Các ngành bán dẫn, thép, ô tô thành "nạn nhân" của xung đột Nga - Ukraine

Các ngành bán dẫn, thép, ô tô thành "nạn nhân" của xung đột Nga - Ukraine

17:56 28/02/2022

Xung đột Nga-Ukraine đã khiến nhiều nhà máy Đức phụ thuộc vào linh kiện sản xuất tại Ukraine đóng cửa và gây gián đoạn nguồn cung cho ngành công nghiệp thép tại Nhật Bản...

Cuộc xung đột cũng cắt đứt lưu thông đường bộ và đường hàng không quan trọng khi mà thương mại đường biển đang bắt đầu phục hồi sau đại dịch. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Ukraine và Nga cũng bị gián đoạn nghiêm trọng, khiến giá dầu, khí đốt tự nhiên, lúa mì và dầu hướng dương tăng vọt.

Việc vận chuyển hàng hóa từ các cảng biển của Ukraine – một hành lang quan trọng cho các mặt hàng như ngũ cốc, kim loại, và hoạt động vận chuyển dầu mỏ từ Nga tới các quốc gia trên thế giới đang bị ngưng trệ.

Một số hãng vận tải và hãng hàng không đã cảnh báo rằng quyết định đóng cửa không phận với máy bay Nga của nhiều quốc gia châu Âu, cũng như hành động trả đũa của Nga, sẽ làm tăng chi phí vận tải hàng hóa từ châu Âu sang châu Á và thậm chí có thể khiến một số tuyến không thể khai thác thương mại.

ÁP LỰC CHỒNG CHẤT VỚI NỀN KINH TẾ

Theo giới phân tích, các biện pháp trừng phạt của phương Tây - đặc biệt là việc cấm một số ngân hàng Nga tham gia vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT – sẽ khiến nhiều công ty gặp khó khăn khi giao dịch với quốc gia này, kể cả trong những lĩnh vực không bị trừng phạt. Ngoài ra, cũng có nguy cơ các công ty hàng hóa riêng lẻ của Nga bị áp lệnh trừng phạt hoặc Nga trả đũa lệnh trừng phạt bằng cách cắt nguồn cung của mình.

Rủi ro giá cả leo thang diễn ra trong bối cảnh lạm phát tại nhiều nước đang ở mức cao, đặt ra thêm một thách thức nữa với các doanh nghiệp nhạy cảm với lãi suất. Tình huống này đặt ra câu hỏi rằng liệu các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ đẩy nhanh việc siết chặt chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, hay hoãn lại việc này khi thấy một rủi ro lớn hơn với sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

“Việc Mỹ và các nước đồng minh đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga không chỉ ảnh hưởng tới nước Nga mà tới cả thế giới”, Dawn Tiura, Chủ tịch Hiệp hội về Nguồn cung ứng Toàn cầu (SIG) – có trụ sở tại Mỹ, nhận xét.

Giới chính trị gia và chuyên gia trong lĩnh vực này tại phương Tây cũng tin rằng nền kinh tế của chính quốc gia của họ cũng sẽ chịu ảnh hưởng.

Tuần trước, lần đầu tiên trong 8 năm, giá dầu đã cán mốc 100 USD/thùng. Giá nhôm cũng tăng hơn 20% kể từ đầu năm, còn palladium – kim loại mà Nga thống trị về nguồn cung – tăng giá 26,7%. Giá hợp đồng tương lai lúa mỳ giao dịch trên sàn hàng hóa Chicago (Mỹ) đã tăng 12% lên mức cao nhất kể từ năm 2012.

CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN, THÉP, Ô TÔ ĐỀU BỊ ẢNH HƯỞNG

Ngành công nghiệp ô tô, từ lâu phụ thuộc vào chuỗi cung ứng xuyên biên giới, là một trong những ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên bởi sự gián đoạn mới do xung đột Nga – Ukraine.

Leoni AG, công ty sản xuất hệ thống dây điện ở Ukraine và xuất khẩu cho nhiều hãng ô tô châu Âu, tuần trước đã đóng cửa hai nhà máy tại Ukraine và cho gần 7.000 nhân viên nghỉ việc tạm thời.

Ngay hôm sau, Volkswagen AG nói rằng họ có thể không nhập được hệ thống dây điện từ Ukraine và sẽ phải đóng cửa các nhà máy ở Zwickau (nhà máy quan trọng nhất trong chiến lược xe điện của Volkswagen) và ở Dresden, Đức trong tuần này. Hãng này cho biết có thể sẽ phải cho hơn 8.000 nhân viên nghỉ việc tới khi có thể khôi phục sản xuất.

Trong vòng vài giờ sau khi Nga đưa quân vào Ukraine thứ Năm tuần trước, các nhà sản xuất ô tô phụ thuộc vào linh kiện từ Trung Quốc và Đông Âu đã thành lập một nhóm đặc biệt để xây dựng các tuyến cung ứng thay thế.

“Ukraine vốn không phải là trung tâm trong chuỗi cung ứng của chúng tôi, nhưng đột nhiên chúng tôi phát hiện ra điều ngược lại khi mất đi nguồn cung từ nước này”, người phát ngôn của VW nói.

Ukraine là nơi có 22 công ty nước ngoài như Leoni, với 38 nhà máy sản xuất hàng hóa cho ngành công nghiệp ô tô như dây điện, linh kiện điện tử, ghế và các phụ tùng khác, theo UkraineInvest – cơ quan chính phủ phụ trách xúc tiến đầu tư vào Ukraine.

Gián đoạn nguồn cung hàng hóa và vật liệu thô từ Nga và Ukraine cũng có thể làm tồi tệ thêm cuộc khủng hoảng thiếu chip – vốn đã khiến doanh nghiệp trên khắp thế giới lao đao. Theo tổ chức nghiên cứu Techcet, các nhà sản xuất chip Mỹ nhập khẩu gần như hoàn toàn khí neon, hợp chất hóa học hexafluorocyclobutene và palladium từ Ukraine và Nga.

Công ty Norilsk Nickel của Nga khai thác khoảng 40% lượng palladium toàn cầu – cũng được dùng trong thiết bị trung hòa khí thải của ô tô. Công ty này cũng chiếm tới 11% sản lượng niken toàn cầu – vật liệu quan trọng để sản xuất thép không rỉ và pin xe điện, theo JP Morgan.

Theo khảo sát địa chất của Mỹ, Nga hiện chiếm khoảng 4% sản lượng coban toàn cầu – một vật liệu khác quan trọng trong sản xuất pin điện, 25% chất vanadium – dùng trong sản xuất thép, và 3,5% sản lượng đồng.

VẬN TẢI HÀNG HÓA ĐÌNH TRỆ

Tình trạng gián đoạn giao thông cũng đang ngày càng nghiêm trọng. Theo các hãng theo dõi vận tải biển, ít nhất 22 tàu chở dầu đang bị nghẽn tại eo biển Kerch - tuyến đường thủy quan trọng do Nga kiểm soát – vì các cảng đóng cửa. Hy Lạp, quốc gia vận hành tới khoảng 25% đội tàu chở dầu toàn cầu, đang kêu gọi các chủ tàu đưa tàu của họ khỏi vùng biển của Nga và Ukraine trên biển Đen – vốn là một nút thắt với nhiều mặt hàng quan trọng.

Theo Commerzbank AG, Russia và Ukraine hiện chiếm khoảng 1/3 lượng lúa mì, 19% ngô và 80% dầu hướng hương xuất khẩu toàn cầu. Phần lớn các mặt hàng này được vận chuyển qua các cảng ở Biển Đen mà hiện đang bị đóng cửa.

Giá ngũ cốc tăng cao gây thêm lo ngại cho các quốc gia đang phát triển, như Ai Cập và Indonesia – nơi phụ thuộc vào các mặt hàng này từ nước ngoài và đã đang chứng kiến giá lương thực leo thang.

Theo ông Philip Sweens, người đứng đầu bộ phận kinh doanh quốc tế của HHLA, việc đóng cửa cảng biển sẽ gây ra một cú sốc nữa cho hoạt động thương mại của Nga, vốn đã suy giảm khoảng 25% kể từ sau khi Moscow tiến hành sáp nhập vùng Crimea năm 2014.

Chính phủ Ukraine cũng đã đóng cửa cảng biển quan trọng trên Biển Đen ở Odessa sau khi quân đội Nga tiến vào nước này.

“Nếu cảng biển này tiếp tục đóng cửa trong thời gian dài, việc đưa thực phẩm và hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân sẽ gặp khó khăn. Ukraine cũng là ‘giỏ bánh mỳ’ của châu Âu, do đó, điều đầu tiên mà người dân châu Âu gặp phải sẽ là giá lương thực tăng”, ông Sweens nói.

Từ năm ngoái, tắc nghẽn tại các cảng biển lớn và khó khăn trong việc tìm tàu để vận chuyển hàng hóa từ châu Á sang phương Tây đã khiến một số công ty vận chuyển hàng bằng tàu hỏa từ Trung Quốc qua Nga để sang châu Âu.

“Đây trở thành tuyến đường thay thế quan trọng cho các tuyến vận tải biển bị gián đoạn”, Glenn Koepke, phó chủ tịch cấp cao tại hãng cung cấp công nghệ theo dõi vận tải hàng hóa FourKites của Mỹ, cho biết. “Đã có hơn 300.000 container hàng hóa - loại tương đương 20 foot – được vận chuyển bằng đường sắt từ Trung Quốc sang Liên minh châu Âu trong 6 tháng đầu năm ngoái”.

Tuy nhiên, công ty trung chuyển hàng hóa Flexport, có trụ sở tại Mỹ, mới đây cho biết đã ngừng nhận đơn hàng cho dịch vụ vận tải đường sắt từ châu Á sang châu Âu qua Nga của mình. Với giao thông hàng không trong khu vực cũng đang chịu áp lực, các máy bay chở hàng của Flexport – thường bay qua không phận của Nga và Ukraine – giờ đây phải đi đường vòng xa hơn qua Trung Đông. Bay qua Nga là tuyến đường nhanh nhất để đi từ châu Âu sang Vành đai Thái Bình Dương.

Theo dịch vụ theo dõi chuyến bay Flighttrader24, tính tới ngày 28/2, nhiều quốc gia, trong đó có Anh, Ba Lan, Bulgaria, đã cấm các hãng hàng không Nga bay vào không phận của mình.

Một số hãng trung chuyển hàng hóa, trong đó có DSV A/S của Đan Mạch và Deutsche Post DHL của Đức, đã ngừng dịch vụ đến và đi từ Ukraine, đồng thời đóng cửa văn phòng tại nước này. Hai hãng vận tải khổng lồ của Mỹ là FedEx Corp. và United Parcel Service cũng đã ngừng dịch vụ vận chuyển hàng hóa tới Nga và Ukraine.

Link gốc tại đây.

Theo VnEconomy

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Báo cáo Phân tích: Tiềm năng Tăng trưởng của Nền Kinh tế Hoa Kỳ (Phần 1)
Kiều Hồng Minh

Kiều Hồng Minh

Junior Analyst

Báo cáo Phân tích: Tiềm năng Tăng trưởng của Nền Kinh tế Hoa Kỳ (Phần 1)

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn (hay tiềm năng tăng trưởng) của một nền kinh tế được xác định bởi nhiều yếu tố. Mặc dù ít được quan tâm do tính học thuật cao, dữ liệu này có tầm quan trọng tương đối lớn. Trong một loạt báo cáo gồm năm phần, chúng tôi sẽ đi sâu vào phân phân tích triển vọng và tiềm năng tăng trưởng kinh tế tại Hoa Kỳ.
Những bất ổn thương mại và căng thẳng địa chính trị thúc đẩy đồng USD tăng giá
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Những bất ổn thương mại và căng thẳng địa chính trị thúc đẩy đồng USD tăng giá

Tâm lý thị trường đã có bước ngoặt quyết định theo chiều hướng xấu hơn vào tuần trước, với tâm lý sợ rủi ro chiếm ưu thế trên khắp các loại tài sản. Sự kết hợp giữa tình hình kinh tế xấu đi ở Hoa Kỳ và tình hình bất ổn toàn cầu gia tăng đã làm dấy lên lo ngại rằng khẩu vị rủi ro có thể suy yếu hơn nữa. Cổ phiếu phải đối mặt với áp lực bán mới trong khi lợi suất giảm mạnh.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ