Powell phản công Trump, bảo vệ độc lập của Fed giữa 'cơn bão' chính trị và kinh tế

Huyền Trần
Junior Analyst
Chủ tịch Fed Jerome Powell công khai chỉ trích các chính sách thuế quan và sáng kiến chi tiêu của Trump, đồng thời khẳng định tính độc lập pháp lý của Fed trước nguy cơ bị can thiệp chính trị. Ông cảnh báo rằng các chính sách hỗn loạn đang cản trở khả năng ổn định lạm phát và việc làm — hai mục tiêu cốt lõi của ngân hàng trung ương.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã chính thức lên tiếng phản bác Tổng thống Donald Trump sau nhiều tháng giữ thái độ dè dặt. Trong phiên hỏi đáp tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago hôm thứ Tư, Powell chỉ trích các chính sách thuế quan hỗn loạn là mối đe dọa rõ ràng đối với nền kinh tế, công khai phê phán Bộ Hiệu quả Chính phủ — một sáng kiến mang dấu ấn của Trump — và đưa ra lập luận pháp lý về quyền miễn trừ trước mọi nỗ lực cách chức ông. Trong bối cảnh ngày càng gia tăng lo ngại về tính độc lập của Fed, Powell đã thể hiện rõ cam kết giữ vững các mục tiêu cốt lõi của ngân hàng trung ương và sẵn sàng bảo vệ sự độc lập ấy đến cùng.
Powell khẳng định mạnh mẽ rằng tính độc lập của Fed được pháp luật bảo vệ: “Tính độc lập của chúng tôi là một vấn đề thuộc về pháp lý,” ông nói, đáp trả trực diện một tổng thống thường xuyên gây áp lực lên Fed thông qua mạng xã hội và can thiệp vào các cơ quan độc lập khác. Phát biểu của ông được đưa ra trong bối cảnh Tối cao Pháp viện gần đây đã cho phép Trump sa thải lãnh đạo của một số cơ quan chính phủ — mở ra khả năng xảy ra một cuộc đối đầu nghiêm trọng hơn về việc liệu ông có thể sa thải hoặc giáng chức Chủ tịch Fed hay không. Tuy nhiên, Powell khẳng định trường hợp này không áp dụng với Fed và ông sẽ không bao giờ khuất phục trước bất kỳ áp lực chính trị nào: “Chúng tôi sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ áp lực nào từ chính trị hay các yếu tố bên ngoài khác.”
Dù không trực tiếp nêu tên Trump, Powell đã thể hiện sự thẳng thắn hiếm thấy trong cuộc trò chuyện với cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ Raghuram Rajan. Đây là sự thay đổi đáng chú ý từ một chủ tịch Fed vốn thường tránh xa các tranh cãi chính trị, ngay cả khi ông từng bị Trump công khai công kích. Những phát biểu này xuất hiện trong bối cảnh thị trường bắt đầu lo ngại về nguy cơ suy giảm tính độc lập của Fed, đồng thời các chính sách thương mại của Trump đang đặt ngân hàng trung ương vào thế khó: Vừa phải kiểm soát rủi ro đối với lạm phát, vừa duy trì thị trường lao động ổn định.
Powell không né tránh khi đề cập đến tình trạng hỗn loạn của chính sách thuế quan, vốn có nguy cơ đưa mức thuế nhập khẩu của Mỹ lên mức cao kỷ lục trong một thế kỷ. Ông cảnh báo rằng doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể chùn bước nếu không có sự rõ ràng về định hướng chính sách: “Nếu Hoa Kỳ trở thành một môi trường có mức rủi ro cơ bản cao hơn, chúng ta sẽ kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.” Ông cũng lo ngại việc cắt giảm ngân sách nghiên cứu khoa học có thể kéo theo những hệ lụy lớn về tăng trưởng, năng suất, sức khỏe và nhiều mặt khác của đời sống kinh tế.
Đặc biệt, Powell thừa nhận rằng chính sách thuế quan đang cản trở Fed trong việc thực hiện các mục tiêu của mình. “Tác động của chính sách này có khả năng làm chúng ta đi lệch khỏi mục tiêu,” ông nói, giải thích rằng lạm phát có thể tăng do một phần thuế quan sẽ đổ lên vai người tiêu dùng, trong khi tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng do tăng trưởng kinh tế chậm lại. Theo ông, nhiệm vụ cốt lõi của Fed là giữ cho kỳ vọng lạm phát dài hạn được ổn định — yếu tố có vai trò then chốt trong việc duy trì lòng tin thị trường.
Powell cũng phá vỡ thông lệ tránh bình luận về chính sách tài khóa khi công khai chỉ trích sáng kiến “Bộ Hiệu quả Chính phủ” — chương trình cắt giảm chi tiêu được Trump và Elon Musk ủng hộ. Theo ông, chương trình này bị biến tướng thành công cụ phục vụ các cuộc chiến văn hóa và đảng phái, trong khi lại bỏ qua vấn đề cốt lõi. Ông nhấn mạnh rằng các khoản chi cho An sinh Xã hội, Medicare và Medicaid chiếm phần lớn ngân sách liên bang và chỉ bằng cách cải cách các chương trình này, chính phủ mới có thể kiểm soát chi tiêu hiệu quả. “Chi tiêu trong nước không bắt buộc đã giảm dần, nhưng phần lớn các cuộc tranh luận chính trị lại tập trung sai hướng vào mảng chi tiêu này,” ông nói.
Dù phát biểu của Powell khiến thị trường phản ứng tiêu cực trong ngắn hạn — chỉ số S&P 500 giảm điểm sau những bình luận thận trọng về khả năng cắt giảm lãi suất — nhưng về trung hạn, lập trường kiên định của ông lại là điểm tựa quan trọng. Giữa lúc chính sách kinh tế hỗn loạn và thị trường nhiều biến động, nhà đầu tư cần biết rằng Fed vẫn cam kết theo đuổi các mục tiêu ổn định giá cả và tối đa hóa việc làm — ngay cả khi cần phải đấu tranh để bảo vệ quyền tự chủ thực thi chính sách. Biến động thị trường, đến hiện tại, vẫn chưa đủ lý do để khiến Fed chệch hướng.
Bloomberg