Độ tin cậy của dữ liệu tiền lương Anh bị đặt dấu hỏi: Nguy cơ sai lầm trong điêu hành chính sách tiền tệ

Trà Giang
Junior Editor
Những lo ngại mới về độ chính xác của dữ liệu kinh tế chính thức của Anh đang dấy lên, khiến các nhà phân tích phải xem xét lại các số liệu quan trọng từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS).

Những hoài nghi về độ chính xác của dữ liệu kinh tế chính thức tại Anh tiếp tục gia tăng, khi các nhà kinh tế cảnh báo rằng những sai sót trong số liệu thị trường lao động có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Oxford Economics mới đây công bố một phân tích chỉ ra rằng các chỉ số quan trọng như tăng trưởng GDP, doanh số bán lẻ và tốc độ tăng lương có thể đang bị sai lệch đáng kể. Nếu những bất cập này không được khắc phục kịp thời, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có thể mắc sai lầm nghiêm trọng trong điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là trong quyết định hạ lãi suất.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) – cơ quan chịu trách nhiệm cung cấp dữ liệu kinh tế chính thức – đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn khi liên tục gặp vấn đề trong thu thập và xử lý dữ liệu. Trước đó, ONS đã thừa nhận gặp khó khăn trong việc đo lường tình trạng việc làm, tỷ lệ thất nghiệp và mức độ không tham gia thị trường lao động, sau khi tỷ lệ phản hồi trong các cuộc khảo sát giảm mạnh. Những sai lệch trong thống kê lao động không chỉ làm suy giảm tính chính xác của các báo cáo chính thức mà còn có thể dẫn đến những hệ quả lan tỏa, ảnh hưởng đến các chỉ số kinh tế vĩ mô khác.
Mới đây, ONS buộc phải trì hoãn việc công bố dữ liệu thương mại và chỉ số giá sản xuất (PPI) do lo ngại về độ tin cậy của số liệu. Bloomberg cũng tiết lộ rằng các cơ quan giám sát đang mở cuộc điều tra để xác định liệu các cuộc khảo sát hộ gia đình khác có gặp phải những vấn đề tương tự như trong khảo sát lực lượng lao động hay không.
Andrew Goodwin, chuyên gia kinh tế trưởng tại Oxford Economics, bày tỏ lo ngại: “Chúng tôi nghi ngờ rằng nhiều bộ dữ liệu khác từ ONS cũng đang gặp sai sót nghiêm trọng. Nếu tốc độ tăng trưởng tiền lương bị điều chỉnh giảm đáng kể trong thời gian tới, thì nguyên nhân chính có thể xuất phát từ những sai lệch trong thu thập dữ liệu ban đầu, và điều này có thể dẫn đến sai lầm trong chính sách tiền tệ.”
Các số liệu chính thức của ONS hiện đang cho thấy tốc độ tăng trưởng tiền lương khá cao, trong khi nhiều khảo sát độc lập lại cho thấy áp lực tiền lương thực tế đang có xu hướng giảm dần. Đáng chú ý, ONS cũng đã thông báo rằng họ sắp sửa điều chỉnh lại dữ liệu tiền lương do có những báo cáo muộn từ một doanh nghiệp lớn. Theo Oxford Economics, sự điều chỉnh này có thể tạo ra những thay đổi đáng kể trong cách nhìn nhận về thị trường lao động. BoE cũng đã đề cập đến vấn đề này trong biên bản cuộc họp gần đây, nhấn mạnh rằng những điều chỉnh dữ liệu sắp tới có thể tác động đến các quyết định chính sách lãi suất.
Goodwin đặt ra giả thuyết rằng doanh nghiệp có thể liên quan đến chính phủ, đặc biệt khi dữ liệu hiện tại không phản ánh rõ tác động từ mức tăng lương 5%-6% mà Bộ trưởng Tài chính Anh đã phê duyệt ngay sau khi nhậm chức. Nếu giả thuyết này là đúng, thì những sai lệch trong dữ liệu có thể dẫn đến những nhận định sai lầm về sức khỏe của thị trường lao động Anh.
Không chỉ dừng lại ở thị trường lao động, Oxford Economics còn chỉ ra những điểm bất thường trong số liệu tăng trưởng GDP của Anh. Trong những năm gần đây, số liệu thống kê GDP cho thấy một mô hình lặp đi lặp lại: tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm, sau đó đột ngột giảm tốc từ quý III. Theo Goodwin, đây không còn là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà có thể là dấu hiệu của sai lệch trong phương pháp điều chỉnh tính thời vụ. Nếu vấn đề này không được giải quyết, các nhà hoạch định chính sách có thể đang đánh giá sai mức độ tăng trưởng thực sự của nền kinh tế.
Tình trạng tương tự cũng xuất hiện trong dữ liệu doanh số bán lẻ. Số liệu gần đây cho thấy doanh số bán lẻ tại Anh giảm mạnh trong tháng 12 – thời điểm vốn dĩ là cao điểm mua sắm cuối năm – nhưng sau đó lại tăng vọt trong tháng 1. Xu hướng này đặt ra nghi vấn về việc dữ liệu doanh số bán lẻ có thể đang bị méo mó do những thay đổi trong thói quen chi tiêu của người tiêu dùng, hoặc do những sai lệch trong cách ONS điều chỉnh số liệu theo mùa.
Một người phát ngôn của ONS giải thích: “Chúng tôi thường xuyên xem xét và điều chỉnh phương pháp tính toán để đảm bảo số liệu phản ánh đúng thực tế. Tuy nhiên, những tác động bất thường như đại dịch COVID-19 hay sự thay đổi trong thời gian thu thập dữ liệu cần được cân nhắc cẩn thận để tránh tạo ra sai lệch trong kết quả phân tích.”
Trong bối cảnh nền kinh tế Anh vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn, từ lạm phát cao đến tăng trưởng chậm, BoE cần có dữ liệu chính xác để đưa ra quyết định đúng đắn về chính sách lãi suất. Nếu dữ liệu GDP và thị trường lao động bị sai lệch, BoE có thể đánh giá sai về sức mạnh của nền kinh tế và hành động không phù hợp.
Sai sót trong dữ liệu có thể dẫn đến hai kịch bản rủi ro: Nếu ONS đang đánh giá quá cao tốc độ tăng trưởng tiền lương và GDP, BoE có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất lâu hơn mức cần thiết, gây áp lực lên doanh nghiệp và hộ gia đình. Ngược lại, nếu dữ liệu sau này bị điều chỉnh theo hướng thấp hơn đáng kể, BoE có thể đã thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức trong thời gian qua, làm chậm đà phục hồi kinh tế.
Dù chưa thể khẳng định chắc chắn mức độ nghiêm trọng của những sai sót trong thống kê kinh tế Anh, nhưng việc liên tục xuất hiện các vấn đề trong dữ liệu thị trường lao động, GDP và doanh số bán lẻ đang làm gia tăng mối lo ngại về tính chính xác của những số liệu mà chính phủ và BoE đang dựa vào để ra quyết sách. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang có nhiều biến động, bất kỳ sai lầm nào trong chính sách tiền tệ cũng có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, không chỉ đối với nước Anh mà còn với thị trường tài chính quốc tế.
Bloomberg