RSI là gì?

RSI là gì?

Đức Nguyễn

Đức Nguyễn

FX Strategist

16:14 03/11/2023

RSI là một chỉ báo động lượng được sử dụng phổ biến trong phân tích kỹ thuật để đo lường tốc độ thay đổi của xu hướng giá.

RSI là chỉ báo động lượng đánh giá sức mạnh của một xu hướng giá

Chỉ báo RSI trên đồ thị DXY

Chỉ số sức mạnh tương đối (Relative Strength Index - RSI) là chỉ báo động lượng phổ biến nhất trong phân tích kỹ thuật và được sử dụng để đánh giá sức mạnh của phe mua hoặc phe bán đối với một loại tài sản trong một khoảng thời gian nhất định, thường là 14 phiên gần nhất.

Chỉ báo RSI được phản ánh thông qua một đường cong phía dưới biểu đồ giá, với khung giao động nằm trong khoảng từ 0 - 100. Thông qua RSI, các traders có thể nắm bắt được tín hiệu về xu hướng giá tiếp theo và xác định các vùng quá mua/quá bán - nơi mà giá có khả năng sẽ sớm đảo chiều.

Chỉ báo RSI được tạo ra và phát triển bởi Nhà phân tích thị trường Welles Wilder (1935 - 2021), đồng thời ông cũng là người phát minh ra một loạt các chỉ báo phân tích kỹ thuật có tính ứng dụng cao khác như MACD, ATR, ADX hay Parabolic SAR… 

RSI được giới thiệu lần đầu trước công chúng trên tạp chí Commodities vào năm 1978. Vài năm sau đó, ông Wilder đã phát hành cuốn sách mang tên “New Concepts in Technical Trading Systems” để mô tả chi tiết hơn về các ứng dụng của chỉ báo kỹ thuật này thông qua một số ví dụ minh họa thực tế.

RSI được tính dựa trên hệ số trung bình mức tăng và giảm trong 14 phiên gần nhất

Để hiểu được cách Chỉ số sức mạnh tương đối vận hành, ta cần nắm được công thức tính RSI. Cụ thể, chỉ số này được tính dựa trên hệ số trung bình mức tăng và trung bình mức giảm của tài sản trong một chu kỳ xác định, thường mặc định là 14 phiên gần nhất. 

Trong đó: 

  • Mức tăng trung bình: Mức tăng trung bình của các kỳ tăng trong 1 chu kỳ.
  • Mức giảm trung bình: Mức giảm trung bình của các kỳ giảm trong 1 chu kỳ.

Khi chỉ báo cắt qua trục 50 và đi lên (RSI > 50), thị trường sẽ tiếp tục xu hướng tăng. Ngược lại, nếu cắt qua trục 50 và đi xuống (RSI < 50) thì tức là đà giảm vẫn còn mạnh.

Vì RSI là một chỉ báo động lượng nên có thể giúp các trader xác định cường độ xu hướng và tìm kiếm những điểm đảo chiều tiềm năng. Ví dụ, khi RSI gặp khó khăn trong việc xuyên lên phía trên trục 70 trong một xu hướng tăng, nhưng sau đó lại cắt xuống trục 30 thì có nghĩa là xu hướng tăng này đã yếu đi và giá sẽ sớm giảm sâu hơn. 

RSI chỉ ra các vùng quá mua và quá bán

Mục đích sử dụng cơ bản nhất của RSI là nhằm xác định các vùng quá mua và quá bán trong biến động giá của một tài sản cơ sở, từ đó nhận biết được tín hiệu đảo chiều xu hướng để tìm điểm vào lệnh. Quá mua hoặc quá bán được hiểu là các vùng mà giá đã biến động rất mạnh nhưng không có nhiều nhịp điều chỉnh đáng kể. 

  • Hiện tượng quá mua (overbought) xuất hiện khi giá trị thị trường đang vượt quá giá trị thực của tài sản. Lúc này đường RSI sẽ cắt qua trục 70 và đi lên. Các nhà đầu tư có thể kỳ vọng giá điều chỉnh giảm trở lại. 
  • Hiện tượng quá bán (oversold) xuất hiện khi giá trị thị trường đang thấp hơn nhiều giá trị thực của tài sản. Lúc này đường RSI sẽ cắt qua trục 30 và đi xuống. Các nhà đầu tư có thể kỳ vọng giá điều chỉnh tăng trở lại.

Để xác định điểm vào lệnh hợp lý, các nhà đầu tư có thể đợi đợi đến khi RSI giảm trở lại xuống dưới đường 70 hoặc bật ngược trở lại từ đường 30 thì có thể tiến hành thiết lập các vị thế bán hoặc các vị thế mua.

Đồng thời, khi giá rơi vào các vùng quá mua và quá bán mà có thêm sự xuất hiện của các mô hình nến đảo chiều xu hướng thì cũng sẽ là một tín hiệu tốt để các nhà đầu tư xác định điểm vào lệnh. Như hình bên trên, khi giá đảo chiều giảm đã có sự xuất hiện của mô hình nến Bearish Engulfing. 

Một kỹ thuật khác cũng được sử dụng để xác định giá đảo chiều là các giao dịch với RSI Failure Swing, bao gồm:

  • Top Swing Failure: Sau khi tạo đỉnh trong vùng quá mua (RSI > 70), RSI tạo đáy mới dưới trục 70 (gọi là A) và hình thành một đợt tăng giá khác nhưng không thể chạm tới vùng quá mua. Cuối cùng, RSI phá vỡ đáy gần nhất (A) để giảm sâu hơn. Trend giảm được thiết lập và các traders có thể vào lệnh bán tại đây. 
  • Bottom Swing Failure: Sau khi tạo đáy trong vùng quá bán (RSI < 30), RSI tạo đỉnh mới trên trục 30 (gọi là B) và hình thành một đợt giảm giá khác nhưng không thể chạm tới vùng quá bán. Cuối cùng, RSI phá vỡ đỉnh gần nhất (B) để tăng mạnh hơn. Trend tăng được thiết lập và các traders có thể vào lệnh mua tại đây.

RSI phân kỳ cho thấy xu hướng giá đang yếu dần

Phân kỳ RSI (RSI Divergence) là hiện tượng xu hướng giá và động lượng di chuyển ngược chiều/pha với nhau. Nói cách khác, sự thay đổi về động lượng diễn ra trước khi có sự thay đổi về xu hướng giá tương ứng. Có 2 loại phân kỳ RSI:

  • Phân kỳ dương (bullish divergence): Giá tạo đáy sau thấp hơn đáy trước để xác nhận xu hướng giảm nhưng RSI tiến vào vùng quá bán (RSI < 30) lại tạo đáy sau cao hơn đáy trước, báo hiệu một xu hướng giảm không bền vững và giá sẽ sớm đảo chiều tăng. Tại đây, trader có thể tiến hành mua vào tại vị trí khi RSI cắt lên phía trên trục 30.


Phân kỳ dương trên khung tuần của GBPUSD

  • Phân kỳ âm (bearish divergence): Giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước để xác nhận xu hướng tăng nhưng RSI tiến vào vùng quá mua (RSI > 70) lại tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, báo hiệu một xu hướng tăng không bền vững và giá sẽ sớm đảo chiều giảm. Tại đây, traders có thể tiến hành bán ra tại vị trí khi RSI cắt xuống phía dưới trục 70.


Phân kỳ âm trên đồ thị khung tuần của VNIndex. Sau khi hình thành phân kỳ âm, chỉ số điều chỉnh dữ dội, tạo đáy tại vùng 900

dubaotiente.com

Broker listing

Thư mục bài viết