Hoa Kỳ thỏa thuận với Ấn Độ về thương mại điện tử, nông sản và lưu trữ dữ liệu

Diệu Linh
Junior Editor
Một thỏa thuận thương mại Mỹ-Ấn Độ đang được thảo luận sẽ bao gồm 19 hạng mục, bao gồm khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn đối với hàng hóa nông sản, thương mại điện tử, lưu trữ dữ liệu và các khoáng sản quan trọng, đây là bước đầu tiên hướng đến việc giảm thuế nhập khẩu cho quốc gia Nam Á này.

Các điều khoản tham chiếu cho một thỏa thuận song phương, được hai bên hoàn tất trong tuần này, bao gồm thương mại hàng hóa cũng như dịch vụ, theo những nguồn tin giấu tên cho biết. Các “chương” khác được đề cập trong thỏa thuận thương mại là tham nhũng và quy tắc xuất xứ, họ cho biết.
Thỏa thuận ban đầu được công bố sau cuộc gặp giữa Phó Tổng thống Mỹ JD Vance với Thủ tướng Narendra Modi ở New Delhi vào ngày 21 tháng 4 vạch ra một khung pháp lý cho các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại mà Ấn Độ hy vọng sẽ giúp nước này được miễn trừ khỏi các loại thuế nhập khẩu cao hơn của Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã áp thuế đối ứng 26% đối với Ấn Độ, hiện đang tạm dừng cho đến tháng Bảy.
Ấn Độ là một trong những quốc gia đầu tiên bắt đầu đàm phán thương mại với Mỹ sau chuyến thăm Nhà Trắng của ông Modi vào tháng Hai, với việc các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ kết quả của các cuộc đàm phán để tìm dấu hiệu về những nhượng bộ mà chính quyền Trump sẽ tìm kiếm trong một thỏa thuận thương mại. Mỹ và Ấn Độ chưa tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về các điều khoản thỏa thuận đã đạt được cho đến nay hoặc khung thời gian chi tiết cho một thỏa thuận cuối cùng. Không rõ liệu Ấn Độ có tìm kiếm sự miễn trừ khỏi thuế quan trong khi các cuộc đàm phán đang diễn ra hay không.
Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã không trả lời ngay lập tức một email yêu cầu thông tin.
Ông Modi và ông Trump đã đồng ý vào tháng Hai là sẽ hoàn thành giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận vào mùa thu năm nay, nhưng không nói rõ những kết quả nào được mong đợi trong giai đoạn đầu.
Các nhà đàm phán từ Ấn Độ và Mỹ giờ đây sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán trong 19 lĩnh vực đã được xác định, mặc dù các cuộc thảo luận có khả năng sẽ khó khăn.
Mỹ đã tìm kiếm khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn cho hàng hóa nông sản của mình, thúc đẩy Ấn Độ giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác — những động thái bị nông dân Ấn Độ phản đối, mà họ lại là một khối cử tri lớn. Ấn Độ cũng đã là một trong những nhà sản xuất thực phẩm quan trọng nhất thế giới và có những hạn chế đáng kể đối với đậu nành và ngô biến đổi gen, vốn phổ biến trong sản xuất của Mỹ.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, các doanh nghiệp Mỹ như Amazon.com Inc. và Flipkart do Walmart Inc. kiểm soát từ lâu đã thúc đẩy khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn và một sân chơi bình đẳng với các công ty trong nước như Reliance Industries Ltd. Thị trường bán lẻ của Ấn Độ bị chi phối bởi hàng chục triệu cửa hàng nhỏ lẻ và trong nhiều năm, giới chính trị Ấn Độ đã cố gắng bảo vệ họ khỏi sức mạnh tài chính của các nhà bán lẻ trực tuyến lớn của Mỹ.
Lưu trữ dữ liệu cũng có thể gây tranh cãi. Các công ty như Google của Alphabet Inc., Amazon và Meta Platforms Inc. từ lâu đã có những lo ngại về các quy tắc của Ấn Độ quy định việc lưu trữ thông tin trên các máy chủ cục bộ và các quy tắc quản lý các dịch vụ dựa trên Internet.
Hai quốc gia sẽ đề cập đến chính sách bản địa hóa dữ liệu của Ấn Độ như một phần của các cuộc đàm phán, những nguồn tin thân cận cho biết.
Các khoáng sản quan trọng, một lĩnh vực đã bị vũ khí hóa trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, các thông lệ quản lý tốt và các rào cản kỹ thuật đối với thương mại cũng sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán thương mại, những người này cho biết.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết trong tuần này rằng hai nước này "sắp có" một thỏa thuận, đưa Ấn Độ lên cùng hàng ngũ với Nhật Bản và Hàn Quốc là các nước đầu tiền đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ. Ấn Độ và Mỹ đã cam kết tăng cường thương mại song phương lên 500 tỷ USD vào năm 2030 từ mức 127.6 tỷ USD của năm ngoái.
Bloomberg