Thỏa thuận Mỹ – Trung không cứu được Fed khỏi bài toán nan giải

Mai Khánh Linh
Junior Editor
Thỏa thuận tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm cắt giảm thuế quan trong vòng 90 ngày đã làm dấy lên hy vọng rằng cuộc chiến thương mại tồi tệ nhất của Mỹ sắp kết thúc. Tuy nhiên, đây chưa phải là một “đột phá” thực sự. Rủi ro kinh tế vẫn còn hiện hữu và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục chật vật đối phó.

Trước hết, việc dỡ bỏ thuế quan có thể chỉ là tạm thời, và không làm thay đổi bức tranh toàn cảnh. Thuế nhập khẩu vẫn ở mức cao, góp phần gia tăng lạm phát và kìm hãm tăng trưởng. Dữ liệu từ Yale Budget Lab ước tính mức thuế hiệu dụng trung bình hiện tại là 17.8%, tăng mạnh so với khoảng 2.5% khi Tổng thống Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai. Mức thuế này đủ để đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 1.7 điểm phần trăm và tỷ lệ thất nghiệp tăng khoảng 0.35 điểm phần trăm.
Thứ hai, thời gian “đình chiến” 90 ngày chỉ kéo dài thêm tình trạng bất định đang bao trùm chính sách thương mại của chính quyền Mỹ. Điều này khiến doanh nghiệp tiếp tục trì hoãn các quyết định mua sắm, đầu tư và tuyển dụng.
Thứ ba, Fed vẫn bị kẹt giữa hai lựa chọn khó khăn: kiềm chế lạm phát hay hỗ trợ tăng trưởng. Trong ngắn hạn, nhiều khả năng Fed sẽ chọn giải pháp kiên nhẫn, giữ nguyên lãi suất và theo dõi kỳ vọng lạm phát – dù điều này có thể khiến Tổng thống không hài lòng. Tuy nhiên, sự kiên nhẫn này cũng khiến phản ứng chính sách trước suy yếu kinh tế trở nên chậm trễ.
Thực tế, Fed không có nhiều lựa chọn. Khi chưa rõ rủi ro nghiêng về bên nào, ngân hàng trung ương buộc phải chờ thêm dữ liệu. Bất kỳ hành động lớn nào lúc này cũng mang tính bất định, không bảo đảm hiệu quả.
Tình thế của Fed càng trở nên phức tạp khi lạm phát đã vượt xa mục tiêu 2% kể từ năm 2021. Việc ưu tiên tăng trưởng trong bối cảnh này rất rủi ro, bởi nếu kỳ vọng lạm phát mất neo, một vòng xoáy tăng giá sẽ hình thành và rất khó kiểm soát. Đây là loại rủi ro bất đối xứng mà Fed không thể mạo hiểm. Bài học từ những năm 1970 cho thấy: khi kỳ vọng lạm phát leo thang, chỉ có chính sách tiền tệ cực kỳ thắt chặt và suy thoái sâu mới có thể kéo nó trở lại.
Dù vậy, kiên nhẫn cũng không phải không có cái giá của nó. Nhà kinh tế Claudia Sahm từng cảnh báo: suy yếu trên thị trường lao động có thể tự khuếch đại – khi sa thải khiến tiêu dùng giảm, kéo theo làn sóng sa thải tiếp theo. Lịch sử cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng nhanh một khi đã vượt ngưỡng 0.5 điểm phần trăm – và thường báo hiệu suy thoái. Năm ngoái là ngoại lệ, do lực lượng lao động tăng nhanh hơn cả tốc độ tuyển dụng. Nhưng năm nay có thể khác: tốc độ tuyển dụng sẽ chậm lại, trong khi chính sách siết biên giới và trục xuất đã khiến tăng trưởng lực lượng lao động sụt giảm.
Vậy Fed sẽ làm gì? Nhiều khả năng, từ nay đến tháng 9, Fed sẽ chưa có đủ tín hiệu rõ ràng về lạm phát, tăng trưởng hay định hướng chính sách thương mại. Nếu đến lúc đó nền kinh tế suy yếu rõ rệt, Fed sẽ buộc phải cắt giảm lãi suất một cách quyết liệt để chặn đà suy thoái thị trường lao động – nhất là trong bối cảnh cú sốc nguồn cung do thuế quan gây ra sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách tiền tệ. Nếu Mỹ rơi vào suy thoái, lãi suất có thể bị cắt giảm tới 200–300 điểm cơ bản (tương đương 2–3 điểm phần trăm).
Tuy nhiên, Fed không nên bị chỉ trích. Khác với giai đoạn đại dịch – khi Fed phản ứng quá chậm trước lạm phát vì một khuôn khổ chính sách lỗi thời – lần này, ngân hàng trung ương đang phải đối mặt với hậu quả từ những chính sách thương mại nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng các tín hiệu rõ ràng sẽ xuất hiện sớm, để Fed có thể hành động đủ nhanh nhằm giữ cho nền kinh tế Mỹ không trượt dốc.
Bloomberg