Westpac IQ: Dữ liệu lạm phát Mỹ khớp với dự báo, nhưng cũng làm dấy lên nhiều nghi ngại; Phố Wall lấy lại đà tăng sau một thoáng chững lại

Westpac IQ: Dữ liệu lạm phát Mỹ khớp với dự báo, nhưng cũng làm dấy lên nhiều nghi ngại; Phố Wall lấy lại đà tăng sau một thoáng chững lại

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

08:26 12/12/2024

Bản tin sáng từ Ngân hàng Westpac.

Điểm chính

Dữ liệu lạm phát tháng 11 của Mỹ công bố tối qua khớp với dự báo. Điều này khiến các nhà giao dịch gia tăng kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất trong cuộc họp sắp tới, bởi lẽ dữ liệu khó lòng làm thay đổi nhận định của Fed rằng mức độ thắt chặt hiện tại đã không còn phù hợp. Dù vậy, những dấu hiệu cho thấy xu hướng giảm của lạm phát đang chững lại sẽ làm dấy lên nghi ngại về tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2025.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục đà tăng sau một thoáng chững lại hồi đầu tuần. Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) tăng nhẹ trên toàn bộ kỳ hạn, đi kèm xu hướng bear steepening (lợi suất kỳ hạn dài tăng nhanh hơn kỳ hạn ngắn, thường cho thấy thị trường lo ngại về lạm phát trong dài hạn và khả năng ngân hàng trung ương sẽ duy trì chính sách thắt chặt lâu hơn dự kiến).

Chỉ số DXY tiếp đà tăng, chạm mốc cao nhất trong hai tuần nhưng nhìn chung vẫn dao động trong biên độ giao dịch gần đây. AUD/USD chạm đáy mới trong năm 2024, đồng thời ghi nhận mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 11/2023.

Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ lấy lại đà tăng sau khoảng nghỉ ngắn đầu tuần. Kết phiên hôm qua, chỉ số S&P 500 tăng 0.9%, xóa nhòa toàn bộ mức giảm của hai phiên liền trước; trong khi NASDAQ tăng đến 1.8%, xác lập mức cao kỷ lục mới.

Ở mặt trận khác, chỉ số ASX 200 (Úc) giảm 0.5% trong phiên giao dịch hôm qua. Sự hưng phấn ban đầu trên thị trường chứng khoán trước những bình luận tích cực từ Bộ Chính trị Trung Quốc đã lắng xuống, với chỉ số Hang Seng và CSI 300 thoái lui về gần vùng sideway của tuần trước sau một phiên giảm điểm nữa vào hôm qua.

Lợi suất

Hiện tại, thị trường đã nâng xác suất Fed cắt giảm lãi suất vào tuần tới lên khoảng 97% sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ khớp với kỳ vọng. Dẫu vậy, xu hướng giảm của lạm phát có dấu hiệu chững lại sẽ làm dấy lên nhiều câu hỏi hơn nữa về tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2025.

Song, thị trường trái phiếu dường như đã chú trọng vào điểm này, với lợi suất tăng nhẹ trên toàn bộ kỳ hạn trong xu hướng bear steepening. Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 2 năm nhích nhẹ 1 bps lên 4.16%, trong khi kỳ hạn 10 năm tăng 4 bps lên 4.27%.

Hợp đồng tương lai TPCP Úc giảm nhẹ ở cả kỳ hạn 3 năm và 10 năm, xuống lần lượt 3.74% và 4.21%. Sau những thay đổi hơi hướng “ôn hòa” trong lập trường chính sách tiền tệ gần đây, thị trường đã gia tăng đặt cược với xác suất khoảng 68% vào việc Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 02/2025. Kỳ vọng về hai lần cắt giảm lãi suất trước tháng 5 cũng đã được thị trường định giá đầy đủ.

Ngoại hối

USD áp đảo hầu hết các đồng tiền chủ chốt, với chỉ số DXY chạm mức cao nhất trong hai tuần là 106.80 trước khi giảm nhẹ về đóng cửa tại 106.62. Rủi ro xoay quanh cuộc họp của Fed vào tuần tới đang trở nên khá chắc chắn khi định giá thị trường gần như nghiêng hẳn về phía cắt giảm lãi suất. Mặc dù vậy, trọng tâm giờ đây sẽ nằm ở tốc độ nói lỏng trong năm 2025, chứ không phải bản thân quyết định cắt giảm sắp tới, trừ khi có bất ngờ. Hiện tại, thị trường đã phần nào định giá một nhịp độ nới lỏng chậm hơn trong năm 2025 với tổng cộng khoảng 60 bps cắt giảm cho cả năm.

AUD/USD chạm đáy mới của năm 2024, kiểm tra các ngưỡng hỗ trợ được nhìn thấy lần cuối vào tháng 11/2023 quanh mức 0.6337. Dù vậy, đà giảm này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và AUD/USD hiện đã phục hồi trở lại quanh mức 0.6380 tại thời điểm viết bài. Đáng nói, triển vọng tăng của AUD dường như khá mờ nhạt, và đồng tiền này có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những ngày tới, đặc biệt nếu thông tin từ Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương (CEWC) của Trung Quốc không đáp ứng được kỳ vọng.

Sau khi thử thách đỉnh của biên độ sideway gần đây vào cuối tuần trước, EUR/USD đã chịu áp lực bán trở lại và hiện vẫn giao dịch dưới ngưỡng 1.0500 sau khi chạm mức thấp 1.0480 đêm qua. Điều này phù hợp với bối cảnh ngày càng thách thức đối với EUR. Dự kiến Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ nới lỏng chính sách nhanh hơn nhiều so với các đồng nghiệp để hỗ trợ hoạt động kinh tế vốn đang yếu kém. Bên cạnh đó, bất ổn chính trị và một chương trình củng cố tài khóa quy mô lớn cũng đang làm gia tăng áp lực bán lên EUR.

Yên Nhật tiếp tục mất giá so với đồng bạc xanh. USD/JPY theo đó đã tăng từ 151.02 lên mức cao nhất trong hai tuần là 152.82. Các nhà giao dịch gần như đã từ bỏ kỳ vọng về việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tăng lãi suất vào tuần tới, và hiện tại, khả năng BoJ thực hiện điều này trước tháng 05/2025 là không cao. Điều này được củng cố bởi nhiều báo cáo cho thấy các quan chức BoJ tin rằng cái giá phải trả đối với việc trì hoãn tăng lãi suất là không đáng kể.

Hàng hóa

Dầu thô tăng giá khi OPEC đưa ra dự báo cắt giảm sâu nhất về nhu cầu dầu thô. Đây đã là lần thứ năm liên tiếp OPEC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu trong năm nay và năm tới. Cụ thể, tổ chức này đã hạ dự báo thêm 210,000 thùng/ngày, xuống còn 1.6 triệu thùng/ngày, tương đương mức giảm 27% kể từ tháng 7. Mặt khác, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy kho dự trữ dầu thô của nước này đã giảm nhiều hơn dự kiến vào tuần trước, với mức giảm 1.43 triệu thùng. Hợp đồng tương lai dầu thô WTI và Brent kết phiên hôm qua tăng hơn 2%, lên mức tương ứng là 70.30 và 73.25 USD/thùng.

Giá quặng sắt tiếp tục dao động quanh ngưỡng 105 USD/tấn sau khi đánh mất toàn bộ mức tăng ban đầu nhờ những bình luận hồi đầu tuần từ Bộ Chính trị Trung Quốc, vốn được xem là ủng hộ chính sách tài khóa mạnh mẽ hơn.

Nhịp đập vĩ mô

Úc

Phó Thống đốc RBA - Andrew Hauser, đã có bài phát biểu chiều qua về những tác động tiềm tàng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với nền kinh tế Úc. Do chi tiết về chính sách thuế quan của ông Trump còn hạn chế, và biện pháp trả đũa từ các quốc gia bị ảnh hưởng vẫn chưa rõ ràng, nên có rất nhiều kịch bản khác nhau, có thể tích cực, tiêu cực hoặc chưa thể xác định đối với tăng trưởng và lạm phát của Úc. Đặt trong bối cảnh đó, ông Hauser nhấn mạnh rằng "điều quan trọng là chúng ta không nên vội vàng đánh giá tác động của thuế quan đối với chính sách mà cần theo dõi sát sao diễn biến và sẵn sàng ứng phó phù hợp khi có thêm thông tin cụ thể".

Mặc dù bài phát biểu đã được chuẩn bị từ trước của ông Hauser không đề cập đến các vấn đề chính sách tiền tệ, nhưng cũng không có gì ngạc nhiên khi đây lại là chủ đề nóng trong phần hỏi đáp sau đó. Các câu trả lời của ông nhìn chung khá thận trọng. Dù vậy, một câu hỏi sắc bén về sự thay đổi trong định hướng của RBA và phản ứng tương ứng của thị trường đã hé lộ thêm một số chi tiết.

Hauser nhận định rằng RBA có thể vẫn sẽ thay đổi định hướng theo cách tương tự ngay cả khi không có dữ liệu mới nào trong khoảng thời gian trống giữa các cuộc họp, mặc dù ông bổ sung rằng số liệu Tài khoản Quốc gia yếu kém rõ ràng đã củng cố động lực cho sự thay đổi này. Điều thú vị là, dường như ông cũng có sự đồng tình với việc thị trường tái định hình kỳ vọng, mặc dù chưa rõ liệu đây chỉ đơn giản là một tín hiệu xác nhận rằng phản ứng của thị trường không nằm ngoài dự đoán của RBA hay không.

Mỹ

Chỉ số CPI của tháng 11 đúng như dự báo. Cả chỉ số toàn phần và lõi đều tăng 0.3% so với tháng trước, tương ứng với mức tăng so với cùng kỳ lần lượt là 2.7% và 3.3%, gần như không thay đổi so với tháng 10.

Lạm phát lõi hàng tháng tiếp tục neo ở mức 0.3% sau một giai đoạn dài hạ nhiệt, nhưng kết quả này dường như xuất phát chủ yếu từ việc giá xe ô tô và xe tải đã qua sử dụng tăng mạnh, khi người dân thay thế phương tiện sau những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gần đây. Lạm phát giá nhà ở hạ nhiệt còn 0.3% trong tháng 11, trong khi lạm phát giá năng lượng không đổi. Mặt khác, lạm phát dịch vụ y tế vẫn ở mức cao do chi phí đầu vào cho lĩnh vực này liên tục tăng.

Mặc dù dữ liệu này một lần nữa khẳng định rằng việc thắt chặt chính sách mạnh tay đã không còn cần thiết, ủng hộ cho động thái cắt giảm lãi suất vào tuần tới, nhưng những dấu hiệu cho thấy xu hướng giảm của lạm phát đang chững lại sẽ được xem xét kỹ lưỡng để đánh giá tốc độ nới lỏng tiền tệ trong năm 2025.

Westpac IQ

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ