, lợi nhuận mà họ tạo ra sẽ giảm, dẫn tới việc các công ty đồng loạt cắt giảm nhân sự, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên gây khó khăn cho người dân cũng như tạo ra những bất ổn trong vấn đề an sinh xã hội. 

Lập trường hawkish ảnh hưởng tới tâm lý đầu tư của công chúng


S&P 500 từng điều chỉnh rất mạnh do lãi suất cao

Khi lãi suất cao, công chúng cũng ưu tiên nắm giữ tiền mặt, gửi tiết kiệm thay vì mạnh tay chi tiêu. Và với tỷ lệ thất nghiệp trong nền kinh tế tăng, thu nhập người dân cũng giảm, tiêu dùng cũng ít dần, dẫn tới giảm phát, hạ nhiệt nền kinh tế.

Những biện pháp này có thể tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường tài sản rủi ro như bất động sản và cổ phiếu, trước lo sợ ngại thanh khoản trong bối cảnh lãi suất tăng.

Hawkish cũng có thể chuyển thành dovish (và ngược lại)

Khi lập trường hawkish đã hoàn thành nhiệm vụ, hoặc có vấn đề này sinh, ngân hàng trung ương có thể dần quay trở lại chính sách trung lập hơn, hoặc chuyển sang dovish hoàn toàn.

Trong lịch sử gần đây của Fed đã có nhiều quan chức chuyển hướng từ hawkish sang dovish hoặc ngược lại:

Cựu chủ tịch Alan Greenspan thường được cho là hawkish khi mới nhậm chức vào năm 1987, nhưng sau đó chuyển dần sang hướng dovish hơn (từ đó thị trường có thuật ngữ “Greenspan put” dùng để chỉ cách ông đối phó với khủng hoảng).

Người kế nhiệm ông, Ben Bernanke, cũng xoay chuyển giữa hawkish và dovish.

Chủ tịch Fed đương nhiệm Jerome Powell từng là một người theo hướng trung lập, trước khi chuyển hướng hawkish trong giai đoạn 2022.

Cựu chủ tịch Fed St. Louis James Bullard từng là một thành viên rất dovish trong giai đoạn 2019-2020, nhưng sau đó đã chuyển hướng trở thành thành viên hawkish nhất trong giai đoạn 2022-2023 trước khi ông chuyển sang hàn lâm. Ông thường xuyên là thành viên có ảnh hưởng lớn chỉ sau chủ tịch Fed.

dubaotiente.com

Broker listing

Thư mục bài viết