Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee: Lạm phát ngắn hạn tăng nhưng kỳ vọng dài hạn vẫn ổn định, Fed cần thêm thời gian đánh giá tác động của thuế quan
- Kỳ vọng lạm phát ngắn hạn đang tăng, nhưng kỳ vọng dài hạn vẫn được neo giữ, và đây là yếu tố then chốt giúp Fed duy trì sự kiên nhẫn với chính sách tiền tệ.
- Goolsbee cho rằng cần theo dõi thêm để xác định thuế quan có ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất hay không, nhưng lưu ý rằng hàng nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 11% GDP, nên tác động có thể không quá lớn.
- Ông nhấn mạnh rằng cần “chờ thêm” để đánh giá đầy đủ tác động từ căng thẳng thương mại và thuế quan, và khẳng định nếu đây chỉ là tác động ngắn hạn, không kèm trả đũa hay đứt gãy chuỗi cung ứng, thì ông sẽ nghiêng về hướng cắt giảm lãi suất.
- Dẫn chứng thực tế, ông cho biết thuế nhập khẩu thép không thúc đẩy sản xuất trong nước như kỳ vọng mà ngược lại còn dẫn tới tình trạng sa thải.
- Goolsbee vẫn giữ quan điểm rằng lãi suất sẽ thấp hơn trong 12–18 tháng tới, nếu nền kinh tế quay lại đúng quỹ đạo tăng trưởng ổn định.
- Đồng thời, ông khẳng định ý kiến của Chủ tịch Fed Jerome Powell là quan trọng nhất trên bàn chính sách, phản ánh sự thống nhất trong định hướng nội bộ Fed.
Bài phát biểu không đưa ra thông tin chính sách mới, nhưng Citigroup vừa điều chỉnh dự báo cắt giảm lãi suất, cho rằng Fed có thể thực hiện đợt cắt đầu tiên vào tháng 6 thay vì tháng 5, và vẫn kỳ vọng tổng cộng 125 điểm cơ bản cắt giảm trong năm 2025.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục xu hướng tăng trở lại.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm vừa tăng thêm 9 điểm cơ bản, lên mức 4.89%, đánh dấu sự đảo chiều so với tuần trước khi đồng USD chịu áp lực từ nhiều phía, nhưng lợi suất dài hạn vẫn đứng yên.
Hiện nay, trong nội bộ Đảng Cộng hòa, phe ủng hộ giảm thuế dường như đang chiếm ưu thế trước những người muốn siết chặt chi tiêu công. Nếu xu hướng này tiếp tục, thâm hụt ngân sách liên bang có thể lên tới 8–9% GDP, và đó là chưa tính đến khả năng suy thoái kinh tế.
Lợi suất trái phiếu dài hạn – như trái phiếu kỳ hạn 30 năm – đang phản ánh mối lo ngại về tình hình tài chính trong tương lai. Thị trường trái phiếu dường như không còn tin vào sự ổn định tài khóa trong dài hạn. Nếu lợi suất trái phiếu 30 năm vượt mốc 5% trong tuần này, điều đó có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán Mỹ, do lo ngại chi phí vay vốn tăng cao và ngân sách liên bang thiếu bền vững.
Vàng lập đỉnh lịch sử vượt mốc 3,400 USD/oz
Giá vàng vừa lập đỉnh lịch sử mới, tăng thêm 75 USD trong phiên và hiện giao dịch quanh mức 3,400 USD/oz, đánh dấu mức tăng gần 15% kể từ ngày 7/4. Biểu đồ giá theo tháng thể hiện xu hướng tăng dựng đứng, gần như theo hình "parabol", phản ánh sự dịch chuyển mạnh mẽ của dòng vốn sang tài sản an toàn.
Dưới đây là những yếu tố chính đang đẩy giá vàng tăng cao:
- Rủi ro địa chính trị và sự rạn nứt của trật tự kinh tế toàn cầu
- Thị trường muốn tránh rủi ro từ đồng USD
- Các chỉ báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu
- Rủi ro chính trị tại Mỹ đe dọa tính độc lập của Fed
- Sự phát triển của AI và tự động hóa có xu hướng gây áp lực giảm phát trong dài hạn, buộc các ngân hàng trung ương phải chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng hơn – đặc biệt trong trường hợp chiến tranh thương mại làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu.
Đàm phán Mỹ - Nhật vẫn chưa tìm ra tiếng nói chung
Một số bài đăng cuối tuần của Charlie Gasparino tại Fox Business đã khơi dậy sự lạc quan rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản có thể sắp đạt được thỏa thuận thương mại nhưng gần đây, sự lạc quan của ông đã không còn.
Hiện tại, ông viết rằng mặc dù đã có tiến triển hướng tới một thỏa thuận, nhưng thỏa thuận đó 'vẫn chưa chắc chắn'.
USD/CHF giảm mạnh xuống mức đáy năm 2015
Cặp USD/CHF bị bán mạnh vào đầu tuần mới và giảm mạnh xuống mức ngay dưới ngưỡng 0.8000, mức xxasy kể từ tháng 01/2015 trong nửa đầu phiên châu Âu.
Các chính sách thương mại quốc tế của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tiếp tục đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư, hỗ trợ nhu cầu tài sản trú ẩn, trong đó có CHF. Điều này, cùng với đồng USD suy yếu trên diện rộng, tạo áp lực giảm giá lên cặp USD/CHF trong ngày thứ hai liên tiếp vào thứ Hai.
Các thông báo về thuế quan qua lại của Trump đã làm giảm niềm tin vào nền kinh tế lớn nhất thế giới và làm tăng khả năng suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ. Hơn nữa, việc thị trường ngày càng kỳ vọng rằng Fed sẽ sớm tiếp tục chu kỳ cắt giảm lãi suất và cắt giảm tới 100 điểm cơ bản vào năm 2025 đã kéo Chỉ số DXY mức đáy tháng 04/2022.
Đồng USD tiếp tục suy yếu trong phiên Châu Âu
Đồng USD chịu áp lực bán sau khi kết thúc tuần trước một cách lặng lẽ. Những lo ngại ngày càng tăng về suy thoái kinh tế ở Mỹ và những nghi ngờ về tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang đè nặng lên đồng tiền này. Nhiều thị trường quốc tế, bao gồm Pháp, Đức và Vương quốc Anh, sẽ vẫn đóng cửa để kỷ niệm Thứ Hai Phục Sinh, nhưng thị trường chứng khoán và trái phiếu ở Mỹ sẽ hoạt động bình thường. Lịch kinh tế sẽ không có bất kỳ dữ liệu quan trọng nào.
Trong khi phát biểu với các phóng viên vào cuối ngày thứ Sáu, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết Tổng thống Donald Trump và nhóm của ông đang tiếp tục nghiên cứu xem việc sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell có phải là một lựa chọn hay không. Sau khi kết thúc tuần trước với mức giảm nhẹ, Chỉ số DXY mở rộng đà giảm vào đầu ngày thứ Hai và giao dịch ở mức yếu nhất kể từ tháng 04/2022 xuống dưới ngưỡng 98.50.
Sau khi kết thúc tuần trước với mức tăng nhẹ, EUR/USD mở rộng xu hướng tăng vào đầu ngày thứ Hai và giao dịch ở mức mạnh nhất kể từ tháng 11 năm 2021 trên 1.1500. Trích dẫn ba nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, Reuters đưa tin hôm thứ Hai rằng Liên minh Châu Âu (EU) đang cân nhắc các lựa chọn để thay đổi các quy tắc phát thải khí mê-tan, giúp Hoa Kỳ dễ dàng tuân thủ các quy định liên quan tới xuất khẩu khí đốt đến khu vực này
Biến động tỷ giá tăng vọt, doanh nghiệp Mỹ mở rộng "lá chắn" tài chính
Các công ty đa quốc gia của Mỹ đang mở rộng thời hạn của các hợp đồng phòng ngừa rủi ro tỷ giá nhằm bảo vệ dòng tiền khỏi những biến động tỷ giá có thể phát sinh từ chính sách thuế quan của chính quyền Trump.
Việc kéo dài thời hạn phòng ngừa phản ánh mức độ bất ổn ngày càng cao trong bối cảnh thương mại toàn cầu thay đổi nhanh chóng, đặc biệt khi lo ngại về suy thoái và đồng USD suy yếu gia tăng.
Sau khi Tổng thống Donald Trump công bố các mức thuế toàn cầu cao hơn dự kiến vào ngày 2/4, thị trường ngoại hối trở nên cực kỳ biến động, khiến một số hợp đồng bảo hiểm tỷ giá của doanh nghiệp bị thua lỗ — theo các chuyên gia ngân hàng và cố vấn phòng ngừa rủi ro.
Ngay cả những công ty ít bị ảnh hưởng bởi biến động cũng bắt đầu gia hạn thời hạn phòng ngừa của họ.
“Tuần vừa qua, chúng tôi đã thấy nhiều khách hàng đẩy thời hạn phòng ngừa đến mức tối đa có thể, nhằm khóa mức bảo vệ và vượt qua giai đoạn bất ổn ngắn hạn,” - Eric Huttman, CEO của MillTechFX.
Trước đây các công ty thường phòng ngừa rủi ro ngắn hạn, nhưng nay họ đã chuyển sang bảo hiểm rủi ro trong vòng 2 đến 5 năm, theo Garth Appelt từ Mizuho Americas. Nguyên nhân là do đồng USD suy yếu trở thành hậu quả lớn từ làn sóng thuế quan mới.
- Một đồng USD yếu có thể có lợi cho các nhà xuất khẩu Mỹ vì khiến sản phẩm của họ rẻ hơn ở nước ngoài.
- Nhưng nỗi lo về thương mại toàn cầu và suy thoái kinh tế khiến các doanh nghiệp phải chủ động bảo vệ lợi nhuận tương lai.
Dù Mỹ đã tạm hoãn 90 ngày một số mức thuế với các đối tác (trừ Trung Quốc), điều đó không ngăn được đà giảm của đồng USD, cũng như không làm dịu biến động thị trường ngoại hối.
- Đồng euro đã tăng lên mức cao nhất trong ba năm so với USD.
Ngoài ra, một lý do khác khiến các công ty chọn phòng ngừa dài hạn: chi phí bảo hiểm tỷ giá ngắn hạn đã tăng mạnh do biến động cao. “Phòng ngừa rủi ro trong dài hạn vẫn bảo vệ được trước biến động tỷ giá, nhưng không buộc doanh nghiệp phải chốt lời/lỗ do các dao động ngắn hạn,” - Simon Lack, Giám đốc giải pháp đầu tư tại MillTechFX.
Theo dữ liệu từ LSEG:
- Hợp đồng quyền chọn 1 tháng và 3 tháng tăng kỳ vọng biến động lần lượt 72% và 46% kể từ ngày 2/4, dù sau đó có giảm nhẹ.
- Trong khi đó, hợp đồng quyền chọn EUR/USD kỳ hạn 2 năm chỉ tăng 23%.
Trung Quốc siết chặt kiểm soát xuất khẩu, hạn chế cung cấp khoáng sản quan trọng ra thế giới
Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với ba kim loại quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng và sản xuất chip, khiến lượng hàng xuất khẩu giảm xuống mức thấp lịch sử, bất chấp giá cả toàn cầu đang cao. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang thể hiện quyền kiểm soát chuỗi cung ứng khoáng sản mà họ đã xây dựng trong nhiều năm qua.
Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất thế giới về antimony (antimon), germanium (germanium) và gallium (gali) — những kim loại có vai trò tuy nhỏ nhưng thiết yếu trong năng lượng sạch, sản xuất chip và quốc phòng. Kể từ năm 2023, Bắc Kinh đã dần đưa các kim loại này vào danh sách kiểm soát xuất khẩu. Đến tháng 12, Trung Quốc cấm hoàn toàn xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Với bất kỳ mặt hàng nào trong danh sách kiểm soát, các doanh nghiệp xuất khẩu đều phải xin giấy phép — một quy trình thiếu minh bạch, cho phép Trung Quốc duy trì sự thống trị trong khai thác và chế biến khoáng sản quan trọng.
Dữ liệu hải quan mới được công bố vào Chủ nhật vừa qua tiếp tục củng cố xu hướng kể từ khi áp dụng kiểm soát: xuất khẩu giảm mạnh và một số khách hàng, đặc biệt là ở châu Âu, bị loại khỏi chuỗi cung ứng.
Trong quý đầu năm nay, xuất khẩu sản phẩm antimon giảm 57% và germanium giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu gallium trong tháng 3 chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10/2023. Dù lượng xuất khẩu quý cao hơn năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với năm 2022 — năm cuối cùng trước khi các biện pháp hạn chế được áp dụng.
Riêng với antimon, phần lớn lượng hàng xuất khẩu hiện chỉ đến một số ít quốc gia. Sau 5 tháng gián đoạn, một số lô hàng nhỏ được gửi đến Bỉ và Đức vào tháng 3, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình trước đây. Những khách hàng lớn trước kia như Hà Lan vẫn chưa nhận được lô hàng nào kể từ tháng 9.
Xu hướng tương tự ở cả ba kim loại này làm dấy lên câu hỏi: Liệu Trung Quốc sẽ cấp bao nhiêu giấy phép xuất khẩu cho bảy nguyên tố đất hiếm mới được bổ sung vào danh sách hạn chế trong tháng này – và mất bao lâu? Các doanh nghiệp xuất khẩu dự báo có thể phải chờ hàng tháng, và thời gian còn lâu hơn nếu bán cho Mỹ.
Đã không có lô antimon nào được xuất sang Mỹ kể từ tháng 9 năm ngoái, và không có lô germanium hoặc gallium nào được xuất từ năm 2023.
Sự sụt giảm xuất khẩu từ Trung Quốc khiến người mua quốc tế chật vật tìm nguồn thay thế, đẩy giá tăng mạnh – điều này gián tiếp hỗ trợ giá nội địa Trung Quốc.
Hợp đồng quyền chọn FX đáo hạn hôm nay có gì đáng chú ý?
Hôm nay không có bất kỳ hợp đồng quyền chọn lớn nào đáo hạn vì hôm nay vẫn là kì nghỉ lễ Phục Sinh. Do đó, hãy lưu ý rằng thanh khoản vẫn mỏng do các thị trường lớn ở châu Âu vẫn đang đóng cửa. Điều này cũng có thể làm trầm trọng thêm các dòng tiền vào đầu tuần, không chỉ ở các đồng tiền chủ chốt mà còn trên toàn thị trường, bao gồm cả vàng và tài sản rủi ro.
Hiện tại, xu hướng từ những tuần trước vẫn đang tiếp diễn, với việc bán ra đồng USD bắt đầu tăng. Trong khi đó, thị trường chứng khoán giảm điểm, còn vàng tiếp tục tăng mạnh, đạt mức cao kỷ lục mới là 3,385 USD/ounce. Cũng cần lưu ý rằng trái phiếu kho bạc dài hạn đang tiếp tục bị bán tháo, và đây sẽ là một yếu tố gây áp lực nữa lên thị trường nói chung.
Đồng USD bị bán tháo trên diện rộng khi EUR/USD vượt ngưỡng 1.15
Dù thị trường giao dịch với thanh khoản mỏng hôm nay, làn sóng bán tháo đồng USD vẫn diễn ra liên tục không ngừng.
EUR/USD hiện đã tăng 116 pips trong ngày, lên 1.1508, thậm chí có thời điểm chạm mốc 1.1528 – lần đầu tiên cặp tiền vượt ngưỡng 1.15 kể từ tháng 11/2021, khi các lệnh dừng lỗ bị kích hoạt trên vùng giá này.
Tình hình hiện tại dường như đang lặp lại: thị trường không còn đặt niềm tin vào chiến lược kinh tế của Mỹ. USD – từng là trung tâm của hệ thống tài chính toàn cầu suốt 80 năm qua – đang đối mặt với làn sóng nghi ngờ và rạn nứt niềm tin. Dù có thể sẽ có hiệu quả trong dài hạn, nhưng rõ ràng hệ thống cũ đã từng vận hành tốt và đưa thị trường vốn Mỹ trở thành hình mẫu toàn cầu.
Không chỉ riêng EUR, đồng USD đang suy yếu trên diện rộng. Một cặp tiền đáng chú ý khác là USD/CHF, hiện đang phá vỡ vùng tích lũy suốt 8 ngày và thiết lập mức thấp mới trong vòng 10 năm.
Phát ngôn mới của ông Trump về rào cản phi thuế gây lo ngại
Ngay sau khi thị trường ngoại hối mở cửa đầu tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng tải một thông điệp trên mạng xã hội Truth Social, liệt kê danh sách các hình thức "gian lận phi thuế quan" mà ông cho là gây bất lợi cho Mỹ trong thương mại quốc tế:
GIAN LẬP PHI THUẾ QUAN
- Thao túng tiền tệ
- Thuế giá trị gia tăng (VAT) – bị coi như thuế quan và trợ cấp xuất khẩu
- Bán phá giá dưới giá thành
- Trợ cấp xuất khẩu và các hình thức trợ cấp nhà nước khác
- Tiêu chuẩn nông nghiệp bảo hộ
- Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo hộ
- Hàng giả, vi phạm bản quyền và đánh cắp tài sản trí tuệ (ước tính thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD mỗi năm)
- Vận chuyển trung gian để lách thuế quan
Một số điểm trong danh sách này là khiếu nại lâu dài của Mỹ, tuy nhiên đáng chú ý là trong nhiệm kỳ trước, ông Trump chưa từng chính thức trừng phạt quốc gia nào vì thao túng tiền tệ, ngay cả trong trường hợp Thụy Sĩ – nơi việc can thiệp tỷ giá được chính phủ công khai thừa nhận.
Điểm đáng chú ý nhất là VAT, bởi gần như mọi nền kinh tế lớn trên thế giới, ngoại trừ Mỹ, đều áp dụng thuế giá trị gia tăng. Thậm chí ngay trong nước Mỹ, 45/50 bang có áp dụng thuế bán hàng – một hình thức tương tự VAT. Dù ông Trump có nêu rằng chỉ một số trường hợp phức tạp sẽ bị nhắm đến, nhưng phát ngôn này vẫn gây ra nhiều nghi ngại. Về góc độ thị trường, việc tập trung vào các rào cản phi thuế quan là trở ngại lớn cho bất kỳ tiến triển nào trong đàm phán thương mại. Những nội dung này thường phải đàm phán riêng lẻ ở từng quốc gia và cũng là nguồn thu ngân sách quan trọng, nên rất khó bị thay đổi.
Chính lập trường này được cho là một trong những nguyên nhân khiến USD tiếp tục giảm giá trong phiên hôm nay và HĐTL chỉ số S&P 500 giảm 0.6%. Dù không phải là yếu tố duy nhất, nhưng đây là lời nhắc nữa rằng thị trường không tin tưởng vào chiến lược đàm phán hiện tại của ông Trump.