Liệu báo cáo bảng lương phi nông nghiệp (NFP) tháng 4 có củng cố kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất?

Liệu báo cáo bảng lương phi nông nghiệp (NFP) tháng 4 có củng cố kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất?

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

15:41 28/04/2025

Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại MUFG Bank.

Nhìn chung, tỷ giá các đồng tiền chủ chốt không mấy biến động trong phiên Á, và đồng bạc xanh vẫn ổn định sau nhịp hồi nhẹ của tuần trước. Sự phục hồi này đã chấm dứt chuỗi giảm bốn tuần liên tiếp của DXY, đưa chỉ số về gần ngưỡng 100.00 sau khi chạm đáy năm ở mức 97.921 vào ngày 25/04. Đồng bạc xanh đã nhận được một số lực đỡ nhờ vào việc tâm lý của các nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn, họ tin rằng Tổng thống Trump có thể sẽ tiếp tục đảo ngược các chính sách thương mại gây xáo trộn đã được áp dụng trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, bao gồm cả việc giảm đáng kể mức thuế quan "phi lý" 145% hiện đang áp dụng cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Đồng thời, việc Tổng thống Trump tuyên bố rõ ràng không có kế hoạch sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cũng góp phần đáng kể vào việc khôi phục niềm tin vào quá trình hoạch định chính sách của Mỹ sau cú sốc niềm tin lớn diễn ra gần như suốt tháng qua, bắt nguồn từ thông báo về thuế quan "Ngày Giải phóng" hôm 02/04.

Niềm tin vào chính sách Mỹ cải thiện cũng được phản ánh qua diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán và trái phiếu trong tuần trước. Chỉ số S&P 500 tiếp tục phục hồi và hiện đã gần như thu hẹp hoàn toàn khoản giảm ban đầu sau thông báo thuế quan "Ngày Giải phóng", thời điểm chỉ số này sụt gần 15%. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu Mỹ cũng hồi phục kể từ khi lợi suất đạt đỉnh vào ngày 09/04. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm đã giảm về gần 4.70%, thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh của năm nay là 5.02%. Dù vậy, chúng tôi vẫn duy trì sự thận trọng, và việc liệu sự thay đổi chính sách đã được công bố cho đến nay có đủ sức mạnh để tạo đà phục hồi bền vững cho đồng bạc xanh hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ, bởi mức thuế quan hiện tại vẫn đang gây ra sự gián đoạn đáng kể cho thương mại toàn cầu và nền kinh tế Mỹ. Được công bố hôm thứ Sáu, khảo sát của Đại học Michigan về niềm tin người tiêu dùng tháng 4 cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những bất ổn chính sách gia tăng và gián đoạn do thuế quan. Chỉ số chính theo đó sụt mạnh 21.8 điểm xuống còn 52.2 trong tháng 4, một trong những mức thấp nhất được ghi nhận kể từ cuối những năm 1970.

Mặt khác, những phát biểu ôn hòa từ các quan chức Fed vào cuối tuần trước cho thấy họ sẵn sàng hạ lãi suất nếu rủi ro suy thoái trở nên rõ ràng hơn. Chủ tịch Fed Christopher Waller nhận định: "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chúng ta chứng kiến nhiều đợt sa thải hơn, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên trong tương lai nếu mức thuế quan cao, đặc biệt là đối với hàng hóa Trung Quốc, được áp dụng trở lại. Nếu thị trường lao động suy giảm đáng kể, thì việc ưu tiên khía cạnh việc làm trong mục tiêu kép của Fed là rất quan trọng." Song, ông không kỳ vọng thuế quan sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế Mỹ trước tháng 7, và cho biết ông ủng hộ việc chờ đợi đến cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) tháng 9 trước khi bắt đầu cắt giảm lãi suất, trừ khi thị trường lao động suy yếu nhanh hơn dự kiến. Do đó, báo cáo bảng lương phi nông nghiệp (NFP) tháng 4 được công bố vào thứ Sáu tuần này sẽ được thị trường dành sự quan tâm đặc biệt, nhằm tìm kiếm các dấu hiệu suy yếu của thị trường lao động. Dữ liệu thị trường lao động công bố trước đó cho thấy, tăng trưởng việc làm trong Q1 đã chậm lại, đạt trung bình 152,000 việc làm mỗi tháng, tương đương mức trung bình của năm ngoái, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục dao động trong khoảng 4.0% đến 4.2%. Hiện tại, thị trường OIS đang phản ánh kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất một hoặc thậm chí hai lần vào tháng 6 hoặc tháng 7. Song, để kỳ vọng này được củng cố và trở thành hiện thực, sẽ cần thêm bằng chứng về sự nới lỏng của thị trường lao động trong những tháng tới.

Chênh lệch lợi suất đã thu hẹp nhưng vẫn ở mức cao đáng kể

MUFG Research

Broker listing

Cùng chuyên mục

Điểm lại một số diễn biến đáng chú ý gần đây – Ánh sáng le lói về triển vọng thương mại; lạm phát, và những cảnh báo từ các ngân hàng trung ương lớn
Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

Điểm lại một số diễn biến đáng chú ý gần đây – Ánh sáng le lói về triển vọng thương mại; lạm phát, và những cảnh báo từ các ngân hàng trung ương lớn

Bất chấp những tín hiệu lạc quan ban đầu từ mặt trận thương mại, sự phục hồi của thị trường Châu Á vẫn còn dè dặt, cho thấy giới đầu tư đang chờ đợi những bằng chứng cụ thể về tiến bộ thực tế. Tâm điểm chú ý cũng đổ dồn vào dữ liệu lạm phát tại Nhật Bản và những cảnh báo về rủi ro thương mại từ các ngân hàng trung ương lớn.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ