Fed chống lưng: Nhà đầu tư cổ phiếu khó sợ thất bại!

Huyền Trần
Junior Analyst
Fed vừa thực hiện cú hạ lãi suất lịch sử 50 bps, mang lại sự phấn khích cho nhà đầu tư chứng khoán khi thị trường tăng vọt, đồng thời giảm bớt lo ngại về nguy cơ suy thoái. Động thái này cho thấy Fed đang xác định lại nhiệm vụ của mình, nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường việc làm bên cạnh kiểm soát lạm phát.

Chúng ta đã trải qua một tuần để cảm nhận hậu quả từ một cú "ra đòn" lịch sử của Fed khi bất ngờ hạ lãi suất 50 bps. Một bước đi táo bạo đến mức có thể sẽ ghi dấu trong sử sách tài chính! Nhà đầu tư chứng khoán thì reo hò phấn khích khi cổ phiếu bay lên đỉnh cao mới. Ngược lại, trái phiếu lại hơi sụt giảm, bởi thị trường đang "ngửi thấy" khả năng hạ cánh mềm ngày càng rõ rệt, đẩy lợi suất cao hơn và giá trái phiếu giảm đi.
Tôi tin rằng cả hai phản ứng đều hợp lý trong trung hạn. Cổ phiếu vẫn sẽ tiếp tục leo đỉnh chừng nào kinh tế còn ổn định, trong khi trái phiếu chỉ đợi cơ hội trong cơn bão suy thoái. Sau đây là lý do, dựa trên bối cảnh lịch sử, và một vài điểm chính cần chú ý:
- Fed vừa xóa sổ những kịch bản xấu nhất
- Động thái này chưa từng có tiền lệ
- Điều này hé lộ cách Fed xác định nhiệm vụ của mình cho tương lai
- Nếu cổ phiếu giảm dù có hạ cánh mềm? Đây là tiền lệ lịch sử
- Sụp đổ Kennedy năm 1962 là điều đáng nhớ
- Trong bối cảnh này, chiến lược "mua và giữ" vẫn là một chiến lược tối ưu
- Fed vừa loại bỏ rủi ro lớn nhất của thị trường
Nỗi lo sợ lớn nhất của thị trường chính là "rủi ro đuôi", những sự kiện tưởng chừng không thể xảy ra bỗng nhiên ập đến như cơn ác mộng. Khi mọi người bị sốc, họ ồ ạt bán tháo, khiến thị trường điêu đứng. Trên biểu đồ xác suất, những kịch bản xấu này được gọi là "đuôi trái", thứ mà ai cũng kinh hãi. Và Fed vừa tuyên bố với thị trường: "Chúng tôi đã sẵn sàng bảo vệ. Những điều tồi tệ kia? Hãy bỏ chúng ra khỏi suy nghĩ!"
Điều này cực kỳ quan trọng, bởi vào mùa hè, thị trường từng chao đảo trước nỗi ám ảnh suy thoái. Nếu suy thoái thật sự xảy ra, mọi người sẽ tranh nhau tháo chạy khỏi rủi ro, tạo ra một cơn bão bán tháo không kiểm soát. Nhưng giờ đây, dữ liệu cho thấy nguy cơ suy thoái gần như không tồn tại, và động thái cắt giảm lãi suất mạnh mẽ của Fed đã càng thu hẹp nguy cơ đó. Fed sẵn sàng hạ lãi suất mạnh nếu dữ liệu xấu hơn, với dư địa tới 5% lãi suất để điều chỉnh!
Động thái này chưa từng xảy ra
Thoạt nhìn, đây có vẻ như một bước phòng ngừa bình thường của Fed. Nhưng sự thật là: điều này chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử! Kể từ khi Fed bắt đầu nhắm vào lãi suất quỹ liên bang vào những năm 1980, họ chưa bao giờ cắt giảm hơn 25 bps mà không có suy thoái. Thế mà lần này, họ đã hạ mạnh tay ngay cả khi thị trường chứng khoán đang gần kỷ lục.
Trong lịch sử, Fed chỉ thực hiện những đợt cắt giảm mạnh khi kinh tế đang tụt dốc hoặc đối mặt với khủng hoảng tài chính. Điều này đúng vào năm 1991 khi kinh tế chìm sâu vào suy thoái và tương tự vào năm 2001, trong vụ bong bóng dotcom. Fed cũng phải hành động khi khủng hoảng nợ dưới chuẩn nổ ra và gần đây nhất là vào năm 2020, khi thế giới ngừng hoạt động vì đại dịch.
Nhưng lần này, dữ liệu cho thấy kinh tế Mỹ vẫn ổn định, không có dấu hiệu suy thoái và thị trường chứng khoán lại đang trên đỉnh cao mới! Một đợt cắt giảm lãi suất lớn mà không có dấu hiệu khủng hoảng? Điều chưa từng có!
Fed nghiêm túc về nhiệm vụ kép
Động thái này cho thấy Fed đang xác định nhiệm vụ của mình. Trước đây, nhiệm vụ của họ chủ yếu tập trung vào kiểm soát lạm phát. Nhưng lần này, với động thái mạnh mẽ, Fed đang nhấn mạnh rằng họ cũng coi trọng thị trường việc làm ngang bằng với lạm phát. Đây là một sự chuyển hướng lớn so với chính sách trước đây. Lần đầu tiên, Fed cắt giảm mạnh mà không có suy thoái hay khủng hoảng trước mắt!
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Tất cả phụ thuộc vào việc liệu Fed có kịp thời cứu giúp nền kinh tế hay không. Chính sách luôn có độ trễ trong hiệu ứng. Nhưng nếu chúng ta tránh được suy thoái, dựa trên lịch sử, việc Fed hạ cánh mềm sẽ rất tốt cho cổ phiếu. Thị trường chứng khoán luôn phản ứng tích cực trong các giai đoạn không có suy thoái. Những gì xảy ra tiếp theo sẽ là điểm mấu chốt cho tương lai kinh tế.
Nếu nhìn lại toàn bộ giai đoạn sau Thế chiến II, giữ cho nền kinh tế "hạ cánh mềm" luôn đem lại lợi ích cho thị trường chứng khoán. Tôi đã kiểm chứng điều này bằng cách phân tích liệu có giai đoạn nào mà cổ phiếu "tụt dài" trong thời kỳ kinh tế mở rộng hay không. Dùng chỉ số S&P 500 để làm tiêu chuẩn, tôi đặt ra một mốc giảm 15%, nằm giữa đợt điều chỉnh 10% và mức giảm 20% của thị trường khi suy thoái, để làm tiêu chí “tụt dài hạn".
Trong thời kỳ hậu chiến, có khoảng 10 lần xảy ra sự sụt giảm nghiêm trọng này. Sáu trong số đó liên quan đến suy thoái, và một lần là hậu quả của vụ sụp đổ năm 1987. Ba lần còn lại, năm 2022 không thể xem xét như một ví dụ tốt vì chúng ta đang chứng kiến cắt giảm lãi suất thay vì tăng lãi suất như nguyên nhân khiến cổ phiếu giảm lúc đó. Còn lại hai năm là 1947 và 1962.
Năm 1947 chứng kiến GDP giảm hai quý liên tiếp, đạt ngưỡng của một cuộc suy thoái không chính thức. Dù tỷ lệ thất nghiệp giảm do nền kinh tế bị tác động bởi việc phi quân sự hóa sau chiến tranh và không được NBER công nhận là suy thoái. Tuy nhiên, trường hợp này cũng rất sát với định nghĩa suy thoái, vậy có thể loại bỏ khỏi danh sách.
Câu chuyện thú vị hơn xảy ra vào năm 1962, một ngoại lệ chứng minh quy tắc. Đợt "trượt giá Kennedy" năm 1962, với một cú sụt giảm nhanh vào tháng 5, đến nay vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm và GDP tăng hơn 4%, cổ phiếu vẫn giảm tới 17% vào cuối tháng 10 năm đó. Nhưng chỉ một năm sau, vào tháng 10/1963, thị trường đã tăng vọt 30%.
Chưa phải lúc bi quan
Chiến lược mua và giữ vẫn là "chìa khóa vàng". Thời kỳ duy nhất bạn có thể chứng kiến khoản sụt giảm lớn trong giai đoạn kinh tế mở rộng là năm 1962. Và ngay cả khi đó, chỉ cần bạn kiên nhẫn chờ đợi, mọi thứ đã phục hồi trong vòng một năm. Việc giảm rủi ro chỉ để đề phòng suy thoái là một chiến lược không hiệu quả.
Hơn nữa, ngay cả trong đợt tăng lãi suất của năm 2022, khi không có suy thoái thực sự xảy ra, cổ phiếu có giảm nhưng rồi nhanh chóng đạt lại mức cao kỷ lục khi nỗi lo suy thoái không trở thành hiện thực. Tăng lãi suất không đủ sức phá vỡ động lực tăng trưởng của cổ phiếu, đó là lợi nhuận doanh nghiệp. Chỉ cần nền kinh tế vẫn đang phát triển, chúng ta có thể kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục đi lên. Và thời điểm hiện tại cũng không ngoại lệ.
Câu chuyện về trái phiếu
Mặc dù trọng tâm của tôi là cổ phiếu, nhưng hiện tại trái phiếu đang phải đối mặt với một đợt định giá lại, có khả năng kéo xuống. Tuy nhiên, mức sụt giảm sẽ không quá lớn, vì Fed đã khẳng định sẽ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ nếu nền kinh tế suy yếu hoặc lạm phát hạ nhiệt. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm, hiện ở mức 3.5%, có thể tăng lên 4%, nhưng đó là giới hạn tối đa mà tôi kỳ vọng. Trái phiếu kỳ hạn 10 năm nhạy cảm hơn, nhưng với lợi suất hiện tại khoảng 3.75%, các khoản sụt giảm cũng sẽ nằm trong tầm kiểm soát. Vấn đề chính là khóa lợi suất ở mức dài hạn trước khi Fed cắt giảm lãi suất.
Những tài sản khác
Về trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán lợi suất cao hoặc thậm chí Bitcoin, Fed đã khẳng định sẽ hỗ trợ thị trường, vì vậy tôi không thấy các loại tài sản này giảm mạnh. Ngược lại, khả năng cao là mọi người sẽ chấp nhận rủi ro quá mức, đẩy giá các tài sản này lên một cách giả tạo cho đến khi có dấu hiệu suy thoái xuất hiện trở lại.
Mua và giữ – Chiến lược không bao giờ lỗi thời
Bài học lớn nhất ở đây là: Chiến lược mua và giữ luôn hoạt động hiệu quả. Trong suốt các giai đoạn mở rộng kinh tế, cổ phiếu không bao giờ giảm và giữ mức thấp hơn một năm. Chúng ta đã chứng kiến điều đó vào năm 1962, năm 1987, và một lần nữa vào năm 2022. Vấn đề thực sự là làm gì trong thời kỳ suy thoái. Quan điểm phổ biến là tiếp tục giữ, và nếu nhìn lại tháng 3/2020, điều này là đúng. Phản ứng chính sách quá nhanh đã khiến cuộc suy thoái chỉ kéo dài vài tháng. Cách tiếp cận mới của Fed có thể làm mô hình cho tương lai.
Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn rằng liệu có thể chỉ "mua và giữ" mà không quan tâm đến tình hình kinh tế hay cấu trúc danh mục đầu tư. Chiến lược đầu tư vào các quỹ chỉ số chi phí thấp và giữ trong những đợt biến động nhỏ đã hoạt động hiệu quả trong 15 năm qua, nhờ sự hỗ trợ từ Fed. Nhưng lịch sử cho thấy thị trường có thể sụp đổ và phải mất nhiều năm mới hồi phục. Vì vậy, vẫn cần chú ý đến việc định giá quá cao khi xuất hiện và lưu ý các dấu hiệu của suy thoái. Đến một lúc nào đó, việc giảm rủi ro sẽ là bước đi đúng đắn, nhưng chưa phải bây giờ.
Những điều đáng lưu tâm
• Lãi suất giảm đang kích hoạt làn sóng tái cấp vốn vay thế chấp.
• Chúng ta vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề bất động sản thương mại, một số đang được chuyển đổi thành căn hộ cho thuê.
• Tăng trưởng toàn cầu đang được thúc đẩy nhờ đợt cắt giảm lãi suất lớn nhất trong lịch sử của Trung Quốc.
Bloomberg