Nhật Bản phủ nhận thao túng tiền tệ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Nhật leo thang

Trà Giang
Junior Editor
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Nhật đang ngày càng nóng lên với những cuộc đàm phán song phương vừa chính thức khởi động, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato ngày 18/4 đã lên tiếng bác bỏ hoàn toàn cáo buộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Tokyo cố tình làm suy yếu đồng yên nhằm hỗ trợ xuất khẩu.

Ông Kato khẳng định Nhật Bản không can thiệp vào thị trường ngoại hối để phá giá đồng nội tệ và dẫn chứng bằng việc can thiệp gần nhất của chính phủ là... mua vào đồng yên – hành động hoàn toàn ngược lại với cáo buộc từ phía Mỹ.
Phát ngôn cứng rắn này được đưa ra trong phiên điều trần tại Quốc hội Nhật Bản, chỉ vài ngày trước khi ông Kato lên đường sang Washington để tham dự loạt sự kiện tài chính quốc tế quan trọng – bao gồm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 và các cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự kiến diễn ra từ ngày 22 đến 26/4. Dù ông Kato từ chối xác nhận thời điểm cụ thể, giới phân tích kỳ vọng ông sẽ có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent bên lề các sự kiện này – nơi vấn đề tỷ giá sẽ trở thành chủ đề nóng bên cạnh các cuộc đàm phán thuế quan.
Trước đó, ông Trump trong một phát biểu vào tháng 3 đã công khai chỉ trích Nhật Bản và Trung Quốc vì theo đuổi chính sách làm phá giá đồng tiền, coi đó là hành vi “không công bằng” đối với nền kinh tế Mỹ. Bình luận này không chỉ khơi lại một trong những điểm căng thẳng then chốt trong quan hệ kinh tế Mỹ - Nhật, mà còn tạo áp lực chính trị mới lên Tokyo, đặc biệt trong bối cảnh đồng USD/JPY đang ngày càng tăng và Nhật Bản vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng.
Về phía Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent gần đây cũng bày tỏ mong muốn đối thoại với Nhật Bản không chỉ về thuế quan và hàng rào phi thuế quan, mà còn cả vấn đề tỷ giá – cho thấy Washington muốn tích hợp các yếu tố tiền tệ vào khuôn khổ đàm phán thương mại tổng thể. Tuy nhiên, Tokyo lại có quan điểm ngược lại. Trưởng đoàn đàm phán thương mại Nhật Bản Ryosei Akazawa tuyên bố rằng vấn đề tỷ giá hoàn toàn không được đề cập trong cuộc đàm phán thương mại song phương diễn ra ngày 17/4, với lý do đây là vấn đề thuộc phạm vi thỏa thuận song phương trước đó giữa hai nguyên thủ – rằng chỉ các bộ trưởng tài chính mới xử lý chuyện này.
Chính phát ngôn này đã khiến giới đầu tư quốc tế chuyển sự chú ý sang cuộc gặp tiềm năng giữa ông Kato và ông Bessent, vốn sẽ là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo tài chính kể từ khi chính quyền mới của Mỹ bắt đầu đưa vấn đề tiền tệ trở lại trung tâm bàn đàm phán. Giới quan sát cho rằng, nếu Mỹ gây sức ép, Nhật Bản sẽ buộc phải bảo vệ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) theo đuổi trong suốt thập kỷ qua – chính sách vốn bị nghi ngờ là yếu tố góp phần giữ đồng yên ở mức thấp, tạo lợi thế cho xuất khẩu Nhật.
BoJ hiện vẫn duy trì mức lãi suất cơ bản 0.5%, trong khi các ngân hàng trung ương lớn khác đã tăng lãi suất mạnh mẽ trong chu kỳ thắt chặt gần đây. Một số nhà kinh tế dự đoán rằng, Mỹ có thể yêu cầu BoJ tham gia một nỗ lực phối hợp quốc tế nhằm làm suy yếu đồng USD – điều từng xảy ra trong thỏa thuận Plaza năm 1985.
Tuy nhiên, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda, phát biểu cùng ngày với ông Kato tại Quốc hội, đã khẳng định lập trường độc lập của ngân hàng trung ương: “Chúng tôi sẽ điều hành chính sách tiền tệ một cách phù hợp nhằm đạt mục tiêu lạm phát 2% một cách ổn định và bền vững.” Ông từ chối bình luận về tỷ giá hiện tại của đồng yên và cũng không xác nhận liệu BoJ có tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách sắp tới vào ngày 30/4 – 1/5 hay không. Dù vậy, phần lớn các dự báo cho rằng BoJ sẽ giữ nguyên lãi suất và có thể điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang bị ảnh hưởng mạnh bởi các quyết định thuế quan và căng thẳng địa chính trị ngày một leo thang.
Cuộc gặp tiềm năng giữa ông Kato và ông Bessent vì vậy sẽ mang tính quyết định không chỉ với triển vọng đàm phán thương mại Mỹ – Nhật, mà còn với chính sách tiền tệ và định hướng tỷ giá của Nhật Bản trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay. Với việc Mỹ đang kết hợp các yếu tố thuế quan, tỷ giá và đầu tư vào một chiến lược đàm phán tổng lực, Tokyo cần tính toán kỹ lưỡng để không đánh đổi chủ quyền chính sách tiền tệ trong cuộc chơi địa kinh tế ngày càng khốc liệt.
Reuters