
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm vào thứ Hai, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng các mức thuế sẽ áp dụng với hầu hết các quốc gia, làm dấy lên lo ngại rằng một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu có thể dẫn đến suy thoái kinh tế. Phát biểu của Trump trên chuyên cơ Air Force One đã làm tiêu tan hy vọng rằng các mức thuế chỉ nhắm đến một nhóm nhỏ các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ. Trump sẽ nhận đề xuất về thuế vào thứ Ba và công bố mức áp thuế ban đầu vào thứ Tư, sau đó là các mức thuế đối với ô tô vào ngày tiếp theo. Tại Phố Wall, sau khi giảm đầu phiên, chỉ số S&P 500 và Dow Jones đã đảo chiều tăng điểm, nhờ đà tăng của các nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu, tài chính, nguyên vật liệu và năng lượng. Ngược lại, Nasdaq vẫn giảm điểm. Tuy nhiên, cả ba chỉ số đều ghi nhận mức giảm trong cả quý và tháng. Tại châu Âu, chỉ số STOXX 600 giảm 1.51%, xuống mức thấp nhất gần 8 tuần. Các chỉ số lớn tại Frankfurt, London và Paris cũng giảm từ 1.7% đến 2%. Chỉ số cổ phiếu khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) của MSCI giảm 1.9%. Các chuyên gia tại Goldman Sachs hiện nâng xác suất Mỹ rơi vào suy thoái từ 20% lên 35%, và dự báo Trump sẽ công bố mức thuế trung bình khoảng 15% với tất cả đối tác thương mại của Mỹ vào ngày 2/4. Dữ liệu công bố thứ Sáu tuần trước càng củng cố rủi ro này, với lạm phát lõi tháng 2 tăng cao hơn dự báo, chi tiêu tiêu dùng gây thất vọng. Điều này khiến báo cáo việc làm tháng 3 (sẽ công bố vào thứ Sáu) càng trở nên quan trọng. Nếu số lượng việc làm mới thấp hơn mức dự báo 140.000, lo ngại suy thoái sẽ gia tăng. Kết phiên:
- S&P 500 tăng 30.91 điểm (+0.55%) lên 5,611.85 điểm
- Dow Jones tăng 417.86 điểm (+1%) lên 42,001.76 điểm
- Nasdaq Composite giảm nhẹ 23.70 điểm (-0.14%) còn 17,299.29 điểm
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD sau khi giảm đầu phiên đã hồi phục nhờ tâm lý bất ổn về chính sách thuế với chỉ số DXY tăng 0.17%. USD/JPY tăng giá vào thứ hai, nhưng vẫn ghi nhận quý giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2024, do sự không chắc chắn xoay quanh chính sách thuế quan của Mỹ khiến giới đầu tư đứng ngoài thị trường, chờ tín hiệu rõ ràng từ Tổng thống Donald Trump. Nhà Trắng dự kiến công bố loạt thuế trả đũa mới vào thứ Tư. Trump cho biết hôm Chủ nhật rằng gần như tất cả các quốc gia sẽ bị áp thuế trong tuần này, tuy nhiên, chi tiết cụ thể vẫn chưa được tiết lộ. EUR/USD giảm 0.17% xuống 1.0816, nhưng tăng khoảng 4.5% trong cả quý, mức tăng mạnh nhất kể từ quý III/2022, nhờ Đức triển khai cải cách tài khóa. Bà Christine Lagarde, Chủ tịch ECB, cho biết châu Âu cần nắm quyền kiểm soát tốt hơn với tương lai của mình, nếu Mỹ thực sự áp thuế. Bà nhấn mạnh rằng thuế và các biện pháp trả đũa sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của EU. GBP/USD giảm 0.15% xuống 1.2910, nhưng vẫn tăng gần 3% trong tháng, mức tốt nhất kể từ tháng 11/2023. Chính phủ Anh cho biết dù vẫn sẽ chịu thuế, nhưng Thủ tướng Keir Starmer và Trump đã có cuộc đàm thoại “hiệu quả” về một thỏa thuận thương mại. USD/CAD giảm nhẹ xuống 1.4375. MXN/USD giảm 0.5%, còn 20.4566, USD/AUD giảm 0.7% xuống còn 0.6249.
Vàng tiếp tục lập đỉnh mới, khi nhà đầu tư né tránh các tài sản rủi ro do lo ngại rằng các mức thuế sắp tới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế Mỹ, tăng lên mức cao kỷ lục mới 3,128.06 USD/ounce. Vàng giao ngay tăng 1.31% lên 3,124.34 USD/ounce. Hợp đồng tương lai vàng tại Mỹ tăng 1.2%, chốt phiên ở 3,150.30 USD/ounce. Trên thị trường trái phiếu, nhà đầu tư dường như tin rằng suy thoái sẽ lấn át ảnh hưởng tạm thời của lạm phát, buộc Fed sẽ phải giảm lãi suất khoảng 80 điểm cơ bản trong năm nay. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 3.5 điểm cơ bản, còn 4.221%. Triển vọng lãi suất sẽ rõ hơn khi Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu vào thứ Sáu, cùng với loạt bài phát biểu từ các quan chức Fed khác trong tuần. Giá dầu tăng mạnh do Trump đe dọa sẽ áp thêm thuế với các nước mua dầu của Nga, nếu ông cho rằng Moscow đang cản trở nỗ lực kết thúc chiến tranh Ukraine. Dầu Brent tăng 1.5%, chốt ở 74.74 USD/thùng. Dầu WTI (Mỹ) tăng mạnh 3.1%, lên 71.48 USD/thùng