Nước Mỹ thời hậu công nghiệp: Giấc mơ ‘Made in America’ liệu có thành hiện thực?

Trà Giang
Junior Editor
Sau Thế chiến II, khi phần lớn châu Âu và Nhật Bản còn đang gượng dậy từ đống tro tàn, nước Mỹ từng chiếm hơn 50% sản lượng công nghiệp toàn cầu – một giai đoạn huy hoàng khi phần còn lại của thế giới phụ thuộc nặng nề vào hàng hóa “Made in USA”. Thế nhưng, ánh hào quang đó đã phai mờ theo thời gian.

Tính đến năm 2023, Mỹ chỉ còn chiếm hơn 10% sản lượng công nghiệp toàn cầu và thâm hụt thương mại hàng hóa lên đến 1,200 tỷ USD – một thực trạng khiến Tổng thống Donald Trump quyết tâm hành động.
Dưới triết lý “Nước Mỹ trên hết”, ông Trump đang tìm cách dựng lại “bức tường thuế quan” – không phải để ngăn nhập cư như trước, mà là để ép chuỗi cung ứng toàn cầu quay về Mỹ. Mục tiêu của ông là biến nền kinh tế lớn nhất thế giới trở lại thành một đại bản doanh sản xuất – với những dây chuyền lắp ráp, công nhân mặc đồng phục, và sản phẩm nội địa xuất hiện khắp toàn cầu.
Một số doanh nghiệp đã tỏ ra hưởng ứng chiến lược này. Tập đoàn dược phẩm Eli Lilly, hãng thiết bị điện Schneider Electric và mới đây nhất là IBM đã công bố kế hoạch đầu tư vào sản xuất tại Mỹ – từ máy tính lượng tử đến mainframe. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp khác lại lo ngại sâu sắc. Các “ông lớn” trong ngành tiêu dùng như PepsiCo hay Diageo cảnh báo rằng chi phí gia tăng từ thuế quan sẽ đè nặng lên biên lợi nhuận. Dường như ông Trump đã đánh giá quá đơn giản những thách thức trong việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu – vốn đã ăn sâu bén rễ tại châu Á – về lại một nước Mỹ đang đối mặt với nhiều rào cản nội tại.
Một trong những trở ngại lớn nhất là thiếu hụt lao động sản xuất. Mặc dù lương công nhân tại Mỹ cao hơn Trung Quốc gấp đôi và cao gấp gần sáu lần Việt Nam, nhưng vẫn không đủ hấp dẫn người lao động nội địa quay lại nhà máy. Theo khảo sát mới nhất của Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ, có tới 20% nhà máy cho biết không thể vận hành hết công suất do thiếu nhân sự.
Không chỉ thiếu số lượng, nước Mỹ còn thiếu trầm trọng lao động có tay nghề – từ thợ hàn, kỹ sư cơ khí, đến thợ điện. Tập đoàn TSMC của Đài Loan, trong nỗ lực xây dựng nhà máy bán dẫn tại Arizona, đã thừa nhận rằng tiến độ của họ bị “kìm hãm” bởi sự thiếu hụt lao động lành nghề tại địa phương.
Tự động hóa cũng không phải là chiếc đũa thần. Dù chính quyền Trump kỳ vọng có thể đưa hàng triệu việc làm lắp ráp iPhone quay về Mỹ và “tự động hóa toàn bộ quy trình”, nhưng hiện tại vẫn còn khoảng cách lớn. Theo Liên đoàn Robot Công nghiệp Quốc tế (IFR), trong năm 2023, Mỹ chỉ có 295 robot công nghiệp trên mỗi 10,000 công nhân – thấp hơn Trung Quốc (470) và bị Hàn Quốc bỏ xa (1,012). Trái với kỳ vọng, Apple hiện lại đang lên kế hoạch sản xuất iPhone cho thị trường Mỹ… tại Ấn Độ.
So sánh mật độ robot trong ngành sản xuất giữa các quốc gia
Kể cả khi vượt qua được bài toán nhân lực, thách thức thứ hai là xây dựng nhà máy. Chi tiêu xây dựng nhà xưởng tại Mỹ đã tăng gấp đôi trong 4 năm qua (đã điều chỉnh lạm phát), chủ yếu nhờ các gói trợ cấp hào phóng dưới thời Biden cho ngành bán dẫn và công nghệ xanh. Tuy nhiên, đằng sau là một loạt dự án bị đình trệ hoặc hủy bỏ: Solvay tạm dừng kế hoạch xây nhà máy hóa chất điện tử tại Arizona; Pallidus từ bỏ kế hoạch mở nhà máy linh kiện chip ở South Carolina.
Một nghiên cứu từ Trường Kinh doanh Booth (ĐH Chicago) chỉ ra rằng năng suất ngành xây dựng Mỹ đã giảm tới 40% so với đỉnh cao của những năm 1960. Nguyên nhân chính gồm: thủ tục pháp lý rườm rà, tâm lý phản đối xây dựng (NIMBYism), thiếu cơ chế thưởng-phạt gắn với tiến độ, và tình trạng thiếu nhân công. Tình trạng trì trệ trong xây dựng khiến nhiều kế hoạch đầu tư sản xuất rơi vào bế tắc.
Năng suất lao động tại Mỹ: So sánh giữa ngành xây dựng và toàn bộ nền kinh tế
Trong khi đó, hạ tầng sản xuất hiện có cũng không mấy sáng sủa: hơn một nửa trong số 50,000 nhà máy tại Mỹ đã “trên 30 tuổi”, với độ tuổi trung bình là 50 năm. Một nền tảng công nghiệp như vậy khó lòng cạnh tranh được với hệ thống nhà máy hiện đại, tối ưu năng suất tại châu Á.
Câu chuyện hạ tầng không chỉ dừng ở nhà máy. Nước Mỹ đang phải đối mặt với hệ thống điện lực xuống cấp nghiêm trọng – phần lớn lưới điện được xây từ những năm 1960–1970 và nay đã quá tuổi sử dụng, khiến mất điện trở thành chuyện ngày càng phổ biến. Các nhà máy mới muốn kết nối điện có thể phải chờ... vài năm. Giao thông vận tải cũng không khá hơn. Theo Hiệp hội các nhà thầu xây dựng cầu đường Mỹ, cứ ba cây cầu thì có một cây cần sửa chữa hoặc thay mới.
Trong khi đó, hệ thống logistics thiếu đồng bộ lại là một đòn giáng mạnh vào chuỗi cung ứng nội địa. Khi so với mạng lưới cảng, đường bộ và đường sắt hiệu quả cao tại Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc, Mỹ đang tụt lại phía sau.
Điều trớ trêu là những chính sách bảo hộ mà ông Trump theo đuổi lại có thể khiến mục tiêu tái công nghiệp hóa thêm phần bất khả thi. Thắt chặt nhập cư và trục xuất lao động không giấy tờ khiến tình trạng thiếu hụt nhân công càng nghiêm trọng – không chỉ trong nhà máy mà cả tại công trường. Các hàng rào thuế quan cũng khiến giá nguyên vật liệu như thép và máy móc tăng vọt, đồng thời làm chi phí nhập khẩu nguyên liệu trung gian – vốn chiếm tới 1/3 đầu vào sản xuất – tăng mạnh.
Ngoài ra, sự thiếu ổn định trong chính sách thuế – thay đổi liên tục giữa các đối tác thương mại – đang làm nản lòng các doanh nghiệp đang tính đường dịch chuyển sản xuất. Nhiều công ty chọn... chờ đợi.
Dù sản xuất không còn là lĩnh vực chủ lực, Mỹ vẫn là trung tâm công nghệ và sáng tạo toàn cầu – từ bán dẫn đến dược phẩm. Mỗi năm, Mỹ chi khoảng 1,000 tỷ USD cho R&D – nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Thay vì cố níu kéo thời kỳ vàng son của “công nhân lắp ráp ốc vít”, nước Mỹ có lẽ nên tập trung phát huy vai trò dẫn dắt trí tuệ trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Khôi phục sản xuất không chỉ là chuyện của hàng rào thuế quan, mà cần một chiến lược bài bản về lao động, hạ tầng, đào tạo và công nghệ. Nếu không, giấc mơ công nghiệp của ông Trump có thể sẽ chỉ là một hồi tưởng quá khứ, chứ không phải con đường dẫn tới tương lai.
The Economist