Giá vàng phục hồi sau cú giảm mạnh: Liệu có là điềm báo cho đỉnh mới?

Huyền Trần
Junior Analyst
Vàng phục hồi sau cú giảm mạnh nhưng đối mặt với rủi ro điều chỉnh khi vùng 2,900 USD trở thành kháng cự. Liệu đà tăng có đủ mạnh để chạm mốc 3,000 USD?

Vàng phục hồi trong nửa đầu phiên giao dịch thứ Hai sau khi giảm mạnh vào thứ Sáu, dù không có yếu tố cụ thể nào thúc đẩy đà tăng, nhất là khi thị trường Mỹ đóng cửa và lịch kinh tế khá trầm lắng. Hiện giá vàng đã vượt lại mốc quan trọng 2,900 USD và diễn biến tại vùng này có thể quyết định xu hướng trong những ngày tới. Phiên giảm sâu vào thứ Sáu là dấu hiệu đáng lưu ý, nhưng việc giá không tiếp tục lao dốc cho thấy lực mua khi giá giảm vẫn áp đảo. Câu hỏi đặt ra là vàng sẽ điều chỉnh tiếp từ vùng quá mua hay còn dư địa để tiến tới mốc 3,000 USD trước khi có nhịp điều chỉnh thực sự.
Thứ Sáu là tín hiệu đảo chiều hay chỉ là nhịp điều chỉnh?
Phiên thứ Sáu chứng kiến vàng lao dốc sau khi không thể vượt qua mức cao kỷ lục 2,942 USD được thiết lập trong tuần. Giá đạt đỉnh 2,940 USD trước khi giảm mạnh 63 USD xuống đáy phiên 2,877 USD, đồng thời xuyên thủng vùng hỗ trợ quan trọng 2,900 - 2,905 USD. Hiện vùng này đang được kiểm định lại từ phía dưới, có thể đóng vai trò kháng cự. Nếu vàng không thể đóng cửa trở lại trên vùng này, phe bán có thể chiếm ưu thế trong ngắn hạn.
Biểu đồ biến động giá vàng theo ngày
Dù vậy, xu hướng chính vẫn là tăng khi vàng liên tục lập đỉnh mới. Tuy nhiên, dấu hiệu suy yếu đã bắt đầu xuất hiện. Câu hỏi đặt ra là phe bán có thể tạo thêm áp lực để đẩy giá xuống sâu hơn hay không.
Các chỉ báo kỹ thuật cảnh báo rủi ro điều chỉnh
Vàng đã chạm vùng quá mua theo chỉ báo RSI trên nhiều khung thời gian. Trước phiên giảm thứ Sáu, RSI khung ngày đạt mức 78, sau đó giảm xuống dưới 70. Trong khi đó, RSI khung tuần vẫn quanh mức 75 và đang phân kỳ âm với giá vàng (RSI tạo đỉnh thấp hơn trong khi giá tiếp tục lập đỉnh cao hơn), cho thấy đà tăng có dấu hiệu suy yếu.
Ngoài ra, RSI khung tháng hiện ở mức 80, càng làm gia tăng rủi ro điều chỉnh của vàng trong thời gian tới.
Các tín hiệu từ RSI cho thấy vàng có thể sắp bước vào giai đoạn điều chỉnh hoặc đi ngang, đặc biệt sau mô hình đảo chiều giảm xuất hiện hôm thứ Sáu. Dù vậy, việc chưa có áp lực bán rõ rệt khiến phe bán vẫn thận trọng, trong khi lực mua bắt đáy vẫn chiếm ưu thế.
Tuy nhiên, điều kiện quá mua trên RSI dài hạn cùng diễn biến giá đáng lo ngại vào cuối tuần trước là lời nhắc nhở rằng phe mua không thể chủ quan. Trong giao dịch, không gì là chắc chắn tuyệt đối.
Nguyên nhân khiến vàng biến động mạnh?
Tâm điểm vẫn là diễn biến của đồng USD. Dù dữ liệu lạm phát tuần trước cao hơn dự báo, đồng bạc xanh lại suy yếu sau khi Trump thể hiện lập trường mềm mỏng hơn về thuế quan. Đồng thời, EUR/USD cũng được hỗ trợ nhờ tín hiệu ông sẵn sàng tìm cách chấm dứt xung đột Ukraine.
Trước đó, vàng đã liên tục tăng mạnh bất chấp sức mạnh của USD, phá vỡ mối tương quan nghịch truyền thống. Chính sự tách rời này có thể đã dẫn đến cú lao dốc mạnh vào thứ Sáu khi thị trường điều chỉnh lại kỳ vọng.
Vàng đã đến lúc điều chỉnh?
Một đợt điều chỉnh có thể là cần thiết để hạ nhiệt tâm lý đầu cơ quá mức. Đặc biệt, nếu Trump thực sự có động thái chấm dứt xung đột tại Gaza và Ukraine như tuyên bố, nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng có thể giảm đáng kể.
Tuy nhiên, lập trường bảo hộ thương mại cùng kế hoạch chi tiêu quy mô lớn của ông có thể khiến lạm phát Mỹ duy trì ở mức cao, làm trì hoãn kỳ vọng cắt giảm lãi suất. Điều này có thể đẩy lợi suất trái phiếu lên, tạo áp lực lên giá vàng trong thời gian tới.
Investing