Cổ phiếu Trung Quốc phục hồi vào cuối phiên: Dấu hiệu nhà nước can thiệp?

Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
Quỹ tài sản quốc gia của Trung Quốc dường như đã can thiệp để hỗ trợ thị trường chứng khoán trong tuần này khi căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang khiến nhà đầu tư lo ngại.

Các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) Trung Quốc ưa chuộng đã ghi nhận khối lượng giao dịch tăng vọt trong 20 phút cuối phiên trong ba ngày qua. Sự gia tăng giao dịch ở các quỹ như Huatai-Pinebridge CSI 300 ETF và China AMC SSE 50 ETF đã giúp Chỉ số Tổng hợp Sàn Thượng Hải (Shanghai Composite) tăng điểm trong tám phiên liên tiếp – chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 10.
Các nhà giao dịch đang theo dõi sát sao các tổ chức tài chính nhà nước thường được huy động để can thiệp và bình ổn thị trường. Nhóm này được cho là đang hành động dưới sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ PBoC nơi sẵn sàng cung cấp thanh khoản không giới hạn nếu cần thiết. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang và tâm lý nhà đầu tư dao động, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự xuất hiện của lực lượng này đều có thể là tín hiệu cho một chiến dịch ngầm nhằm chống đỡ thị trường khỏi đà giảm sâu.
Tuy nhiên, mức tăng nhìn chung vẫn khiêm tốn, cho thấy hoạt động mua vào cuối phiên chủ yếu nhằm đảm bảo chỉ số Shanghai Composite – chỉ số được theo dõi rộng rãi nhất về mặt kỹ thuật – không kết phiên trong sắc đỏ. Khối lượng giao dịch tại Thượng Hải và Thâm Quyến vẫn sụt giảm bất chấp việc mua vào, trong khi độ rộng thị trường cũng yếu đi. Hơn một nửa số cổ phiếu trên sàn nội địa đã giảm giá trong tuần này, với lực mua tập trung chủ yếu vào các mã vốn hóa lớn.
Diễn biến này theo sau lượng vốn kỷ lục đổ vào các quỹ ETF tại Trung Quốc đại lục trong tuần trước, khi các nhà đầu tư được nhà nước hậu thuẫn đã tung mọi biện pháp để bảo vệ thị trường khỏi đợt áp thuế dồn dập của Donald Trump. Những động thái đó cho thấy chính quyền Trung Quốc kiên định trong việc can thiệp vào thị trường vốn để xoa dịu tâm lý tiêu cực từ chiến tranh thương mại và xoay chuyển kỳ vọng bi quan.
Bloomberg