“Thứ Tư đen” - Black Wednesday và sự sụp đổ của ngân hàng Anh

“Thứ Tư đen” - Black Wednesday và sự sụp đổ của ngân hàng Anh

Trần Vân Anh

Trần Vân Anh

Junior Editor

16:36 07/03/2024

Ngày “thứ Tư đen” đề cập đến ngày 16 tháng 9 năm 1992, khi đồng bảng Anh sụp đổ buộc Anh phải rút khỏi Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM)

Ngày “thứ Tư đen” là gì?

“Thứ Tư đen” đánh dấu sự kiện ngân hàng trung ương Anh sụp đổ

“Thứ Tư đen” là tên gọi cho một sự kiện diễn ra vào thứ Tư ngày 16/9/1992. Khi mà các nhà đầu cơ, đứng đầu là George Soros - quản lý Quỹ Quantum, đã đánh sập đồng bảng Anh (GBP), làm chao đảo hệ thống tài chính Anh, và cuối cùng dẫn đến việc ngân hàng trung ương Anh sụp đổ. 

Ngay sau đó, chính quyền của Đảng Bảo thủ đã buộc phải quyết định rút đồng GBP khỏi Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM). 

Với số tiền khoảng 3.3 tỷ GBP, ngân hàng trung ương của Anh đã không thể tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công, bán tháo ồ ạt trên thị trường tiền tệ. Kết quả là đồng bảng Anh đã rớt giá thảm hại, nền kinh tế Anh sau đó đã rơi vào tình trạng suy thoái đáng kể, trong khi đó thì George Soros đã kiếm được khoản lợi nhuận khoảng hơn 1 tỷ USD chỉ trong vòng 1 tháng.

Bối cảnh trước khi xảy ra sự kiện "Thứ Tư đen"

Lúc mới thành lập, Anh từ chối tham gia Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM) 

Năm 1979, tiền thân của đồng tiền chung châu Âu, Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM) được thành lập, cho phép các đồng tiền tệ tham gia vào cơ chế này được neo tỷ giá hối đoái của họ vào một mức nhất định, cụ thể là không đồng tiền quốc gia nào được phép tăng giá hay mất giá quá 2.25% với các đồng tiền quốc gia khác.

Thực tế, các quốc gia chưa sẵn sàng từ bỏ đồng nội tệ nhưng vẫn đồng ý giữ tỷ giá hối đoái tại một mức nhất định thay vì thả nổi và để thị trường vốn thiết lập tỷ giá. Tuy nhiên, nước Anh lại từ chối tham gia ERM ngay từ khi nó bắt đầu.

Năm 1990, Anh quyết định tham gia vào ERM do lạm phát đã tăng quá cao

Tháng 10/1990, Anh quyết định tham gia vào ERM. Nguyên nhân là do lạm phát đã tăng quá cao, từ mức 3% vào năm 1988 lên tới 10.9% vào năm 1990. Để chống lại tình trạng lạm phát nghiêm trọng này, Anh buộc phải gia nhập vào cơ chế ERM với hy vọng ổn định kinh tế.

Sau khi gia nhập, Anh đã neo giá GBP với đồng Mác Đức (DEM), với hy vọng định vị nền kinh tế của Anh bên cạnh Đức – quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất châu Âu lúc đó. Giá trị GBP khi đó được đặt ở mức 2.95 Mác Đức và giao động với biên độ thay đổi không quá 6%.

Sau khi gia nhập ERM, lạm phát ở Anh vẫn tiếp tục tăng

Sau khi Đức thống nhất năm 1989, chi tiêu của chính phủ đã tăng mạnh, buộc Ngân hàng Trung ương Đức phải in thêm tiền. Điều này dẫn đến lạm phát cao và khiến Ngân hàng Trung ương Đức không có nhiều lựa chọn ngoài việc tăng lãi suất. 

Tuy nhiên, việc tăng lãi suất đi kèm với sức ép tăng giá lên đồng Mác Đức. Điều này buộc các ngân hàng trung ương khác phải tăng lãi suất để duy trì tỷ giá hối đoái cố định của họ. Thời điểm đó, đồng tiền của các quốc gia châu Âu (trong đó có GBP) đều lên giá so với các đồng tiền bên ngoài như USD hay JPY.

Đặc thù của Anh lúc bấy giờ là nước này có thâm hụt tài khoản vãng lai nghiêm trọng. GBP càng lên giá càng khiến xuất khẩu của Anh sụt giảm và nhập khẩu tăng, khiến cán cân vãng lai thêm mất cân bằng. Thời điểm đó, lãi suất của Anh đã được điều chỉnh tăng thêm tới 15% làm cho lạm phát ở Anh ngày càng tăng, cao gấp 3 lần ở Đức. 

Nước Anh lúc này trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế không bền vững, có nghĩa là có thể sẽ sớm bước vào thời kỳ suy thoái. Nhận thấy rằng nền kinh tế yếu kém của Anh và tỷ lệ thất nghiệp cao sẽ không cho phép chính phủ Anh duy trì chính sách tăng lãi suất này lâu dài, nhà đầu tư George Soros đã nhảy vào hành động. 

Làm thế nào George Soros có thể đánh sập ngân hàng Anh?

Kể từ tháng 8, Soros và quỹ Quantum đã mở vị thế bán khống

Trong suốt mùa hè năm 1992, đồng bảng Anh vẫn giữ vị trí của mình. Chỉ đến khi Đức bán đứng Anh thì mọi chuyện mới trở nên tồi tệ. Các quan chức ngân hàng trung ương Đức đã đưa ra rất nhiều bình luận bất lợi có thể gây suy yếu cho GBP.

Nắm được tình hình bấy giờ, từ tháng 8/1992, Soros và quỹ Quantum đã mở một vị thế 1.5 tỷ USD bán khống vì tin rằng giá của đồng Bảng Anh sẽ giảm. 

Bản thân chính phủ Anh lúc đó vẫn hoàn toàn tin tưởng và tuyên bố rằng GBP sẽ không thể sụp đổ. Nhằm giữ cho đồng bảng ổn định, Anh đã chi hàng tỷ USD để mua lại GBP, đồng thời liên tiếp tăng lãi suất để thu hút các nhà giao dịch và ngăn chặn việc bán khống GBP.

Tuy nhiên, tất cả những biện pháp trên dường như không hiệu quả, khi nhiều nhà đầu tư không hề tin tưởng vào các chính sách tiền tệ của Anh, họ vẫn liên tiếp bán tháo đồng Bảng khiến cho nó giảm giá mạnh.

Ngày 16/9, quỹ Quantum của Soros đã ồ ạt bán khống đồng bảng Anh

Vào ngày 15/9/1992, chủ tịch của Bundesbank, ông Helmut Schlesinger đã phát biểu trong cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal và một tờ báo khác của Đức, rằng ERM cần được tái tổ chức lại, và ông cho rằng GBP đang quá mạnh so với DEM.

Sau cuộc phỏng vấn của Schlesinger, chính phủ Anh biết rằng nếu đồng GBP không bị phá giá, nó nhiều khả năng sẽ vẫn duy trì được trên mức thấp nhất trong biên độ 6%. Nhưng một khi tụt mất khỏi biên độ đó, nó sẽ giảm cực kỳ mạnh. Vì thế chính phủ đã chi hàng tỷ USD để mua lại lượng lớn GBP, với hy vọng nâng được giá trị v giữ trong và giữ trong biên độ an toàn. 

Cũng chính vào ngày 15 tháng 9, Soros đã tiến hành bán khống một cách ồ ạt GBP, nâng vị thế mà quỹ Quantum vượt quá 10 tỷ USD, điều này đã khiến cho nhiều quỹ phòng hộ khác cũng bắt chước, bắt đầu bán tháo GBP. Với khối lượng khổng lồ bị bán khống, đồng bảng Anh giảm giá một cách nhanh chóng.

Ngày 16 tháng 9, sau khi thị trường chứng khoán mở cửa, Ngân hàng Anh bắt đầu mua vào đồng bảng Anh với nỗ lực ngăn chặn đà giảm giá mạnh. Nhưng mỗi khi GBP tăng lên một chút, Soros lại tiếp tục bán tháo và khiến nó giảm sâu hơn nữa. Ngân hàng Anh đã can thiệp hai lần trước 8h30 sáng, mỗi lần đều mua vào với số lượng lớn nhưng đều không có tác dụng.

Cuộc đấu tranh tiếp tục kéo dài suốt buổi sáng, đến khi ngân hàng Anh Không thể mua đủ số lượng bảng Anh để kéo đồng bảng lên. Điều này buộc Anh phải tăng lãi suất để thu hút các nhà đầu tư mua vào, từ 10% lên 12% rồi 15% nhưng cũng không ngăn cản được đồng bảng Anh lao dốc. 

Đến khi giá trị của đồng bảng Anh giảm thêm 9.5%, chính phủ Anh sau đó đã bất lực và chính thức tuyên bố rút lui khỏi ERM cuối ngày 16 tháng 9. Kết thúc phi vụ, Soros kiếm được lợi nhuận khoảng hơn 1 tỷ USD, trong khi đó, nước Anh chịu thiệt hại hơn 3,3 tỷ bảng Anh.

Hậu quả của "Thứ Tư đen" gây ra

Nước Anh thiệt hại nặng nề và phải rút khỏi ERM

Sau thời gian diễn ra “cuộc chiến”, cuối cùng ngân hàng Anh đã buộc phải thừa nhận thất bại. Tổng kết lại, Soros đã bán khống hơn 10 tỷ USD đồng bảng Anh, kiếm được lợi nhuận khoảng hơn 1 tỷ USD và đánh sập GBP. Nước Anh đã thiệt hại khoảng 3.3 tỷ GBP và phải rút khỏi ERM. 

Toàn bộ vụ việc này đã tác động lớn đến nền kinh tế, khiến nước Anh rơi vào tình trạng suy thoái và làm tổn hại đến vị thế của ngân hàng trung ương Anh. Trong 5 tuần sau đó, GBP đã mất giá lần lượt khoảng 15% và 25% so với DEM và USD.

Trong sự kiện “thứ Tư đen”, Soros được coi là huyền thoại, nhưng ông không phải là người đóng góp duy nhất. Rất nhiều nhà giao dịch đã đồng loạt bán khống đồng bảng Anh vào ngày hôm đó. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng Soros là người có công lớn nhất, và có thể coi là đầu tàu dẫn dắt thị trường chiến thắng ngân hàng Anh và khiến nó sụp đổ.

dubaotiente.com

Broker listing

Thư mục bài viết