Action Forex: Nghịch lý – Việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6 có thể gây ra sự hoang mang cho thị trường thay vì xoa dịu!

Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.

Sơ lược diễn biến thị trường
Nhìn chung, thị trường ngoại hối tiếp tục lưỡng lự, với các đồng tiền chính chủ yếu dao động trong biên độ hẹp. Đồng Yên (JPY) đang có dấu hiệu phục hồi nhẹ sau khi số liệu CPI của Tokyo được công bố tăng mạnh hơn dự kiến, với lạm phát lõi (loại trừ thực phẩm tươi sống và năng lượng) ở mức 2.2% so với cùng kỳ (svck). Tuy nhiên, JPY vẫn là đồng tiền có hiệu suất kém nhất trong tuần qua, phản ánh tâm lý bất an bao trùm về động thái tiếp theo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).
Song, mức tăng vọt của giá gạo (92.4% svck) có thể sẽ bị BoJ bỏ qua, coi đó chỉ là cú sốc tạm thời do vấn đề cung ứng. Yếu tố then chốt trong việc định hướng chính sách là liệu xu hướng tăng của giá thuê nhà và lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ, vốn được thúc đẩy bởi việc tăng lương, có thể duy trì được hay không.
Đồng thời, biên bản họp của BoJ cho thấy rõ sự e ngại của các thành viên Hội đồng quản trị về những rủi ro giảm phát đến từ chính sách thuế quan của Mỹ và bất ổn kinh tế toàn cầu. Mặc dù BoJ vẫn đang trên lộ trình hướng tới việc tiếp tục tăng lãi suất, thời điểm của bước đi tiếp theo vẫn còn là một ẩn số. Ngân hàng trung ương này hoàn toàn có thể chọn cách trì hoãn hành động để có thêm thời gian đánh giá một cách toàn diện hơn tác động của các chính sách thương mại toàn cầu đến nền kinh tế.
Cách tiếp cận thận trọng này cũng được phản ánh trong chiến lược của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khi các nhà hoạch định chính sách phát đi thông điệp cần kiên nhẫn giữa “màn sương mù dày đặc” của sự bất định. Các yếu tố như thuế quan, kỳ vọng lạm phát và tâm lý tiêu dùng ảm đạm – tất cả đều góp phần khiến Fed phải duy trì thế “án binh bất động”. Dù thị trường vẫn nghiêng về khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6, nhưng các thông điệp gần đây từ phía ngân hàng trung ương này ngày càng cho thấy việc nới lỏng chính sách khó có thể diễn ra trong ngắn hạn.
Một nghịch lý là, nếu Fed quyết định cắt giảm lãi suất vào tháng 6, động thái này có thể gây ra sự hoang mang cho thị trường thay vì xoa dịu. Đợt cắt giảm lãi suất đó có thể bị diễn giải không phải là một hành động nới lỏng chủ động, mà là phản ứng trước những yếu kém tiềm ẩn nghiêm trọng hơn trong nền kinh tế.
Ở một diễn biến khác, vàng tiếp tục thu hút sự chú ý khi đà tăng kỷ lục vẫn chưa dừng lại. Về mặt kỹ thuật, kim loại quý này dường như phớt lờ ngưỡng kháng cự mạnh ứng với đường biên trên của kênh tăng trung hạn. Nếu phe mua có thể giữ giá vàng duy trì giao dịch trên ngưỡng này, cửa tăng trong trung hạn sẽ càng rộng mở. Khi đó, mục tiêu tiền năng tiếp theo sẽ là ngưỡng Fibonacci mở rộng 100% (2,584 - 2,956 - 2,832) tại 3,204. Ngược lại, nếu giá vàng xuyên thủng ngưỡng 3,012, đây rất có thể là tín hiệu khởi đầu của một nhịp điều chỉnh giảm về vùng hỗ trợ 2,832 - 2,956.
Đồ thị giá vàng (XAU/USD - USD/oz) khung 1D
Một số tin tức nổi bật gần đây
CPI lõi của Tokyo tăng lên 2.4% do giá lương thực và giá thuê nhà leo thang
CPI lõi của Tokyo (không bao gồm thực phẩm tươi sống) đã tăng từ 2.2% lên 2.4% svck trong tháng 3, vượt mức dự báo 2.2%. Đáng chú ý hơn là mức tăng của CPI lõi loại trừ cả thực phẩm và năng lượng, từ 1.9% lên 2.2% svck, cho thấy lạm phát đang nóng lên trên diện rộng. Lạm phát toàn phần cũng tăng từ 2.8% lên 2.9% svck.
Động lực chính đằng sau sự tăng vọt này là giá thực phẩm, đạt 5.6% svck, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 01/2024. Đặc biệt, giá gạo tăng chóng mặt 92.4% svck, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1976. Lĩnh vực dịch vụ cũng góp phần vào áp lực lạm phát, tăng từ 0.6% svck trong tháng 2 lên 0.8% vào tháng 3. Giá thuê nhà, một thành phần không kém quan trọng, tăng 1.1% svck, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994.
Biên bản họp của BoJ nhấn mạnh rủi ro từ thuế quan, nhưng kế hoạch bình thường hóa chính sách vẫn được duy trì
Biên bản cuộc họp tháng 3 của BoJ cho thấy những lo ngại ngày càng tăng về hậu quả từ chính sách thương mại của Mỹ, đặc biệt là nguy cơ các mức thuế mới có thể gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế thực của Nhật Bản.
Một thành viên Hội đồng quản trị cảnh báo rằng rủi ro suy thoái từ chính sách thương mại của Mỹ đã "gia tăng nhanh chóng". Nếu vấn đề thuế quan trở nên nghiêm trọng hơn, nó có thể gây ra "tác động tiêu cực" đến nền kinh tế thực của Nhật Bản. BoJ nên "đặc biệt thận trọng" khi xem xét việc tăng lãi suất nếu căng thẳng thương mại leo thang. Các thành viên khác cũng bày tỏ niềm quan ngại tương tự, liên quan đến sự bất định ngày càng tăng từ các mối đe dọa thuế quan, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và sự cạnh tranh gay gắt bởi các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc.
Điều này cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang theo dõi sát sao ảnh hưởng của các yếu tố này lên kỳ vọng lạm phát, tăng trưởng tiền lương và đầu tư, đặc biệt là tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Một ý kiến riêng cho rằng khi lạm phát CPI lõi tiến gần đến mục tiêu 2%, BoJ nên chuẩn bị chuyển đổi từ chính sách nới lỏng sang "trung lập". Nhìn chung, BoJ vẫn chung thủy với con đường bình thường hóa chính sách, dựa trên triển vọng lạm phát, nhưng những diễn biến gần đây trong thương mại toàn cầu và tình hình của các doanh nghiệp trong nước sẽ quyết định tốc độ và thời điểm của bước đi tiếp theo.
Chủ tịch Fed Richmond: Khi “tầm nhìn bằng không”, hãy tấp xe vào lề và bật đèn báo hiệu nguy hiểm
Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond – Tom Barkin, nhận định rằng những thay đổi chính sách nhanh chóng của chính quyền mới, đặc biệt là liên quan đến thuế quan, đã tạo ra một “bức màn sương mù dày đặc” của sự bất định. Ông thừa nhận lạm phát cao gần đây có thể khuếch đại tác động của các mức thuế quan mới, nhưng lưu ý rằng bức tranh vẫn chưa rõ ràng do thiếu thông tin về mức thuế quan cuối cùng và phản ứng của các bên liên quan trên toàn cầu.
Barkin cảnh báo rằng sự bất định gia tăng này đang ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường. Ông giải thích rằng để người tiêu dùng và doanh nghiệp sẵn sàng chi tiêu và đầu tư, "họ cần một mức độ tin tưởng nhất định". Nếu không, nhu cầu có thể suy giảm, đặc biệt là khi thị trường phải loay hoay giữa những bất ổn liên quan đến thay đổi chính sách và diễn biến địa chính trị.
"Đây không phải là kiểu sương mù 'khó dự báo' thông thường," ông nói, "mà là kiểu 'tầm nhìn bằng không, hãy tấp xe vào lề và bật đèn báo hiệu nguy hiểm'." Vì lẽ đó, Barkin cho rằng lập trường hiện tại của Fed về việc duy trì chính sách tiền tệ ở trạng thái hạn chế vừa phải vẫn phù hợp. "Chúng tôi đang chờ màn sương tan," ông kết luận.
Chủ tịch Fed Boston ủng hộ “sự kiên nhẫn có chủ động” với lãi suất
Chủ tịch Fed chi nhánh Boston – Susan Collins, bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối cho quyết định giữ nguyên lãi suất vào tuần trước. Bà cho rằng tình trạng bất ổn kinh tế và rủi ro lạm phát hiện tại đòi hỏi Fed phải có cách tiếp cận thận trọng.
Collins cho biết với những rủi ro lạm phát vẫn còn hiện hữu, duy trì chính sách hiện tại "trong thời gian dài hơn" là điều hợp lý. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của "sự kiên nhẫn có chủ động" và sự linh hoạt khi Fed theo dõi sát sao diễn biến của nền kinh tế.
Một trong những yếu tố quan trọng đang che mờ triển vọng hiện nay chính là thuế quan. Collins thừa nhận rằng thuế quan mới gần như chắc chắn sẽ đẩy lạm phát lên cao trong ngắn hạn. Tuy nhiên, tác động dài hạn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào phản ứng của những quốc gia khác và liệu các doanh nghiệp có chuyển gánh nặng chi phí sang người tiêu dùng hay không. Những yếu tố này sẽ quyết định liệu cú sốc lạm phát chỉ mang tính nhất thời hay sẽ kéo dài.
Phân tích kỹ thuật USD/JPY
Về cơ bản, triển vọng của USD/JPY không thay đổi và xu hướng trong ngày vẫn trung lập. Nhịp hồi từ 146.52 chủ yếu chỉ mang tính kỹ thuật, tuy nhiên, trong trường hợp cặp tiền tiếp tục tăng, ngưỡng kháng cự mạnh cần chú ý sẽ là 150.92. Việc break-out mốc này sẽ báo hiệu đà giảm từ 158.86 đã kết thúc và xu hướng có thể chuyển sang tăng, hướng tới ngưỡng kháng cự tiếp theo tại 154.79. Ngược lại, nếu hỗ trợ 149.53 bị xuyên thủng, khả năng USD/JPY sẽ về kiểm định lại đáy của nhịp hồi ở mức 146.52. Sau đó, nếu tiếp tục để thủng cả ngưỡng Fibonacci thoái lui 61.8% (139.57 - 158.86) tại 146.32, nhịp giảm từ 158.86 khả năng sẽ tiếp tục hướng về hỗ trợ 139.57.
Đồ thị USD/JPY khung 4H
Xét trên bình diện rộng hơn, xu hướng giảm từ 161.94 có thể xem là một mô hình điều chỉnh trong xu hướng tăng với điểm xuất phát là đáy năm 2021 tại 102.58, và nhịp giảm từ 158.86 là sóng thứ ba. Vùng hỗ trợ mạnh được dự đoán sẽ hình thành quanh ngưỡng Fibonacci thoái lui 38.2% (102.58 - 161.94) tại 139.26. Vì vậy, nếu phe mua thất thủ tại vùng này, khả năng giảm sâu hơn trong trung hạn sẽ mở ra, hướng về ngưỡng Fibonacci thoái lui 61.8% tại 125.25.
Đồ thị USD/JPY khung 1D
Action Forex