Chủ tịch Fed New York cảnh báo cần hành động sớm nếu lạm phát lệch mục tiêu

Huyền Trần
Junior Analyst
Chủ tịch Fed New York John Williams kêu gọi các ngân hàng trung ương phản ứng kịp thời để ngăn lạm phát trở nên dai dẳng, nhấn mạnh rủi ro từ kỳ vọng thị trường bị sai lệch. Ông cũng chỉ ra rằng sự bất ổn từ chính sách thương mại và thuế quan đang làm gia tăng thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ.

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, ông John Williams, ngày thứ Tư cho biết các ngân hàng trung ương cần phản ứng một cách "tương đối mạnh mẽ" khi lạm phát bắt đầu lệch khỏi mục tiêu, nhằm tránh nguy cơ xu hướng này trở nên dai dẳng và khó đảo ngược.
Phát biểu tại hội nghị các ngân hàng trung ương tổ chức ở Tokyo trong cuộc trao đổi với Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Ryozo Himino, ông Williams nhấn mạnh rằng trong bối cảnh bất ổn cao liên quan đến tác động kinh tế từ chính sách thương mại và thuế quan của Mỹ, nhiệm vụ của các ngân hàng trung ương là tránh những quyết định sai lầm có chi phí vượt xa lợi ích, thay vì cố tìm kiếm các giải pháp lý tưởng.
Theo ông Williams, một trong những rủi ro lớn nhất cần tránh là để kỳ vọng lạm phát trượt xa khỏi mục tiêu, bởi điều đó có thể gây ra những hậu quả lâu dài. Ông nhấn mạnh:“Cần ngăn chặn tình trạng lạm phát trở nên dai dẳng, bởi khi điều đó xảy ra, hậu quả có thể kéo dài rất lâu. Cách hiệu quả nhất để đối phó là hành động dứt khoát ngay khi lạm phát bắt đầu chệch hướng.”
Williams cho rằng thông thường, các cú sốc kinh tế không để lại ảnh hưởng lâu dài đến lạm phát miễn là kỳ vọng vẫn được duy trì. Tuy nhiên, các cú sốc nguồn cung – như đại dịch COVID-19 – có thể làm thay đổi cách công chúng nhìn nhận về giá cả trong tương lai. “Mức độ bất ổn đã tăng đáng kể. Chúng ta cần thừa nhận rằng kỳ vọng lạm phát có thể thay đổi theo hướng bất lợi bất cứ lúc nào,” ông cảnh báo.
Ông cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng trung ương không chỉ cần giữ ổn định kỳ vọng lạm phát dài hạn mà còn cần đảm bảo rằng kỳ vọng ngắn hạn vẫn “ổn định”, để kỳ vọng của công chúng dần quay trở lại gần với mục tiêu trong vòng vài năm tới.
Williams lưu ý rằng những chính sách thương mại bất nhất và các đợt áp thuế quy mô lớn từ chính quyền Tổng thống Donald Trump đã khiến nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ trở nên phức tạp hơn. Các ngân hàng trung ương đang phải cân bằng giữa việc kiểm soát áp lực giá cả mà không gây thiệt hại quá mức cho nền kinh tế vốn đã chịu ảnh hưởng từ hàng rào thuế quan.
Kể từ tháng 12, Fed đã giữ nguyên lãi suất chính sách trong vùng 4.25%-4.50%, khi các quan chức chờ đợi thêm dữ liệu rõ ràng về tác động của các chính sách thuế đối với nền kinh tế và lạm phát.
Bên cạnh đó, Williams cho biết các nhà hoạch định chính sách cũng đang đối mặt với những biến động thị trường do các tuyên bố khó lường từ ông Trump liên quan đến đàm phán thương mại với các đối tác quốc tế.
Ông dẫn ví dụ tháng 4 vừa qua, thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua các cú sốc mạnh và biến động lớn sau khi ông Trump công bố các biện pháp thuế trả đũa sâu rộng. Tuy nhiên, ông lưu ý thị trường không rơi vào trạng thái “sụp đổ”, mà vẫn duy trì được dòng chảy giao dịch giữa người mua và người bán – dấu hiệu cho thấy thị trường vẫn đang vận hành.
Cuối cùng, ông Williams khẳng định rằng mức dự trữ trong hệ thống tài chính Mỹ vẫn “rõ ràng là dồi dào” dựa trên các chỉ số theo dõi của Fed New York, đóng vai trò như một lớp đệm quan trọng giúp hấp thụ các cú sốc bất ngờ. “Khi đối mặt với những cú sốc lớn và bất ngờ, có một bộ đệm vững chắc luôn là điều cần thiết,” ông kết luận.
Reuters