Fed cần giữ vững lập trường giữa cơn bão thuế quan của Trump

Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
Trước sức ép từ thuế quan của Trump, thị trường kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất. Nhưng sau nhiều năm thất bại trong kiểm soát lạm phát, liệu Fed có nên tiếp tục nhượng bộ — hay đã đến lúc giữ vững lập trường và lấy lại niềm tin từ công chúng?

Sau khi Donald Trump chọn phương án áp thuế mạnh tay, làm gia tăng lo ngại về lạm phát đình trệ toàn cầu, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jay Powell, đã tuyên bố rõ ràng rằng ngân hàng trung ương sẽ chưa vội phản ứng. Tuy nhiên, thị trường lại đang kỳ vọng rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 4 lần trong năm nay, cho thấy rằng sớm hay muộn thì Fed cũng sẽ chọn kích thích tăng trưởng thay vì kiểm soát lạm phát.
Suốt năm năm qua, Fed liên tục không đạt mục tiêu lạm phát 2%, và theo chính các dự báo nội bộ, tình trạng này sẽ còn kéo dài ít nhất đến năm sau. Thế nhưng, người duy nhất phải trả giá về mặt chính trị lại là Tổng thống Joe Biden, trong khi Fed – cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát giá cả – vẫn chưa đối mặt với bất kỳ hậu quả rõ rệt nào.
Còn đối với các thành viên Ban Thống đốc Fed, họ liên tục đưa ra lý do cho việc không đạt mục tiêu lạm phát — gián đoạn chuỗi cung ứng do phong tỏa vì Covid, chi tiêu công ồ ạt trong đại dịch, và bây giờ là thuế quan. Hầu hết các nhà kinh tế đều chấp nhận các lý do này và tin vào lập luận của Fed rằng nếu điều chỉnh theo lạm phát, thì lãi suất hiện tại vẫn đang “thắt chặt”.
So với thời kỳ tiền rẻ kéo dài 15 năm qua, khi lãi suất thực âm lần đầu tiên xuất hiện, thì lãi suất thực của Fed hiện khoảng 1.8% đúng là trông có vẻ cao. Nhưng nếu so với các chuẩn mực trước năm 2009, thì mức này không thực sự cao và chưa đủ để kiềm chế lạm phát.
Dù xét theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hay chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thì lạm phát dai dẳng trong 5 năm qua đã xóa sạch lợi ích từ mức lạm phát thấp của 20 năm trước đó. Hiện tại, cả CPI và PCE đều cao hơn đáng kể so với mức mà chúng sẽ đạt được nếu Fed liên tục giữ được mục tiêu 2% từ đầu thế kỷ này.
Báo cáo PCE gần nhất cao hơn gần một điểm phần trăm so với mục tiêu của Fed. Thế nhưng các thống đốc Fed vẫn đang cân nhắc thời điểm cắt giảm lãi suất, với niềm tin rằng ảnh hưởng của thuế quan lên lạm phát trong năm nay chỉ là “tạm thời”.
Bằng chứng cho thấy Fed đang áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt là rất ít. Như báo cáo việc làm gần nhất cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp vẫn thấp và ổn định. Giá nhà ở Mỹ hiện cao kỷ lục so với thu nhập trung vị, khiến giấc mơ sở hữu nhà ngày càng xa vời. Dù thị trường tài chính có điều chỉnh gần đây, nhưng định giá tài sản vẫn cao, mà điều này chủ yếu có lợi cho giới siêu giàu.
Năm 2020, Fed từng xem xét khả năng để lạm phát vượt mục tiêu trong thời gian dài nhằm bù đắp cho các giai đoạn lạm phát thấp trước đó, nhưng lại không làm điều ngược lại. Sự thiên lệch “bất đối xứng” này đang đi sai hướng. Trong lịch sử, lạm phát tăng thường dẫn đến tăng trưởng chậm lại, trong khi lạm phát giảm thì không. Từ thời máy hơi nước, các công nghệ mới thường giúp tăng năng suất, nâng cao sản lượng và đồng thời kéo giá xuống.
Thực tế, thậm chí có thể lập luận rằng nên hạ mục tiêu lạm phát xuống dưới 2%. Mức 2% này thực chất bắt nguồn từ một nhận xét của một quan chức New Zealand vào những năm 1980, khi ông cố gắng thể hiện quyết tâm chống lạm phát — vốn khi đó đang ở mức rất cao trên toàn cầu.
Tín hiệu ấy phát huy hiệu quả: lạm phát toàn cầu hạ nhiệt, và mục tiêu 2% nhanh chóng trở thành chuẩn mực chính sách tiền tệ trên toàn thế giới. Thế nhưng, tại Mỹ, uy tín gắn với con số này đang phai nhạt. Sau nhiều năm không đạt được mục tiêu, Fed ngày càng bị nghi ngờ về cam kết kiểm soát lạm phát. Trong khi đó, nhiều ngân hàng trung ương khác vẫn giữ được sự kiên định, và lạm phát tại các quốc gia đó hiện đã tiến gần hơn với mục tiêu đề ra.
Vào tháng 9 năm ngoái, Fed đã tái khẳng định thiên lệch trong chính sách của mình khi cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, gấp đôi mức giảm mà thị trường dự đoán, chỉ sau vài dấu hiệu yếu đi trong thị trường lao động. Quyết định này đã đẩy giá cổ phiếu lên cao, nhưng cũng khiến lạm phát bắt đầu gia tăng trở lại. Không có gì ngạc nhiên khi thị trường hiện nay kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục phản ứng tương tự với các chính sách thuế của Trump, bằng cách cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng, mặc dù điều này có thể tạo ra những hệ quả không mong muốn về lạm phát.
Người dân Mỹ vẫn đang oằn mình chịu đựng giá cả leo thang. Các cuộc khảo sát cho thấy lạm phát là mối quan tâm hàng đầu của họ và niềm tin vào Fed đang giảm mạnh. Chính ông Powell cũng đã thừa nhận hôm thứ Sáu rằng có rủi ro kỳ vọng lạm phát tăng sẽ "cắm rễ". Sau khi nhiều năm không đạt mục tiêu, sẽ là một sai lầm nếu Fed coi tác động của thuế quan lên lạm phát chỉ là tạm thời và lại quay về chính sách kích thích kinh tế như cũ.
Financial Times