Thị trường chứng khoán châu Á lao dốc khi thời hạn áp thuế của Tổng thống Trump cận kề

Thị trường chứng khoán châu Á lao dốc khi thời hạn áp thuế của Tổng thống Trump cận kề

Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

08:23 09/04/2025

Thị trường chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ ngay từ đầu phiên giao dịch ngày hôm nay sau khi Nhà Trắng quyết định áp đặt loạt thuế quan toàn diện lên các đối tác thương mại, đặc biệt là mức thuế khổng lồ 104% đối với hàng hóa Trung Quốc, làm suy giảm khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư. Đồng thời, lợi suất TPCP Mỹ tiếp tục đà tăng.

Chứng khoán tại Úc và Nhật Bản đồng loạt sụt giảm, trong khi HĐTL chỉ số S&P 500 sụt giảm 1.8% . Đồng USD suy giảm so với các đồng tiền chủ chốt và giá dầu tiếp tục đà bán tháo. Đồng Nhân dân tệ hải ngoại đã phục hồi sau khi chạm đáy kể từ thời điểm bắt đầu giao dịch vào năm 2010. Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục mở rộng đà tăng mạnh trong tuần này.

Cuộc chiến thương mại leo thang đã khơi dậy làn sóng lo ngại trong cộng đồng đầu tư về nguy cơ các biện pháp thuế quan mới có thể đẩy kinh tế toàn cầu vào tình trạng suy thoái. Giới đầu tư trên các thị trường tài chính quốc tế đang sống trong bầu không khí lo lắng với nỗi sợ rằng một mắt xích nào đó trong hệ thống tài chính có thể sụp đổ giữa cơn bão biến động trên nhiều phân khúc tài sản. Trước tình hình này, nhiều dự đoán cho rằng Fed có thể phải gấp rút cắt giảm lãi suất để phòng ngừa suy thoái, bất chấp những lo ngại về lạm phát vẫn còn dai dẳng.

"Cuộc đối đầu thuế quan ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc đang làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư trên toàn cầu," Tomo Kinoshita, chuyên gia chiến lược thị trường toàn cầu tại Invesco Asset Management tại Tokyo nhận xét. "Sự mơ hồ về các biện pháp trả đũa tiếp theo từ cả hai cường quốc cũng đang phủ bóng đen lên tâm trí nhà đầu tư."

S&P 500 ghi nhận đợt sụt giảm bốn ngày lớn nhất kể từ năm 2020

Phố Wall tiếp tục chứng kiến những biến động mạnh vào ngày thứ Ba giữa làn sóng đe dọa thương mại qua lại giữa Washington và Bắc Kinh. Chỉ số S&P 500 kết thúc phiên giảm 1.6%, đứng sát ngưỡng "bear market". Đáng chú ý, trước đó trong cùng phiên giao dịch, chỉ số này đã ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2022.

Bước sang phiên giao dịch đầu tiên tại châu Á, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ có độ dốc tăng lên, với trái phiếu kỳ hạn hai năm ghi nhận hiệu suất vượt trội so với các trái phiếu dài hạn. Xu hướng này xuất hiện giữa những đồn đoán về việc Fed sẽ phải cắt giảm lãi suất do tác động từ cuộc chiến thương mại đang ngày càng khốc liệt. Trên thị trường châu Á, các chỉ số chứng khoán Nhật Bản sụt giảm 2.6%, tỷ giá USD/NZD tăng vọt vượt ngưỡng 1.8182 - đạt mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020.

"Những biến động dữ dội này phản ánh bối cảnh thị trường hoàn toàn mới, nơi không ai nắm chắc về luật chơi hoặc thậm chí về hướng đi mong muốn," Que Nguyen, chuyên gia tại Research Affiliates LLC nhận định. "Thị trường sẽ tiếp tục trải qua những đợt giao dịch đầy biến động giữa hy vọng và lo sợ cho đến khi nhà đầu tư điều chỉnh lại kỳ vọng, hoặc khi những quy tắc và mục tiêu trở nên rõ ràng hơn."

Một quan chức Nhà Trắng xác nhận Hoa Kỳ đang tiến hành áp đặt thuế lên hàng hóa Trung Quốc với mức thuế suất cao nhất lên tới 104%. Các biện pháp này dự kiến sẽ có hiệu lực sau nửa đêm theo giờ New York. Đáp lại, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khẳng định quốc gia này sở hữu đầy đủ công cụ chính sách để bù đắp hoàn toàn những tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Đợt sụt giảm mạnh ngày hôm qua đã kéo dài đà giảm của chỉ số S&P 500 lên hơn 12% kể từ khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch áp thuế toàn cầu vào thứ Tư tuần trước. Tại thời điểm thấp nhất, chỉ số này đã giảm tới 20% so với mức đóng cửa kỷ lục thiết lập hồi tháng Hai, mặc dù sau đó đã có sự phục hồi đáng kể. Phiên giao dịch hôm qua cũng ghi nhận khối lượng giao dịch kỷ lục trên thị trường chứng khoán Mỹ với hơn 23 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng, một con số gần như chưa từng thấy trong lịch sử.

Tổng thống Trump đang thúc đẩy việc áp dụng thuế quan cao hơn đối với khoảng 60 đối tác thương mại mà ông gọi là "những kẻ vi phạm tồi tệ nhất." Vị Tổng thống đã dành những giờ cuối cùng trước khi các mức thuế quan toàn diện chính thức có hiệu lực để sắp xếp các cuộc đàm phán với các đồng minh chủ chốt của Mỹ, nhưng hy vọng về một thỏa thuận phút chót với Trung Quốc dường như còn xa vời.

Trong lúc các quốc gia nước ngoài kêu gọi Washington đàm phán, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent chỉ ra tiềm năng cho các thỏa thuận thương mại có lợi. Nhật Bản dường như sẽ được ưu tiên trong các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ, trong khi Tổng thống Trump nhận định triển vọng cho một thỏa thuận với Hàn Quốc đang có vẻ tích cực.

Bloomberg

Broker listing

Cùng chuyên mục

Thương hiệu trà Trung Quốc Chagee nhắm mục tiêu IPO trị giá 400 triệu đô la Mỹ tại New York bất chấp chiến tranh thuế quan
Diệu Linh

Diệu Linh

Junior Editor

Thương hiệu trà Trung Quốc Chagee nhắm mục tiêu IPO trị giá 400 triệu đô la Mỹ tại New York bất chấp chiến tranh thuế quan

Công ty trà Trung Quốc Chagee sẵn sàng đương đầu với điều kiện thị trường đầy biến động và cuộc chiến thương mại ngày càng gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khi họ tìm cách huy động gần 400 triệu đô la Mỹ trong lần ra mắt tại New York vào tuần này.
BOJ cảnh báo sự bất ổn về thuế quan của Mỹ có thể gây tổn hại đến niềm tin và nền kinh tế
Diệu Linh

Diệu Linh

Junior Editor

BOJ cảnh báo sự bất ổn về thuế quan của Mỹ có thể gây tổn hại đến niềm tin và nền kinh tế

Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm thứ Năm đã cảnh báo về sự gia tăng sự bất ổn liên quan đến những tác động từ thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho biết chúng có thể làm tổn hại đến niềm tin của người dân và gây tổn hại cho nền kinh tế mong manh của đất nước.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ