Giới đầu tư Phố Wall "săn lùng" dấu hiệu từ biểu đồ để dự đoán hướng đi của S&P 500

Quỳnh Chi
Junior Editor
Những biến động mạnh gần đây trên thị trường chứng khoán Mỹ - chủ yếu do những thay đổi đột ngột trong chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump - đã khiến nhiều nhà đầu tư tại Phố Wall tỏ ra bối rối.

Đối với các chuyên gia phân tích kỹ thuật như Daniel Kirsche thuộc Jefferies, những dao động thất thường này càng làm nổi bật tầm quan trọng của việc xác định các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự chủ chốt trên biểu đồ.
Theo đánh giá của ông, mức 5,500 điểm hiện là con số then chốt cần theo dõi - đây là ngưỡng mà S&P 500 cần đạt được để xóa bỏ một nửa mức sụt giảm 19% so với đỉnh lịch sử hồi tháng Hai. Kể từ khi đóng cửa dưới mức 5,000 điểm cách đây hai tuần và suýt rơi vào thị trường bear, chỉ số S&P 500 đã dần phục hồi - dù với nhịp điệu không đều - lên mức 5,376 điểm.
Giao dịch vượt trên ngưỡng 5,500 điểm - chỉ tương đương mức tăng khoảng 2% so với phiên đóng cửa hôm thứ Tư - không chỉ giúp xóa gần như toàn bộ khoản lỗ trong tháng Tư, mà còn báo hiệu cho Kirsche rằng các nhà giao dịch đang chuyển chiến lược từ "bán vào lúc thị trường hồi phục" sang "mua vào khi thị trường điều chỉnh".
"Thị trường càng kiểm định các mức kháng cự thường xuyên, xác suất vượt qua chúng càng cao," Trưởng bộ phận phân tích kỹ thuật tại Jefferies nhận định. Một khi vượt qua ngưỡng này, đà phục hồi hướng đến vùng 5,800-6,000 điểm "hoàn toàn khả thi."
Đối với các nhà giao dịch đang theo dõi mức thị trường có thể giảm xuống trong đợt bán tháo tiếp theo, ngưỡng 4,800 điểm là mức cần chú ý - thấp hơn khoảng 3.5% so với mức đáy từ đầu năm đến tháng Tư.
Jason Hunter, chiến lược gia tại JPMorgan, đánh giá thị trường dễ bị tổn thương trước đợt bán tháo trong khoảng này, hoặc thậm chí có thể giảm xuống mức thấp 4,500 điểm. "Chúng tôi cho rằng đợt kiểm tra lại này có khả năng thiết lập một đáy vững chắc hơn."
Theo John Kolovos, Trưởng chiến lược gia kỹ thuật tại Macro Risk Advisors, 4.800 điểm có thể là ngưỡng đáy. "Tuy nhiên, với xu hướng giảm gần đây, khả năng thị trường điều chỉnh xuống 4,700 điểm cao hơn, và không loại trừ việc kiểm định sâu hơn xuống vùng 4,480 hoặc thậm chí 4,300 điểm."
Tín hiệu thị trường đan xen
Các nhà giao dịch cũng đang theo dõi độ rộng thị trường, bởi số lượng cổ phiếu tham gia vào đà tăng ngày càng nhiều sẽ là dấu hiệu của xu hướng bền vững. Hiện tại, 31% cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 đang giao dịch trên đường trung bình động 200 ngày, cải thiện từ mức dưới 20% vào đầu tháng Tư.
"Phe tăng giá mong muốn tỷ lệ này tiệm cận 50%," JC O'Hara, Trưởng chiến lược gia kỹ thuật tại Roth Capital Partners nhận định.
Một chỉ báo khác được các nhà phân tích thị trường quan tâm là chỉ số RSI. Chỉ số này đã giảm xuống dưới 30 vào đầu tháng Tư, phản ánh tình trạng bán quá mức, nhưng trong đợt hồi phục sau đó, RSI vẫn chưa đạt đến vùng mua quá mức - vốn thường báo hiệu niềm tin của người mua đang ở đỉnh điểm.
"Điều này cho thấy chỉ số còn nhiều dư địa để tiếp tục đà tăng," chuyên gia Kirsche của Jefferies kết luận.
Bloomberg