Fort Knox: Bí ẩn vàng và những thuyết âm mưu bất tận

Huyền Trần
Junior Analyst
Từ cáo buộc của Peter Beter thập niên 1970 đến hoài nghi của Trump và Musk hiện nay, kho vàng Fort Knox tiếp tục là tâm điểm của những thuyết âm mưu trong bối cảnh lo ngại về tiền tệ ngày càng gia tăng.

Fort Knox, nơi lưu trữ phần lớn vàng dự trữ của Mỹ, hiếm khi mở cửa cho công chúng. Nhưng điều đó có thể sớm thay đổi khi cựu Tổng thống Donald Trump và Elon Musk nghi ngờ rằng số vàng này đã bị đánh cắp và muốn tận mắt kiểm chứng.
Thoạt nghe, yêu cầu này có vẻ kỳ lạ, nhưng lịch sử từng chứng kiến những lo ngại tương tự. Lần gần nhất Mỹ đặt vấn đề kiểm toán kho vàng cũng trùng với thời điểm quan trọng của hệ thống tiền tệ, khi niềm tin vào USD lung lay mạnh mẽ.
Để hiểu rõ hơn, cần nhìn lại vai trò của vàng trong hệ thống tài chính Mỹ. Trước đây, đồng USD được bảo chứng bằng vàng. Từ năm 1834 đến 1933, 1 ounce vàng có giá 20.67 USD. Sau cuộc Đại suy thoái, Tổng thống Franklin D. Roosevelt chấm dứt bản vị vàng, buộc người dân đổi vàng lấy USD theo tỷ giá 35 USD/ounce.
Vàng thu về được chuyển vào các kho lưu trữ như Fort Knox, nơi được xây dựng năm 1936. Sau Thế chiến II, hệ thống Bretton Woods tiếp tục lấy vàng làm cơ sở: USD được cố định ở mức 35 USD/ounce, còn các đồng tiền khác gắn giá trị vào USD.
Tuy nhiên, khi Mỹ in quá nhiều USD so với lượng vàng dự trữ, hệ thống này bắt đầu mất cân bằng. Đến năm 1971, Tổng thống Richard Nixon quyết định chấm dứt hoàn toàn bản vị vàng, khiến giá trị USD chỉ còn phụ thuộc vào niềm tin của thị trường.
Điều này kéo theo lạm phát trong suốt thập niên 1970 và làm dấy lên lo ngại về sự bất ổn của hệ thống tiền tệ. Đây cũng là lúc Peter Beter, một luật sư và nhà thuyết âm mưu, xuất hiện. Năm 1973, ông xuất bản cuốn The Conspiracy Against the Dollar, khẳng định việc Mỹ bỏ bản vị vàng là âm mưu của gia tộc Rockefeller, đứng đầu là David Rockefeller, CEO của Chase Manhattan lúc bấy giờ.
Beter tuyên bố rằng Rockefeller và đồng minh đã cố tình thao túng nền kinh tế để trục lợi. Khi Quốc hội Mỹ xem xét việc dỡ bỏ lệnh cấm người dân sở hữu vàng, ông đưa ra cáo buộc chấn động: Gia tộc này đã sử dụng xe tải quân đội để bí mật chuyển vàng từ Fort Knox sang Mexico, rồi đưa tiếp đến Thụy Sĩ. Khi lệnh cấm bị gỡ bỏ, họ sẽ bán số vàng đó với giá cao hơn để thu lợi khổng lồ.
Những tuyên bố của Beter nhanh chóng gây xôn xao dư luận. Một số nghị sĩ cánh hữu, bao gồm Philip Crane từ Illinois, đã yêu cầu Bộ trưởng Tài chính William Simon làm rõ vấn đề. Để trấn an công chúng, Simon cho phép một nhóm nghị sĩ trực tiếp kiểm tra kho vàng tại Fort Knox.
Ngày 23/9/1974, Giám đốc Xưởng đúc tiền Mỹ dẫn 10 thành viên Quốc hội vào kho, nơi chứa 36,236 thỏi vàng. Theo The New York Times, các nghị sĩ kinh ngạc trước cảnh tượng này, thậm chí còn được thử cân một thỏi vàng. Khi rời đi, nghị sĩ John Rousselot khẳng định: “Tôi nghĩ vàng vẫn còn đó.”
Dù vậy, Quốc hội vẫn yêu cầu Văn phòng Kiểm toán Chính phủ xác minh lại toàn bộ số vàng để đảm bảo không có gian lận. Tuy nhiên, Beter không từ bỏ. Ông tiếp tục tuyên bố rằng Rockefeller đã tráo vàng thật bằng những thỏi chì sơn vàng nhằm đánh lừa mọi người. Cuối cùng, không có bằng chứng nào được tìm thấy và những tin đồn về vàng bị đánh cắp dần lắng xuống.
Nhưng Beter không dừng lại ở đó. Trong loạt băng cassette Dr. Beter’s Audio Letter, ông đưa ra những thuyết âm mưu kỳ quặc hơn, bao gồm cả việc nhiều chính trị gia bị ám sát và thay thế bằng “người máy sinh học” do Liên Xô điều khiển.
Nghe có vẻ viển vông, nhưng bối cảnh hiện tại không khác thập niên 1970 là bao. Các thuyết âm mưu ngày càng phổ biến trong chính trị Mỹ, trong khi lo ngại về lạm phát, nợ công và sự trỗi dậy của crypto khiến nhiều người đặt câu hỏi về giá trị của đồng USD. Giá vàng cũng đang ở mức cao kỷ lục.
Với một cựu tổng thống có xu hướng lan truyền những cáo buộc thiếu căn cứ, những lo ngại về kho vàng Fort Knox có thể sẽ trở lại. Liệu điều này có dẫn đến một cuộc kiểm tra kho vàng nữa hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. Nhưng có một điều chắc chắn: Chừng nào bất ổn tiền tệ còn tồn tại, nỗi ám ảnh về kho vàng quốc gia vẫn chưa thể chấm dứt.
Bloomberg