Kho dự trữ chiến lược Bitcoin - con dao hai lưỡi đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới?

Kho dự trữ chiến lược Bitcoin - con dao hai lưỡi đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới?

Trần Quốc Khải

Trần Quốc Khải

Junior Editor

11:29 03/12/2024

Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã đưa ra nhiều cam kết liên quan đến tiền điện tử, bao gồm việc thiết lập một “kho dự trữ chiến lược Bitcoin”. Ý tưởng này đã thu hút sự chú ý không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn ở nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, một lộ trình rõ ràng cùng thời gian cụ thể để triển khai kho dự trữ chiến lược Bitcoin vẫn chưa được các nhà lập pháp thống nhất.

Trao đổi với Cointelegraph, Tim Ogilive, người đứng đầu mảng tổ chức toàn cầu tại sàn giao dịch tiền điện tử Kraken, cho biết: “Về bản chất, việc thiết lập kho dự trữ chiến lược Bitcoin là một quy trình đơn giản. Chính phủ mua Bitcoin và bảo đảm lưu trữ nó với một đơn vị lưu ký đủ điều kiện. Điều này tương tự như cách các quốc gia quản lý các kho dự trữ chiến lược khác, chẳng hạn như vàng tại Fort Knox hoặc dầu trong các kho dự trữ quốc gia”.

“Bản chất kỹ thuật số của Bitcoin không làm thay đổi nguyên tắc cơ bản này - việc lưu trữ hàng hóa đòi hỏi hạ tầng và chuyên môn phù hợp về bảo mật”, Ogilive bổ sung.

Theo Ogilive, El Salvador và Bhutan đã chứng minh rằng việc xây dựng kho dự trữ là khả thi, cho thấy những rào cản chính không phải đến từ kỹ thuật hay thị trường.

Năm 2021, El Salvador đã thông qua Bitcoin làm tiền tệ hợp pháp và mua khoảng 200 đồng. Đến nay, quốc gia này đã tăng lượng Bitcoin nắm giữ lên 5,942 đồng, quy mô khoảng 571.6 triệu USD theo giá hiện tại.

Bhutan cũng xác nhận vào năm 2024 rằng vương quốc này đã khai thác Bitcoin từ tháng 4/2019 và hiện đang nắm giữ khoảng 12,206 Bitcoin, sau khi bán 367 đồng vào ngày 15/11, quy mô khoảng 117.9 triệu USD theo giá hiện tại.

Kho dự trữ Bitcoin không tránh khỏi “điểm yếu”

Tháng 7 vừa qua, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Cynthia Lummis đã trình dự luật nhằm thiết lập một kho dự trữ chiến lược Bitcoin. Bang Pennsylvania cũng đã đưa ra dự luật cho phép ngân khố bang giữ tới 10% tài sản dưới dạng Bitcoin.

Ứng cử viên tổng thống Ba Lan, Sławomir Mentzen, đã cam kết sẽ tạo kho dự trữ Bitcoin nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm tới. Một dự luật mới tại Quốc hội Brazil cũng đang hướng tới việc thiết lập kho dự trữ Bitcoin liên bang.

Mặc dù ý tưởng này có một số lợi ích, chẳng hạn như đóng vai trò là hàng rào chống lạm phát và giúp giảm nợ thông qua giá trị tăng trưởng, nhưng cũng đi kèm với những lo ngại.

Một số nhược điểm được cảnh báo bao gồm: sự biến động của thị trường có thể làm xói mòn giá trị của kho dự trữ, vấn đề lưu trữ Bitcoin an toàn để tránh bị hack hoặc mất cắp, và nguy cơ thất lạc các khóa riêng tư.

Ogilive cũng cho biết một vấn đề tiềm năng khác là sự tập trung quyền sở hữu. Nếu một chính phủ như Hoa Kỳ bắt đầu tích lũy một lượng lớn Bitcoin, điều này có thể ban đầu dẫn đến sự tập trung sở hữu. Tuy nhiên, về lâu dài, Ogilive tin rằng điều này có thể củng cố câu chuyện về Bitcoin như một “kho giá trị hàng đầu”.

Timothy Cradle, giám đốc bộ phận dịch vụ thanh toán blockchain xuyên biên giới Instarails, chia sẻ với Cointelegraph rằng mặc dù việc thiết lập kho dự trữ Bitcoin là khả thi, ông không chắc liệu sự can thiệp của chính phủ vào ngành tiền điện tử có suôn sẻ hay không.

Chính phủ đã không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tích cực cho ngành tiền mã hóa, với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) dưới thời chính quyền Biden gây ra không ít khó khăn cho các công ty tiền điện tử với số lượng kỷ lục các khoản phạt và hình phạt vào năm 2024.

“Nếu chính phủ Hoa Kỳ nắm giữ Bitcoin, thì họ sẽ có lợi ích trong việc điều chỉnh giá Bitcoin, điều này có thể dẫn đến việc họ thực hiện các chính sách để thao túng giá cả, tăng hoặc giảm, khi cần thiết”, Cradle nói. “Nếu quay lại năm 2022, Tổng thống Joe Biden đã tung ra 200 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược để giảm thiểu tình trạng giá tăng vọt do cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine”.

Cradle suy đoán rằng với một kho dự trữ Bitcoin chiến lược, tổng thống có thể đơn phương hạ giá Bitcoin theo cách tương tự. “Tôi cũng tò mò cách họ sẽ lấp đầy kho dự trữ”, ông nói thêm. “Nếu, như đã được thảo luận, họ chọn giữ lại Bitcoin bị tịch thu bởi Cục Quản lý Tư pháp Hoa Kỳ, điều này có thể tạo ra động cơ không lành mạnh để tăng cường các vụ tịch thu theo thời gian”, Cradle nhấn mạnh.

Chính phủ Hoa Kỳ hiện đã sở hữu khoảng 213,297 Bitcoin quy mô hơn 2 tỷ USD, được thu giữ qua các hoạt động, phần lớn từ việc đóng cửa chợ đen trực tuyến Silk Road vào năm 2013. Theo CoinGecko, các chính phủ trên toàn thế giới nắm giữ khoảng 2.2% tổng nguồn cung Bitcoin, tương đương khoảng 471,380 Bitcoin.

Việc tích lũy thêm Bitcoin cho kho dự trữ có thể gặp nhiều thách thức. Theo Blockchain Council, hiện đã có hơn 19.7 triệu Bitcoin được thưởng cho các thợ đào thông qua cơ chế phần thưởng khối.

Trong tài liệu kỹ thuật của Satoshi Nakamoto, người sáng lập ẩn danh của Bitcoin, chỉ rõ rằng tổng cung Bitcoin chỉ giới hạn ở mức 21 triệu đồng, điều này đồng nghĩa với việc phần lớn Bitcoin đã lưu hành trên thị trường.

Timothy Cradle, giám đốc tuân thủ tại Instarails, cho rằng mặc dù ý tưởng về một kho dự trữ Bitcoin là khả thi, ông nghi ngờ rằng nó sẽ được triển khai sớm do chưa có một cơ sở lý luận rõ ràng nào cho chính phủ Hoa Kỳ.

Ông đồng ý rằng lợi ích tiềm năng có thể bao gồm bảo đảm ổn định kinh tế và tăng cường an ninh quốc gia thông qua sự độc lập tài chính, nhưng nhấn mạnh rằng: “Liệu Bitcoin có hỗ trợ được các kết quả này hay không vẫn còn phải chờ xem”.

“Trong trường hợp tốt nhất, tôi chỉ mong đợi một sắc lệnh hành pháp để nghiên cứu khả năng thiết lập kho dự trữ, kèm theo báo cáo cuối cùng vào cuối năm với các khuyến nghị cụ thể”, Cradle nói thêm.

Chưa có lộ trình cụ thể cho kho dự trữ Bitcoin

Danh sách các công ty tích hợp Bitcoin vào bảng cân đối kế toán đang ngày càng tăng, bao gồm nền tảng Rumble, công ty trí tuệ nhân tạo Genius Group và công ty đầu tư Nhật Bản Metaplanet.

MicroStrategy của Michael Saylor dẫn đầu danh sách này, với lượng Bitcoin nắm giữ lên tới 386,700 đồng, quy mô khoảng 37 tỷ USD theo công cụ theo dõi danh mục đầu tư của công ty.

Steven Lubka, trưởng bộ phận khách hàng tư nhân tại nền tảng Swan Bitcoin, chia sẻ với Cointelegraph rằng một chính phủ muốn tạo kho dự trữ Bitcoin có thể có một số lựa chọn.

“Họ có thể chỉ giữ lượng Bitcoin mà họ đã sở hữu. Điều này có thể được thực hiện đơn giản thông qua một sắc lệnh của Tổng thống. Đây là cách dễ nhất. Thứ hai, họ có thể thiết lập kho dự trữ bằng cách chủ động mua Bitcoin dưới một mức nhất định; điều này cũng có thể được thực hiện dễ dàng bởi cơ quan hành pháp. Tuy nhiên, nếu muốn mua với số lượng lớn vượt ngưỡng hàng năm, họ sẽ cần sự đồng thuận của Quốc hội.”

Theo Lubka, việc thiết lập kho dự trữ Bitcoin gần như không có nhược điểm, mang lại nhiều lợi ích và có thể trở thành hiện thực do số lượng lớn các ứng cử viên ủng hộ tiền mã hóa đã được bầu vào Quốc hội Hoa Kỳ.

Hàng trăm ứng cử viên ủng hộ tiền mã hóa đã giành ghế tại Quốc hội, và các lãnh đạo ngành kỳ vọng chính phủ Hoa Kỳ sẽ trở thành chính quyền thân thiện với tiền mã hóa nhất trong lịch sử, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi hơn.

“Lợi ích của một kho dự trữ là giúp ổn định bảng cân đối ngân sách của Hoa Kỳ. Trong trường hợp thị trường TPCP gặp trục trặc hoặc có chiến tranh, nó sẽ giúp Hoa Kỳ tránh bị đối thủ làm suy yếu khả năng vận hành thị trường nợ”, Lubka nhấn mạnh.

“Đây là một lựa chọn chiến lược quan trọng cho quốc gia, và một điều mà hầu hết mọi người đều đánh giá thấp. Tôi nghĩ rằng nhược điểm là rất nhỏ vì chi phí thực hiện đối với Hoa Kỳ gần như không đáng kể”, ông nói thêm.

Kho dự trữ Bitcoin là bước đi mang tính chiến lược

Bil Qian, chủ tịch công ty đầu tư tiền mã hóa Cypher Capital, chia sẻ với Cointelegraph rằng một kho dự trữ Bitcoin chiến lược không chỉ khả thi mà còn là một bước đi chiến lược phù hợp với bối cảnh tài chính toàn cầu đang phát triển.

Báo cáo tháng 10 từ dịch vụ tài chính tiền điện tử MatrixPort cho thấy việc áp dụng tiền điện tử trên toàn cầu đang tiến gần một cột mốc quan trọng, với 7.51% dân số thế giới hiện đang sử dụng các loại tiền tệ kỹ thuật số.

“Các quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu trong lĩnh vực blockchain từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng chiến lược của Bitcoin đối với các quốc gia có chủ quyền, dẫn đến việc các nơi như Abu Dhabi ra mắt kho dự trữ thông qua quỹ tài sản có chủ quyền của mình từ năm 2022”, Qian cho biết.

“Khi các quốc gia có chủ quyền và các công ty niêm yết tiếp tục tham gia thị trường, giá trị của Bitcoin sẽ chỉ ngày càng được củng cố, điều này có thể dẫn đến sự tăng giá đáng kể”, ông kết luận.

ZeroHedge

Broker listing

Cùng chuyên mục

Tại sao Trung Quốc tự tin đương đầu với Trump trong chiến tranh thuế quan?
Quỳnh Chi

Quỳnh Chi

Junior Editor

Tại sao Trung Quốc tự tin đương đầu với Trump trong chiến tranh thuế quan?

Cuộc chiến thương mại đang leo thang với tốc độ đáng báo động. Ngày 8/4, giới chức Trung Quốc tuyên bố "chiến đấu đến cùng" đối mặt với những đe dọa mới từ Tổng thống Donald Trump được đưa ra chỉ vài giờ trước đó, sau khi Bắc Kinh đã cam kết đáp trả ngang bằng biện pháp thuế quan 34% của Washington. Với mức tăng này, thuế suất của Trung Quốc áp dụng cho hàng nhập khẩu Mỹ sẽ tăng vọt lên 70%. Cùng ngày, Nhà Trắng xác nhận sẽ phản công bằng mức thuế quan lên tới 104% đối với hàng hóa Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 9/4.
Báo cáo thị trường năng lượng: Đàm phán trực tiếp Mỹ - Iran đánh dấu bước ngoặt lịch sử, thúc đẩy ổn định giá dầu giữa căng thẳng thương mại toàn cầu
Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

Báo cáo thị trường năng lượng: Đàm phán trực tiếp Mỹ - Iran đánh dấu bước ngoặt lịch sử, thúc đẩy ổn định giá dầu giữa căng thẳng thương mại toàn cầu

Thị trường đang dần lấy lại sự bình tĩnh và nhìn nhận thực tế rõ ràng hơn. Nhiều quốc gia mong chờ muốn xây dựng quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, họ công nhận rằng mình không thể tách rời khỏi sức mạnh kinh tế của siêu cường này. Đồng thời, một bước ngoặt lịch sử đang diễn ra trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran, với việc Tổng thống Trump kiên quyết thúc đẩy các cuộc đối thoại trực tiếp nhằm đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện.
Dầu tăng nhẹ sau ba phiên lao dốc khi căng thẳng thương mại trở thành tâm điểm
Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

Dầu tăng nhẹ sau ba phiên lao dốc khi căng thẳng thương mại trở thành tâm điểm

Dầu thô bật tăng nhẹ sau ba phiên lao dốc khi thị trường dần ổn định, nhưng rủi ro từ cuộc đối đầu Mỹ - Trung và lo ngại suy thoái tiếp tục phủ bóng lên triển vọng giá dầu. Khối lượng giao dịch Brent vọt lên mức kỷ lục, trong khi loạt tổ chức tài chính lớn đồng loạt hạ dự báo.
'Cơn địa chấn' từ chính sách thuế quan của Trump
Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

'Cơn địa chấn' từ chính sách thuế quan của Trump

Thị trường toàn cầu rung chuyển khi Trump công bố gói thuế quan mới, đẩy kinh tế Mỹ và thế giới đến bờ vực suy thoái. Nếu không đảo ngược chính sách, hậu quả có thể vượt khỏi tầm kiểm soát với thiệt hại lan rộng từ Phố Wall đến người lao động toàn cầu.
Thuế quan của Trump: Đòn giáng nặng nề vào Việt Nam
Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

Thuế quan của Trump: Đòn giáng nặng nề vào Việt Nam

Mức thuế lên tới 46% từ chính quyền Trump đe dọa nghiêm trọng mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt với thị trường Mỹ – nơi chiếm gần một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu. Nỗ lực đàm phán nhằm trì hoãn hoặc giảm thuế đang diễn ra khẩn trương, nhưng khả năng thành công còn bỏ ngỏ. Nếu không đạt thỏa thuận, Việt Nam có nguy cơ mất đà tăng trưởng và buộc phải điều chỉnh chiến lược đối ngoại.
Chủ tịch Fed Jay Powel đứng trước bài toán khó: Cắt giảm lãi suất để cứu tăng trưởng hay giữ nguyên để kìm lạm phát?
Trà Giang

Trà Giang

Junior Editor

Chủ tịch Fed Jay Powel đứng trước bài toán khó: Cắt giảm lãi suất để cứu tăng trưởng hay giữ nguyên để kìm lạm phát?

Các đòn thuế quan bất ngờ mà cựu Tổng thống Donald Trump tung ra gần đây đã làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu, đồng thời đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: nên giảm lãi suất để ngăn chặn nguy cơ suy thoái hay giữ mặt bằng lãi suất cao nhằm kiềm chế một làn sóng lạm phát mới đang manh nha?