Hợp đồng tương lai là gì?

Hợp đồng tương lai là gì?

Đức Nguyễn

Đức Nguyễn

FX Strategist

11:38 03/04/2024

Hợp đồng tương lai là hợp đồng chuẩn hóa giữa 2 bên về một giao dịch diễn ra trong tương lai, với mức giá xác định tại thời điểm ký hợp đồng.

Hợp đồng tương lai là gì?

Hợp đồng tương lai là hợp đồng chuẩn hóa giữa 2 bên 

Hợp đồng tương lai (Futures Contract – FC) là hợp đồng chuẩn hóa giữa 2 bên về một giao dịch trong tương lai, với mức giá xác định tại thời điểm ký hợp đồng.

Giao dịch hợp đồng tương lai diễn ra tại các sàn giao dịch tương lai (future exchanges) khi bên mua đồng ý mua tài sản cơ sở tại thời điểm xác định trong tương lai, đồng thời bên bán đồng ý bán tài sản đó với mức giá xác định ở thời điểm hiện tại.

Các loại tài sản được giao dịch thông qua hợp đồng tương lai rất đa dạng, bao gồm các mặt hàng truyền thống như lương thực, vàng, các loại kim loại khác nhau, dầu mỏ,... ngoài ra còn có một số tài sản tài chính như tiền tệ, chứng khoán, hay các tài sản vô hình khác như chỉ số chứng khoán tham chiếu và lãi suất. 

Sự đa dạng này cho phép các nhà đầu tư và các bên tham gia thị trường có thêm nhiều lựa chọn để đầu tư, phòng ngừa rủi ro, hoặc đơn giản là đầu cơ dựa trên dự đoán về sự biến động giá trong tương lai.

Các bên liên quan có nghĩa vụ thực thi cam kết

Người mua hợp đồng tương lai cam kết mua và nhận tài sản cơ bản khi hợp đồng đáo hạn. Người bán hợp đồng tương lai cam kết cung cấp và giao tài sản cơ bản vào ngày đáo hạn (tại mức giá và thời gian đã được thỏa thuận).

Các khái niệm liên quan đến hợp đồng tương lai

 

Khái niệm

Giải thích

Hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán

là loại hợp đồng xây dựng trên tài sản cơ sở là chỉ số chứng khoán. Tại đó, các chỉ số chứng khoán được xây dựng dựa trên các nguyên tắc thiết kế và quản lý được Ủy ban chứng khoán nhà nước phê duyệt và chấp thuận. 

Tài sản cơ sở

Đối tượng chính được thỏa thuận giá, giao dịch mua – bán trong hợp đồng.

Ký quỹ

Là khoản tiền đặt cọc khi giao dịch chứng khoán, nhằm đảm bảo khả năng thanh toán hợp đồng của hai bên.

Vị thế

Trạng thái giao dịch và khối lượng tài sản cơ sở của hợp đồng phái sinh mà nhà đầu tư đang nắm giữ.

Đóng vị thế

Hoạt động mở một vị thế đối ứng với vị thế hiện tại đang nắm giữ.

Giá thanh toán cuối ngày

Mức giá để tính toán giá trị lỗ hoặc lãi phát sinh trong ngày của hợp đồng.

Giá thanh toán cuối cùng

Mức giá tài sản cơ sở được xác định vào ngày giao dịch cuối cùng. Đồng thời có tác dụng tính toán giá trị lỗ hoặc lãi phát sinh trong ngày giao dịch cuối cùng.

Hệ số nhân hợp đồng

Hệ số giúp quy đổi giá trị hợp đồng thành tiền.

Khối lượng mở

Số lượng hợp đồng tương lai phái sinh của một loại chứng khoán phái sinh, cùng tồn tại trong một thời điểm.

 

Ví dụ về hợp đồng tương lai

Ví dụ dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về bản chất của hợp đồng tương lai, với một loại tài sản cơ sở cụ thể là gạo:

Bối cảnh: Một công ty thực phẩm lớn, dự đoán rằng giá gạo sẽ tăng trong những tháng tới do nhu cầu tăng cao và nguồn cung hạn chế, quyết định sử dụng hợp đồng tương lai để đảm bảo nguồn cung gạo với một mức giá ổn định và dự đoán được.

Hợp đồng: Công ty ký kết một hợp đồng tương lai với một nhà cung cấp nông sản, theo đó họ sẽ mua 10.000 tấn gạo với giá 500 USD/tấn, giao hàng sau 6 tháng từ thời điểm ký kết.

Mục đích: Với hợp đồng này, công ty thực phẩm muốn đảm bảo rằng họ có thể mua gạo với một mức giá đã được xác định trước, bất kể những biến động giá trên thị trường trong tương lai. Điều này giúp họ quản lý chi phí và lên kế hoạch sản xuất một cách hiệu quả hơn.

Kết quả tiềm năng:

Nếu giá gạo trên thị trường tăng lên 600 USD/tấn vào thời điểm giao hàng, công ty thực phẩm sẽ được lợi từ việc đã khóa giá mua ở mức thấp hơn, tiết kiệm được 100 USD cho mỗi tấn gạo.

Nếu giá gạo giảm xuống 400 USD/tấn, công ty vẫn phải mua gạo với giá đã thỏa thuận là 500 USD/tấn, có nghĩa là họ sẽ phải chịu lỗ so với giá thị trường hiện tại. Tuy nhiên, việc sử dụng hợp đồng tương lai giúp họ tránh được rủi ro giá cả không lường trước được, đảm bảo sự ổn định và dự đoán được trong kế hoạch kinh doanh.

Đặc điểm của hợp đồng tương lai

Tính chuẩn hóa: Hợp đồng tương lai được thiết kế theo một khuôn mẫu chuẩn, với các điều khoản cụ thể như loại tài sản, chất lượng của tài sản cơ sở, quy mô của hợp đồng và phương thức thanh toán,... giúp tạo ra tính thống nhất và tiện lợi trong việc giao dịch hợp đồng tương lai trên thị trường. 

Các hợp đồng tương lai được niêm yết và giao dịch trên các sàn giao dịch tập trung như sàn chứng khoán phái sinh.

Bù trừ và ký quỹ: Để đảm bảo các nghĩa vụ thanh toán được thực hiện một cách minh bạch và công bằng, hợp đồng tương lai yêu cầu các bên tham gia phải đặt ký quỹ. Trung tâm quản lý sẽ thực hiện các hoạt động hạch toán giá và yêu cầu thanh toán hoặc bù trừ hàng ngày dựa trên giá trị thực tế của hợp đồng.

Dễ dàng đóng vị thế: Nhà đầu tư có thể thoát vị thế một cách linh hoạt trước khi hợp đồng đáo hạn, bằng cách thực hiện một giao dịch ngược lại trên thị trường, giúp họ quản lý rủi ro hoặc chốt lời một cách hiệu quả.

Được niêm yết: Hợp đồng tương lai được niêm yết và giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán phái sinh, vì vậy phải tuân thủ các quy định, quy tắc và quy trình của sở giao dịch. Điều này đảm bảo rằng hợp đồng tương lai được chuẩn hóa về các yếu tố quan trọng như điều khoản, giá trị và khối lượng tài sản cơ sở.

Đòn bẩy tài chính: Mang lại khả năng thu lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư tham gia hợp đồng tương lai. Với hiệu ứng đòn bẩy tài chính, mức sinh lời từ hợp đồng tương lai thường cao hơn đầu tư thị trường tài sản cơ sở.

Tính thanh khoản cao: Nhà đầu tư dễ dàng bán hoặc mua hợp đồng tương lai khi biết trước 1 số điều khoản cụ thể trong hợp đồng.

Tính an toàn cao, rủi ro thấp: Cả hai bên tham gia giao dịch đều được bảo vệ bởi những quy định rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ, cùng với hệ thống quản lý rủi ro do sở giao dịch và cơ quan quản lý trung tâm cung cấp, nhằm mục đích tối thiểu hóa rủi ro cho các bên liên quan.

Mục đích sử dụng của hợp đồng tương lai

Hợp đồng tương lai được sử dụng với hai mục đích cốt lõi: giảm thiểu rủi ro (hedging) và sử dụng cho mục đích đầu cơ giao dịch.

Giảm thiểu rủi ro (hedging)

Hợp đồng tương lai là công cụ quản lý rủi ro hiệu quả, cho phép các cá nhân và tổ chức giảm thiểu tác động của sự biến động giá trên thị trường đối với tài sản cơ bản. Bằng cách ký kết hợp đồng mua hoặc bán tài sản tương lai, họ có thể ổn định chi phí hoặc doanh thu dự kiến, đảm bảo sự ổn định tài chính.

Ví dụ: một nhà sản xuất có thể mua hợp đồng tương lai để bảo vệ khỏi sự tăng giá của nguyên liệu sản xuất, bảo vệ lợi nhuận dự kiến.

Sử dụng cho mục đích đầu cơ giao dịch

Nhà đầu tư sử dụng hợp đồng tương lai để tận dụng cơ hội từ sự biến động giá của tài sản cơ bản, với kỳ vọng kiếm lời từ những chênh lệch giá này. Mặc dù mang lại tiềm năng lợi nhuận cao, đầu cơ qua hợp đồng tương lai cũng tiềm ẩn rủi ro lớn, yêu cầu nhà đầu tư phải có kỹ năng phân tích và quản lý rủi ro tốt.

Tại sao lựa chọn hợp đồng tương lai chỉ số để triển khai đầu tiên?

Hợp đồng tương lai chỉ số cung cấp một công cụ đầu tư linh hoạt, dễ sử dụng, phản ánh rộng rãi diễn biến của thị trường chứng khoán, qua đó giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và tham gia thị trường.Ngoài ra, loại hình này mang tính đại diện cao, đáp ứng tốt được nhu cầu đa dạng hóa và phòng ngừa rủi ro. 

Do đó, đây là loại hình phù hợp nhất đối với thị trường phái sinh tập trung mới ra đời. Cụ thể như giữa nhiều chỉ số chứng khoán, VN30 được lựa chọn do chỉ số này đại diện cho 30 mã cổ phiếu được niêm yết trên sàn HOSE có giá trị vốn hóa và thanh khoản cao nhất cùng các yếu tố kỹ thuật khác.

Hợp đồng tương lai chỉ số chính là nền móng cho việc xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh, tạo điều kiện cho việc triển khai thêm các sản phẩm phức tạp hơn.. Rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng điều này dựa trên những nghiên cứu được phát hiện.

Quy định về chứng khoán phái sinh tại Việt Nam

Theo Thông tư số 58/2021/TT-BTC và Nghị định số 158/2020/NĐ-CP liên quan đến chứng khoán phái sinh và hợp đồng chứng khoán phái sinh tại Việt Nam như sau:

Tài sản cơ sở: Trong hợp đồng tương lai, tài sản cơ sở có thể là chứng khoán, chỉ số chứng khoán hoặc các tài sản khác theo quy định của Nhà nước. Giá trị FC được xác định dựa trên tài sản cơ sở này.

Thanh toán: Đến ngày đáo hạn, việc thanh toán của hợp đồng tương lai sẽ được thực hiện theo quy chế do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam ban hành, và thường được thực hiện bằng tiền.

Hai sản phẩm chính: Tại Việt Nam, hiện có hai dòng sản phẩm hợp đồng tương lai được cung cấp. Đó là hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán (hay còn được gọi là Hợp đồng tương lai VN30) và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ. 

Hợp đồng tương lai VN30 liên quan đến chỉ số VN30 của thị trường chứng khoán Việt Nam, trong khi hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 5 năm và 10 năm.

Những loại hợp đồng tương lai ở Việt Nam

Hiện nay, ở Việt Nam có hai loại hợp đồng tương lai đang được áp dụng là: Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ.

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là hợp đồng dựa trên điểm số của 30 mã cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Hợp đồng tương lai chỉ số được đáo hạn theo hình thức thanh toán tiền theo quy chế do Tổng Công ty Lưu ký Chứng khoán Việt Nam ban hành. 

Hợp đồng tương lai bao gồm 4 loại chính là: VN30F1M, VN30F2M, VN30F1Q, VN30F2Q.

Bảng mô tả các thông số cần biết đối với một hợp đồng tương lai VN30:

STT

Đặc điểm

HĐTL chỉ số cổ phiếu VN30

1

Tên hợp đồng

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30

2

Mã hợp đồng

VN30FYYMM

3

Tài sản cơ sở

Chỉ số VN30

4

Quy mô hợp đồng

100.000 đồng x điểm chỉ số cơ sở

5

Hệ số nhân

100.000 đồng

6

Tháng đáo hạn

Tháng hiện tại, tháng kế tiếp, hai tháng cuối 02 quý tiếp theo

7

Thời gian giao dịch

Phiên ATO: 8h45’ – 9h00’

Phiên liên tục sáng: 9h00’ – 11h30’

Phiên liên tục chiều: 13h00’ – 14h30’

Phiên ATC: 14h30’ – 14h45’

8

Biên độ dao động giá

+/- 7%

9

Bước giá

0,1 điểm chỉ số (tương đương 10.000 đồng)

10

Đơn vị giao dịch

01 Hợp đồng

11

KLGD tối thiểu

01 Hợp đồng

12

Ngày GD cuối cùng

Ngày Thứ Năm thứ ba trong tháng đáo hạn

13

Ngày thanh toán cuối cùng

Ngày làm việc liền sau ngày giao dịch cuối cùng

14

Phương thức thanh toán

Thanh toán bằng tiền

15

Phương pháp xác định giá thanh toán cuối cùng

Giá trị đóng cửa của chỉ số cơ sở tại ngày giao dịch cuối cùng của Hợp đồng tương lai.

16

Giá tham chiếu

Giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước hoặc giá lý thuyết (trong ngày giao dịch đầu tiên)

Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ

Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ là thỏa thuận mua bán trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu giả định có một vài đặc điểm cơ bản giống trái phiếu Chính phủ với một mức giá cố định vào một thời gian cụ thể trong tương lai.

Ưu điểm của hợp đồng tương lai 

Cho phép giao dịch T0

Không giống như những sản phẩm chứng khoán khác người mua phải mất 3 ngày chứng khoán mới về tài khoản. Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu cho phép giao dịch T0, có nghĩa là sau khi nhà đầu tư đã mua hoặc bán cổ phiếu thì ngay trong ngày giao dịch, có thể bán hoặc mua một lượng tương đương.

Ví dụ: nhà đầu tư A đặt vị thế mua hợp đồng tương lai chỉ số chỉ số VN30 vào lúc 9h sáng ngày 29/1/2020 thì đến 14h cùng ngày nhà đầu tư A muốn chốt lợi nhuận đối với vị thế này thì người A chỉ cần đặt vị thế bán hợp đồng tương lai để đóng vị thế.

Không mất phí vay Margin

Để được mở vị thế giao dịch hợp đồng tương lai nhà đầu tư chỉ phải mất một khoản tiền nhỏ ban đầu, coi như là tiền đặt cọc để đảm bảo cho những khoản lỗ phát sinh có thể xảy ra đối với vị thế hợp đồng đang nắm giữ trong ngày giao dịch. 

Ngoài ra, nhà đầu tư không phải chịu thêm bất cứ một khoản lãi vay nào phát sinh từ số dư ký quỹ trong tài khoản.

Cơ hội sinh lời

Hợp đồng tương lai cổ phiếu cho phép các nhà đầu tư quản lý rủi ro biến động giá một cách hiệu quả. Đối với những người đang sở hữu cổ phiếu, họ có thể sử dụng hợp đồng tương lai để giảm thiểu rủi ro lỗ khi giá cổ phiếu trên thị trường chính bắt đầu giảm. Họ có thể chuyển đổi những rủi ro này đến những ai sẵn sàng đón nhận nó.

Ví dụ: Khi giao dịch hợp đồng tương lai VN30F1M chứa cổ phiếu trong rổ VN30, nhà đầu tư bán hợp đồng để phòng ngừa rủi ro khi thị trường giảm.

Điều này mang lại cơ hội bảo vệ vốn đầu tư khỏi sự biến động không lường trước được của thị trường.

Không những thế, hợp đồng tương lai cũng mở ra cơ hội kiếm lời thông qua việc đầu cơ. Nhà đầu tư có thể tận dụng sự chênh lệch giữa giá của hợp đồng tương lai và giá thực tế của tài sản để kiếm lời mà không cần phải đầu tư một khoản tiền lớn.

Tính thanh khoản cao

Nhà đầu tư có thể dễ dàng mở vị thế mua, bán hợp đồng tương lai liên tục trong ngày. Điều này thu hút nhiều nhà đầu tư tìm đến chứng khoán phái sinh bởi học có thể giao dịch liên tục, quay vòng vốn liên tục.

Đòn bẩy tài chính

Nhà đầu tư muốn giao dịch hợp đồng phải thực hiện ký quỹ để cam kết tài chính và đảm bảo thực hiện hợp đồng. Với hiệu ứng đòn bẩy, mức sinh lời của chứng khoán phái sinh cao hơn rất nhiều so với chứng khoán cơ sở. Ở một số công ty chứng khoán, mức ký quỹ phái sinh hợp đồng tương lai thường ở mức 13% – 15%.

Tuy nhiên, khi giao dịch phái sinh tại Future X, nhà đầu tư sẽ chỉ cần đặt cọc một phần tài sản nhưng được giao dịch với giá trị lớn gấp 7 giá trị cọc vì Future X có tỷ lệ cọc thấp nhất thị trường.

Ví dụ: Một nhà đầu tư kỳ vọng thị trường tăng điểm quyết định mở vị thế mua hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đáo hạn ngay trong tháng hiện tại ở mức 670 điểm. Khi tham gia hợp đồng tương lai với quy mô hợp đồng là:

670 điểm x 100.000 đồng = 67.000.000 đồng 

chỉ cần ký quỹ 1 phần nhỏ so với quy mô hợp đồng. Nếu mức ký quỹ quy định là 15%, nhà đầu tư sẽ phải ký quỹ:

67.000.000 đồng x 15% = 10.050.000 đồng 

Nhược điểm của hợp đồng tương lai

Rủi ro của hiệu ứng đòn bẩy

Đòn bẩy chính là con dao 2 lưỡi đối với nhà đầu tư. Khả năng sinh lợi sẽ rất cao nếu dự đoán đúng thị trường nhưng lỗ cũng sẽ rất đậm nếu có dự đoán sai xu hướng thị trường. 

Yêu cầu ký quỹ bổ sung

Với cơ chế thanh toán hằng ngày, các khoản lãi, lỗ trên hợp đồng phản ánh ngay trên tài khoản ký quỹ. Khi số tiền ký quỹ trong tài khoản xuống thấp hơn mức duy trì, nhà đầu tư buộc phải ký quỹ bổ sung. Nếu không bổ sung kịp thời, vị thế của nhà đầu tư buộc phải đóng lại.

Đây chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thua lỗ và phá sản ở chứng khoán phái sinh nói chung và HĐTL nói riêng.

Ngày đáo hạn phái sinh

Khác với giao dịch cổ phiếu, trong giao dịch hợp đồng tương lai có một ngày đáo hạn cố định. Tại ngày này, giao dịch hợp đồng tương lai sẽ bị ngừng và các nhà đầu tư phải chốt lãi hoặc lỗ. Điều này khác biệt với cổ phiếu mà nhà đầu tư có thể nắm giữ trong thời gian dài và bán vào thời điểm mà họ cho là thích hợp.

Định giá hợp đồng tương lai

Giá của một hợp đồng tương lai được xác định dựa trên cung và cầu thực tế trên thị trường. Đối với hợp đồng tương lai chỉ số, giá trị hợp lý (Fair value) của nó được tính bằng công thức:

F = S*e^(r - d)T

Trong đó:  

S là giá cơ sở, tức giá của chỉ số hiện tại (ví dụ: chỉ số VN30).  

e là một hằng số, thường có giá trị xấp xỉ 2.71.  

r là lãi suất vay, thể hiện chi phí vay vốn trong thời gian nắm giữ hợp đồng.  

d là lợi suất có tức bình quân của chỉ số, thể hiện lợi suất mà nhà đầu tư có thể nhận từ cổ tức trả cho các cổ phiếu trong chỉ số.  

T là thời gian nắm giữ hợp đồng tương lai tính từ thời điểm hiện tại đến ngày đáo hạn.

Các chiến lược đầu tư phái sinh hợp đồng tương lai hiệu quả

Chiến lược giao dịch đầu cơ theo xu hướng giá

Đây là một trong những chiến lược phổ biến nhất do tính đơn giản và mức độ hấp dẫn của nó, tuy nhiên cũng đi kèm với rủi ro cao hơn so với các chiến lược khác.

Khi nhà đầu tư dự đoán rằng thị trường sẽ tăng giá trong tương lai, họ sẽ mua hợp đồng tương lai và chờ bán để đóng vị thế khi giá tăng.

Ngược lại, nếu dự đoán là thị trường sẽ giảm giá, họ sẽ bán hợp đồng tương lai và thực hiện vị thế mua để đóng vị thế giao dịch.

Chiến lược giao dịch trong ngày

Chiến lược này liên quan đến việc mua và bán trong cùng một ngày giao dịch. Cuối ngày, nhà đầu tư đóng tất cả các vị thế nắm giữ của mình về 0 để tránh chịu rủi ro từ biến động giá qua đêm. Trong một nghĩa rộng hơn, giao dịch trên có thể tính cho các vị thể nắm giữ qua đêm tới 1 vài ngày. 

dubaotiente.com

Broker listing