Ngân hàng dự trữ New Zealand

RBNZ - Ngân hàng dự trữ New Zealand

Đức Nguyễn

Đức Nguyễn

FX Strategist

15:52 26/10/2023

Ngân hàng Dự trữ New Zealand là ngân hàng trung ương và cơ quan tiền tệ của New Zealand, được thành lập vào ngày 01/08/1934 thông qua “Đạo luật ngân hàng New Zealand 1933", với mục tiêu xây dựng và thực thi chính sách tiền tệ nhằm duy trì ổn định giá cả và việc làm, thúc đẩy một hệ thống tài chính vững mạnh và đáp ứng nhu cầu tiền tệ của công chúng. RBNZ toàn quyền điều hành chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng tại New Zealand.

Ngân hàng dự trữ New Zealand là gì?

Ngân hàng dự trữ New Zealand là ngân hàng trung ương của chính phủ

Ngân hàng dự trữ New Zealand (RBNZ - Reserve Bank of New Zealand) được thành lập vào ngày 01/08/1934 với tư cách là ngân hàng trung ương của chính phủ thông qua “Đạo luật ngân hàng New Zealand 1933.” RBNZ toàn quyền điều hành chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng tại New Zealand.

Chức năng của Ngân hàng dự trữ New Zealand là xây dựng và thực thi chính sách tiền tệ nhằm duy trì ổn định giá cả và việc làm, thúc đẩy một hệ thống tài chính vững mạnh và đáp ứng nhu cầu tiền tệ của công chúng.

Trụ sở của Ngân hàng dự trữ New Zealand được đặt tại thành phố Wellington, New Zealand. 

RBNZ chịu trách nhiệm thực thi chính sách tiền tệ để ổn định lạm phát và tối đa hóa việc làm 

Giống như đa phần các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu, Ngân hàng dự trữ New Zealand chịu trách nhiệm thiết lập và thực thi chính sách tiền tệ với hai mục tiêu chính là: 

  • Kiểm soát lạm phát trong trung hạn với phạm vi từ 1-3% và lạm phát trong dài hạn ổn định quanh mức 2%.
  • Đạt toàn dụng lao động để tạo ra đầy đủ công ăn việc làm cho người dân.  

RBNZ tự chủ thiết lập chính sách nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế chung của Chính phủ.

RBNZ độc lập trong việc thực thi chính sách tiền tệ và, không có giới hạn về các công cụ có thể sử dụng, miễn là các công việc của họ nỗ lực tạo ra được một hệ thống tài chính lành mạnh và hiệu quả.

RBNZ tồn tại một Ủy ban (không tham gia điều hành) được quyền xem xét các quyết định chính sách và định kỳ báo cáo cho Bộ Ngân khố, nhưng không được phép tham gia bỏ phiếu. Ủy ban này có thể đề nghị bãi nhiệm thống đốc nếu họ kết luận rằng người đó không nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu hoạt động chung. 

Nói tóm lại, độc lập trong việc điều hành chính sách cũng sẽ đi kèm với nhiệm vụ giải trình rõ ràng và chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước các kết quả chính sách.

Các công cụ điều tiết chính sách tiền tệ của RBNZ

Lãi suất điều hành (OCR) là công cụ chính sách chính 

Lãi suất tiền gửi (OCR) là lãi suất cho vay qua đêm mà Ngân hàng dự trữ New Zealand áp dụng cho các ngân hàng thương mại. Hầu hết các ngân hàng đã đăng ký đều có tài khoản thanh toán tại RBNZ và đây cũng sẽ là mức lãi suất được sử dụng để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán vào cuối ngày. 

Lãi suất tiền gửi ảnh hưởng đến giá vay tiền ở New Zealand và cung cấp cho Ngân hàng Dự trữ một phương tiện để tác động đến mức độ hoạt động kinh tế và lạm phát.

Không như đa số các ngân hàng trung ương toàn cầu khác, RBNZ tránh sử dụng Nới lỏng định lượng (QE) trong Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 vì họ vẫn còn có thể giảm lãi suất OCR xuống thấp hơn nữa (từ mức 8.25% trong năm 2008 xuống 2.50% trong nhiều năm sau đó), do lạm phát thấp liên tục và tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Trong cuộc họp bất thường vào tháng 03/2020, RBNZ đã thông báo duy trì OCR ở mức 0.25% trong 12 tháng liên tiếp để kích cầu nền kinh tế, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát tại New Zealand.


Lãi suất RBNZ từ năm 2000 đến nay

Chương trình mua tài sản quy mô lớn (LSAP) được bổ sung để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch COVID-19 

Để hỗ trợ thêm cho nền kinh tế trước tình trạng suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra, Ngân hàng dự trữ New Zealand đã triển khai sử dụng Chương trình mua tài sản quy mô lớn (LSAP - Large Scale Asset Purchase) - đây là một dạng của nới lỏng định lượng. 

Theo LSAP, RBNZ sẽ bơm tiền vào nền kinh tế thông qua việc mua trái phiếu chính phủ từ các ngân hàng để giảm chi phí vay đối với các doanh nghiệp trong nước. Đổi lại, các hộ gia đình có nhiều tiền hơn và tạo thêm dòng tiền cho các doanh nghiệp, giúp họ tự tin hơn để chi tiêu và đầu tư. 

Chương trình LSAP đã được khép lại vào ngày 23/07/2021, sau khi Ủy ban Chính sách tiền tệ đồng ý giảm mức kích thích tiền tệ hiện tại để đáp ứng các mục tiêu về lạm phát tiêu dùng và việc làm trong trung hạn.

Chương trình LSAP có khả năng mua vào 100 tỷ USD trái phiếu chính phủ New Zealand và khi kết thúc vào tháng 07/2021, RBNZ đã mua gần 53 tỷ USD trái phiếu. 


Quy mô bảng cân đối kế toán và % bảng cân đối kế toán theo GDP của RBNZ khi áp dụng LSAP

Cuộc họp chính sách RBNZ

Những quyết định về chính sách tiền tệ của Ngân hàng dự trữ New Zealand chỉ được thảo luận và quyết định trong các cuộc họp định kỳ tổ chức 7 lần/năm. Vào lúc 14:00 (giờ địa phương), RBNZ sẽ công bố lãi suất chính thức, tuyên bố chính sách tiền tệ và tổ chức họp báo để giải trình thêm về các quyết định.

Ủy ban Chính sách tiền tệ của New Zealand hiện có 7 thành viên, bao gồm: 

  • 3 thành viên chính thức: Thống đốc,  Phó thống đốc, Trợ lý thống đốc và Nhà kinh tế trưởng (Giám đốc kinh tế) của RBNZ với nhiệm kỳ tối đa 5 năm và có thể được tái bổ nhiệm thêm 2 nhiệm kỳ.
  • Các thành viên bên ngoài là các nhà kinh tế học với nhiệm kỳ tối đa 4 năm và có thể được tái bổ nhiệm thêm 1 nhiệm kỳ.


Thống đốc RBNZ Adrian Orr

Bộ trưởng Tài chính New Zealand sẽ có quyền bổ nhiệm cả thành viên chính thức và các thành viên bên ngoài dựa trên các khuyến nghị của Hội đồng.

Trong trường hợp đặc biệt, RBNZ sẽ tổ chức các phiên họp bất thường để kịp thời ứng phó với những biến động khó lường trong nền kinh tế. Ví dụ như hai cuộc họp diễn ra vào ngày 11/09/2001 (khủng bố tại Mỹ) và 16/3/2020 (đại dịch COVID-19 bùng phát) -  công bố giữ nguyên lãi suất ở mức thấp trong thời gian dài nhằm kích cầu nền kinh tế. 

Tuyên bố chính sách tiền tệ sẽ được công bố 4 lần/năm vào cuối mỗi quý và phản ảnh chi tiết hướng đi của Ủy ban Chính sách Tiền tệ trong việc đạt được các mục tiêu chính sách. Tuyên bố đánh giá về các điều kiện kinh tế hiện tại và các dự báo ​​trong tương lai, bao gồm cả lạm phát và việc làm. 

RBNZ cũng sẽ xuất bản Báo cáo Ổn định Tài chính (FSR) 6 tháng một lần. Trong đó sẽ đưa ra đánh giá về tính lành mạnh và hiệu quả của hệ thống tài chính tại New Zealand.

dubaotiente.com

Broker listing

Thư mục bài viết