Thu nhập thực tế tại Nhật Bản bất ngờ tăng vọt, cơ sở tăng lãi suất của BoJ tiếp tục được củng cố

Quế Anh
Junior Editor
Lương thực tế của người lao động Nhật Bản đã tăng tháng thứ hai liên tiếp, tạo điều kiện thuận lợi cho BoJ tiếp tục theo đuổi lộ trình tăng lãi suất.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Lao động Nhật Bản, thu nhập thực tế của người lao động trong tháng 7 đã tăng 0.4% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa dự báo giảm 0.6% của các chuyên gia và tiếp nối đà tăng tiếp theo sau 27 tháng sụt giảm. Thu nhập danh nghĩa ghi nhận mức tăng 3.6%, cũng cao hơn kỳ vọng của thị trường.
Sau khi dữ liệu được công bố, USD/JPY sụt giảm đáng kể, chạm mốc 143.19 và đánh dấu mức giảm 45 pip trong ngày.
Tiền lương cơ bản ghi nhận mức tăng 2.7% - cao nhất trong 31 năm qua. Theo chỉ số đo lường ổn định hơn về xu hướng lương, không tính các khoản thưởng và làm thêm giờ, thu nhập của lao động toàn thời gian tăng kỷ lục 3%.
Thu nhập thực tế của Nhật Bản tăng tháng thứ hai liên tiếp trong trong tháng 7
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda nhận định, dữ liệu này là tín hiệu quan trọng cho thấy chu kỳ kinh tế tích cực đang dần được hình thành như kỳ vọng. BoJ kỳ vọng mức tăng lương sẽ thúc đẩy lạm phát do tác động bởi nhu cầu, tạo điều kiện để tiếp tục lộ trình bình thường hóa chính sách tiền tệ sau hàng thập kỷ duy trì mức lãi suất siêu thấp.
Ông Masato Koike, chuyên gia kinh tế tại Viện Sompo cho rằng ông Ueda vẫn muốn tăng lãi suất, đồng thời nhận định: "Trong tình huống không có biến động thị trường lớn, với sự hỗ trợ đáng kể từ tăng trưởng lương, khả năng tăng lãi suất trước cuối năm đã tăng lên đáng kể."
Hầu hết các nhà kinh tế dự báo BoJ sẽ giữ nguyên chính sách trong cuộc họp ngày 20 tháng 9 tới. Nhiều ý kiến cho rằng một động thái có thể được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau, sau khi BOJ thực hiện đợt tăng lãi suất thứ hai vào ngày 31 tháng 7 vừa rồi.
Ông Ueda từng cho biết BoJ sẽ xem xét các biện pháp thắt chặt bổ sung nếu nền kinh tế và giá cả phát triển phù hợp với các dự báo.
Việc lương thực tế tăng tạo bối cảnh thuận lợi cho cuộc bầu cử lãnh đạo mới của đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) vào ngày 27 tháng 9 tới. Với vị thế thống trị tại Quốc hội, kết quả bầu cử nội bộ LDP gần như sẽ quyết định Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản, sau khi ông Fumio Kishida tuyên bố từ chức. Quyết định này của ông Kishida đến sau thời gian dài tỷ lệ ủng hộ sụt giảm, một phần do người dân bất mãn về việc lương không theo kịp đà tăng giá.
Kết quả tích cực về thu nhập thực tế chủ yếu đến từ các thỏa thuận tăng lương mang tính lịch sử trong các cuộc đàm phán thường niên giữa các tổ chức công đoàn lớn và người sử dụng lao động. Điển hình, Liên đoàn Lao động Rengo đã đạt được mức tăng lương kỷ lục hơn 5% cho đoàn viên - cao nhất trong hơn 3 thập kỷ qua. Theo BOJ, thông thường hơn 80% các khoản tăng lương đã thỏa thuận cho năm tài chính mới sẽ được phản ánh trong số liệu thống kê tháng 7.
Tình trạng thiếu hụt lao động tại Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục gây áp lực lên thu nhập, theo báo cáo Triển vọng Hoạt động Kinh tế và Giá cả mới nhất của BoJ.Ghi nhận trong khảo sát Tankan của BoJ hồi tháng 6, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực dịch vụ đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nhân lực nghiêm trọng nhất trong 32 năm qua.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý vừa qua khá khả quan, cho thấy họ có khả năng tiếp tục thưởng cho người lao động. Theo số liệu của Bloomberg, khoảng 64% công ty thuộc chỉ số Topix đã vượt kỳ vọng về lợi nhuận trong quý gần nhất, trong khi 33% không đạt, ghi nhận tỷ lệ tốt hơn so với kỳ trước.
Mặc dù lạm phát vẫn ở mức cao, vượt mục tiêu 2% của BOJ trong hơn hai năm qua, nhưng đã có dấu hiệu cải thiện tâm lý tiêu dùng. Cụ thể, lần đầu tiên trong năm quý, tiêu dùng đã chuyển sang xu hướng tích cực vào giai đoạn tháng 4 - tháng 6, một phần nhờ các đợt tăng lương gần đây và chính sách hoàn thuế của chính phủ.
Số liệu GDP được điều chỉnh, bao gồm dữ liệu mới nhất, sẽ được công bố vào thứ hai tới.
Bloomberg