Châu Á lao đao trước chính sách thuế quan Mỹ: Ngân hàng Trung ương các nước tăng cường hạ lãi suất để cứu lấy nền kinh tế

Mai Khánh Linh
Junior Editor
Châu Á đang gánh chịu phần lớn tác động từ đợt áp thuế mới của Mỹ, điều này được dự báo sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế khu vực thông qua việc làm suy yếu hoạt động đầu tư kinh doanh và niềm tin thị trường – từ đó tạo áp lực buộc các ngân hàng trung ương phải đẩy mạnh cắt giảm lãi suất.

“Tác động lên ASEAN lần này rõ rệt hơn,” bà Selena Ling – Trưởng bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Oversea-Chinese Banking Corp (OCBC) nhận định. “Do khoảng cách thuế quan giữa Trung Quốc và các khu vực như Việt Nam và Thái Lan đã thu hẹp, chiến lược chuyển hướng xuất khẩu qua ASEAN trước đây của Trung Quốc có thể không còn hiệu quả. Do đó, cục diện thương mại có thể sẽ lại thay đổi.”
Đợt áp thuế của chính quyền Trump diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế châu Á vốn đã tăng trưởng chậm, trong khi lạm phát vẫn dai dẳng khiến nhiều ngân hàng trung ương phải cảnh giác cao độ. Dù Australia và New Zealand chỉ bị áp mức thuế nhẹ hơn, khoảng 10%, nhưng với đặc điểm là những nền kinh tế nhỏ, phụ thuộc nhiều vào thương mại toàn cầu, hai quốc gia này cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực.
Thị trường tiền tệ hiện đang định giá khả năng Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) sẽ hạ lãi suất thêm 4 lần nữa trong năm nay – tăng so với dự báo trước đó là 3 lần – đưa lãi suất cơ bản xuống mức 3.1%.
Các quốc gia Châu Á đẩy mạnh cắt giảm lãi suất
Các chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng đối với khu vực châu Á, đồng thời cho rằng chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng hơn ở Ấn Độ, Hàn Quốc và một số nền kinh tế Đông Nam Á như Indonesia và Malaysia.
Bà Ling (OCBC) nhận định rằng khu vực sẽ chịu “tác động nghiêm trọng” về tăng trưởng kinh tế, trong đó Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp theo là Thái Lan. Ngược lại, Indonesia và Ấn Độ có thể sẽ “ít bị tác động hơn”, còn Philippines được dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng nhẹ nhất. Bà cũng điều chỉnh lại dự báo chính sách tiền tệ, bổ sung 50 điểm cơ bản cắt giảm lãi suất cho cả 5 quốc gia này.
Tổng vốn đầu tư đăng ký tích lũy vào Việt Nam từ các quốc gia từ năm 1988
Ngân hàng trung ương New Zealand dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp vào thứ Tư, đưa lãi suất điều hành xuống 3.5%. Các nhà kinh tế tại Westpac cho rằng thuế quan từ Mỹ là một lý do khiến giới chức tại Wellington duy trì xu hướng nới lỏng chính sách.
“Chúng tôi không nghĩ họ sẽ tăng mức cắt giảm lên 50 điểm cơ bản – thay vào đó, cắt giảm 25 điểm cơ bản vẫn là lựa chọn ưu tiên,” Westpac nhận định. “Tình hình toàn cầu sẽ tiếp tục là yếu tố rủi ro lớn, ảnh hưởng đến các quyết định của họ trong phần còn lại của năm.”
Cùng ngày với quyết định của New Zealand, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng dự báo sẽ cắt giảm lãi suất tái chiết khấu. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Philippines có thể sẽ dùng số liệu lạm phát tháng 2 giảm nhẹ để tiếp tục chu kỳ cắt giảm lãi suất vào thứ Năm.
Một quốc gia có thể có thêm không gian để hạ lãi suất là Thái Lan, khi chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng) dự báo sẽ giảm xuống âm trong quý II năm nay, theo dự báo của ING Groep NV.
Ông Chetan Ahya – Kinh tế trưởng khu vực châu Á của Morgan Stanley – cho rằng khu vực này có thể sẽ hạ thêm 50–100 điểm cơ bản so với dự báo hiện tại, mặc dù ông lo ngại về khả năng chính sách tài khóa hỗ trợ cho việc nới lỏng tiền tệ.
“Việc nới lỏng lần này có thể sẽ ít hơn vì nhiều quốc gia châu Á hiện không còn nhiều dư địa tài khóa do nợ công trên GDP đã tăng cao,” ông Ahya cho biết. “Vì vậy, chúng tôi dự báo chính sách tiền tệ sẽ là công cụ chính, thay vì chính sách tài khóa.”
Bloomberg