Châu Âu lâm thế khó trong cuộc chiến thương mại với Mỹ

Trà Giang
Junior Editor
Dưới nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump – vốn được quảng bá là thời kỳ "Kỷ nguyên Hoàng kim mới" cho nước Mỹ – những gì đang diễn ra lại cho thấy một bước ngoặt khác: sự suy yếu rõ rệt của trật tự phương Tây.

Khi Nhà Trắng chính thức phát động chiến tranh thương mại trên quy mô toàn cầu, không chỉ giới hạn quyền lực thực tế của Mỹ bị phơi bày mà cả các liên minh và thể chế quốc tế do Mỹ dẫn dắt cũng bị xói mòn nghiêm trọng. Đáng lo ngại hơn, những đồng minh thân cận nhất như Liên minh châu Âu (EU) tỏ ra bất lực trước những thiệt hại mà chính sách đối đầu của Mỹ gây ra, và không thể đóng vai trò thay thế trong việc kiến tạo lại một trật tự thế giới dựa trên luật lệ.
Trên khía cạnh kinh tế, những tổn thất trực tiếp do căng thẳng thuế quan có thể vẫn nằm trong tầm kiểm soát, ít nhất là với nền kinh tế quy mô lớn và linh hoạt như Mỹ. Tuy nhiên, các hậu quả địa chính trị lại sâu sắc và khó đảo ngược hơn. Thỏa thuận thương mại đầu tiên mà Mỹ ký kết trong nhiệm kỳ này – với Vương quốc Anh – chỉ mang tính biểu tượng và mỏng về nội dung, hoàn toàn có thể đổ vỡ bất kỳ lúc nào. Trong khi đó, các cuộc đàm phán với Trung Quốc, EU và nhiều đối tác khác vẫn ở giai đoạn sơ khai, dù Trump đã tạm thời dịu giọng khi các nước bắt đầu cân nhắc phương án trả đũa. Thị trường tài chính, với vai trò như "quốc hội thứ hai", đã bác bỏ những đòn tấn công đầu tiên của Trump, buộc Nhà Trắng phải hiệu chỉnh cách tiếp cận để tránh kích hoạt hoảng loạn trên thị trường. Điều này cho thấy những lời đe dọa từ Washington giờ đây không còn đáng tin như trước.
Tuy vậy, một điều đã trở nên rõ ràng: không còn đường quay lại trạng thái ổn định trước đây. Sự vắng mặt của Mỹ trên vai trò lãnh đạo thế giới đã tạo ra khoảng trống quyền lực mà phương Tây không thể dễ dàng bù đắp. Dù EU từng hy vọng sẽ nổi lên như người kế nhiệm tự nhiên để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, nhưng nội bộ chia rẽ cùng với năng lực chính trị và quân sự hạn chế khiến khả năng này trở nên viển vông.
Về mặt kinh tế, EU vẫn là một thế lực lớn. Tính theo ngang giá sức mua (PPP), nền kinh tế châu Âu có quy mô tương đương Mỹ. Dù tỷ trọng GDP toàn cầu của cả hai đều đã giảm về mức khoảng 15% do sự trỗi dậy của Trung Quốc (lên khoảng 20%), EU vẫn có cơ sở vững chắc để phản ứng trước sức ép từ Mỹ. Thêm vào đó, chính sách hạ giá đồng USD một cách công khai của Mỹ đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng euro thực hiện tham vọng trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu – điều mà châu Âu luôn mong muốn nhằm hưởng lợi từ “đặc quyền vay mượn giá rẻ”. Việc Trump cho thấy ông có thể lùi bước trước sức ép, ít nhất trong ngắn hạn, tưởng chừng là thời điểm lý tưởng để EU khẳng định vị thế.
Kinh tế gia Paul De Grauwe thậm chí còn đề xuất một giải pháp táo bạo: EU và Trung Quốc nên phối hợp, từ chối đàm phán và tung ra các biện pháp trả đũa tương xứng nhằm gây áp lực trực tiếp lên các ngành xuất khẩu chủ lực của Mỹ như công nghệ cao và dịch vụ kỹ thuật số. Theo ông, điều này sẽ kích hoạt phản ứng trong nước từ các doanh nghiệp xuất khẩu, người tiêu dùng lo ngại lạm phát do thuế, và các nhà đầu tư bất an trước rủi ro thị trường. Một liên minh trả đũa như vậy, nếu diễn ra, có thể khiến chính sách của Trump lung lay từ bên trong.
Tuy nhiên, lập luận này thiếu một yếu tố cốt lõi: độ tin cậy của lời đe dọa. Đe dọa chỉ có tác dụng khi chúng có khả năng thực thi – và trong trường hợp này, EU có vẻ thiếu cả ý chí lẫn khả năng để đi đến cùng trong cuộc chơi trả đũa. Trong khi Trump vẫn có thể sử dụng các biện pháp trừng phạt phi thương mại, châu Âu gần như không có lựa chọn đối ứng hiệu quả. Về quân sự, EU vẫn phụ thuộc nặng nề vào sự bảo trợ của Mỹ – điều mà Trump liên tục công kích. Trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine vẫn chưa kết thúc và Trung Quốc ngày càng mạnh bạo về chính sách đối ngoại, việc Mỹ đe dọa rút lại cam kết an ninh là rủi ro mà châu Âu không thể bỏ qua. Dù EU đã có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng, việc thay thế vai trò của Mỹ sẽ cần nhiều năm, nếu không nói là nhiều thập kỷ.
Vấn đề lớn hơn lại nằm ở khủng hoảng chính trị nội bộ. EU chia rẽ sâu sắc trong gần như mọi vấn đề: từ đối phó với Trump, đối sách với Trung Quốc, đến việc có nên mở rộng khối hay tiến tới hội nhập sâu hơn về chính trị và kinh tế. Những bất đồng về mức độ đóng góp tài chính, năng lực phòng thủ, hay định hình chính sách thương mại khiến EU khó có thể đưa ra phản ứng thống nhất. Thêm vào đó, các rạn nứt chính trị tại Pháp, Đức và Ý tiếp tục làm suy yếu tính gắn kết của khối, tạo ra cơ hội để Trump khai thác.
Liệu việc “đối đầu với Trump” có thể trở thành nguyên tắc thống nhất mới cho EU? Gần như không. Thực tế, châu Âu vẫn cần Mỹ nhiều hơn là Mỹ cần châu Âu. Cách tiếp cận khả thi nhất hiện nay là giảm thiểu tối đa thiệt hại, chấp nhận nhượng bộ có chọn lọc, và âm thầm xây dựng mạng lưới hợp tác quốc tế không phụ thuộc vào Mỹ. Về mặt lý thuyết, các nhượng bộ mở cửa thị trường cho hàng Mỹ – dù bị ép buộc – vẫn có thể mang lại lợi ích thực tế cho người tiêu dùng châu Âu. Tuy mang tiếng là nhượng bộ dưới áp lực từ một tổng thống ưa bảo hộ, đây vẫn là những cải cách tích cực.
Dĩ nhiên, tất cả chỉ là nỗ lực giảm thiểu thiệt hại, không phải là một chiến lược đối trọng lâu dài. Như lời Joseph Nye – cha đẻ khái niệm “sức mạnh mềm” – trong một bài viết trước khi ông qua đời: một nhà lãnh đạo thực sự theo chủ nghĩa hiện thực sẽ không bao giờ đánh mất các giá trị tự do và công cụ mềm. Những nguyên tắc đó, dưới thời Trump, đã bị dễ dàng gạt bỏ. Và nếu còn hy vọng có thể khôi phục lại chúng, thì con đường phía trước chắc chắn sẽ đầy rẫy thách thức.
Bloomberg