BoJ để ngỏ khả năng tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất trước rủi ro từ chính sách thuế của Mỹ

Trà Giang
Junior Editor
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đang để ngỏ khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ trong bối cảnh các chính sách thương mại gây tranh cãi từ Hoa Kỳ có nguy cơ tạo ra làn sóng chấn động tới nền kinh tế xuất khẩu phụ thuộc cao của Nhật Bản.

Phát biểu trên tờ Sankei ngày 16/4, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda cho biết ngân hàng sẵn sàng hành động nếu các biện pháp thuế quan từ chính quyền Tổng thống Donald Trump gây tác động tiêu cực lên hoạt động kinh tế quốc nội.
Theo ông Ueda, rủi ro chính sách từ Hoa Kỳ, đặc biệt là các đợt tăng thuế mới, đã “tiến gần hơn đến kịch bản xấu” mà BoJ từng đưa ra trong các mô phỏng kinh tế từ đầu năm. Những diễn biến gần đây đã ảnh hưởng rõ rệt đến niềm tin doanh nghiệp cũng như tâm lý tiêu dùng của người dân Nhật Bản. Dù BoJ vẫn giữ lập trường sẽ nâng lãi suất “với tốc độ hợp lý” nếu kinh tế và lạm phát tiến triển như dự báo, ông nhấn mạnh rằng ngân hàng sẽ "xem xét kỹ lưỡng, không thiên kiến" về mức độ ảnh hưởng từ thuế quan Mỹ và “có thể cần phản ứng chính sách phù hợp nếu điều kiện đòi hỏi”.
Phát biểu này được đưa ra chỉ hai tuần trước cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của BoJ (ngày 30/4 – 1/5), nơi ngân hàng dự kiến công bố các dự báo tăng trưởng và lạm phát mới trong quý II. Theo các chuyên gia thị trường, khả năng BoJ giữ nguyên mức lãi suất hiện tại là 0.5% đang ngày càng cao. Ông Yusuke Matsuo – chuyên gia kinh tế thị trường tại Mizuho Securities – nhận định rằng mặc dù BoJ vẫn hướng tới việc tăng lãi suất, “kịch bản nâng lãi suất sẽ diễn ra muộn hơn – có thể vào tháng 9 thay vì tháng 7 – nếu rủi ro từ bên ngoài tiếp tục gia tăng.”
Ông Ueda cũng cảnh báo rằng việc Hoa Kỳ áp thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu – trong đó có thể bao gồm cả linh kiện công nghệ và ô tô Nhật Bản – có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, làm giảm mức chi tiêu hộ gia đình do lo ngại về tăng trưởng kinh tế. “Tác động từ thị trường chứng khoán hay biến động tỷ giá là khó đoán, nhưng chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ các kênh truyền dẫn ảnh hưởng này đến nền kinh tế thực,” ông cho biết thêm.
Về mặt giá cả, ông Ueda kỳ vọng lạm phát thực phẩm sẽ dần giảm tốc, trong khi tăng trưởng thực tiền lương sẽ chuyển sang xu hướng dương từ giữa năm và tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý các rủi ro hai chiều với triển vọng giá cả: việc chi phí sinh hoạt tăng có thể làm giảm tiêu dùng và hạ nhiệt lạm phát, trong khi gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc giá lương thực tiếp tục neo cao có thể khiến lạm phát vượt dự báo.
Đáng chú ý, BoJ sẽ sử dụng cả dữ liệu định lượng lẫn kết quả khảo sát doanh nghiệp khi đưa ra các dự báo kinh tế và giá cả mới vào tháng 5. Đây là dấu hiệu cho thấy BoJ đang theo đuổi một phương pháp đánh giá toàn diện hơn nhằm đối phó với một môi trường chính sách toàn cầu ngày càng bất ổn.
Sau hơn một thập kỷ thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ cực đoan, BoJ đã chấm dứt chương trình kích thích quy mô lớn và nâng lãi suất lần đầu tiên lên 0.5% – với kỳ vọng Nhật Bản đang dần tiến tới mục tiêu lạm phát bền vững 2%. Tuy nhiên, các biện pháp thương mại cứng rắn từ Washington đang đẩy ngân hàng trung ương Nhật Bản vào thế lưỡng nan: một mặt cần tiếp tục bình thường hóa chính sách, mặt khác lại phải bảo vệ đà phục hồi kinh tế còn mong manh.
Trong bối cảnh đó, Tokyo đã bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại song phương với Washington trong tuần này, với hy vọng đạt được một số nhượng bộ về thuế quan. Được biết, ông Ueda cũng sẽ tham dự các cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington vào tuần tới, nơi tác động lan tỏa của chính sách thuế Mỹ sẽ là một trong những chủ đề nóng nhất được thảo luận.
Reuters