Ngân hàng Mỹ lãi đậm trong quý I, vẫn 'bình thản' trước nguy cơ suy thoái kinh tế

Mai Khánh Linh
Junior Editor
Những bình luận từ các lãnh đạo ngân hàng trong tuần qua cho thấy họ đang lo ngại về triển vọng của nền kinh tế, nhưng kết quả kinh doanh quý I lại không phản ánh nhiều sự e dè.

Sáu ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã mua lại khoảng 22 tỷ USD cổ phiếu trong quý này – tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, nhóm này chỉ bổ sung khoảng 1.2 tỷ USD vào quỹ dự phòng rủi ro tín dụng, thấp hơn mức trung bình hàng quý trong ba năm qua.
Bức tranh quý này phản ánh sự đối lập giữa kỳ vọng lạc quan sau cuộc bầu cử của Tổng thống Donald Trump và những bất ổn do các tuyên bố chính sách của ông gây ra. Các báo cáo tài chính cho thấy hoạt động giao dịch cổ phiếu trên Phố Wall diễn ra sôi động, người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ vẫn giữ được sức khỏe tài chính – nhưng đi kèm là nhiều cảnh báo rằng tương lai vẫn rất khó lường.
Các ngân hàng lớn chỉ bổ sung khiêm tốn vào quỹ dự phòng trong quý đầu năm
Bức tranh thị trường trở nên rõ nét hơn qua cuộc trao đổi hôm thứ Ba giữa CEO Bank of America – ông Brian Moynihan – và chuyên gia phân tích kỳ cựu Mike Mayo. Mayo đặt vấn đề: “7,000 tỷ USD vốn hóa thị trường đã ‘bốc hơi’, vậy mà nghe ông nói thì có vẻ rất bình thản.”
Moynihan trả lời: “Các chuyên gia kinh tế, cả của chúng tôi và của các ông, đều dự báo tăng trưởng sẽ chậm lại.” Tuy nhiên, ông nhấn mạnh điều đó vẫn chưa xảy ra và “chúng tôi muốn mọi người ghi nhận kết quả hoạt động ấn tượng của công ty trong quý I năm 2025.”
Giám đốc tài chính Citigroup – ông Mark Mason – cũng chia sẻ quan điểm tương tự trong buổi trao đổi với giới phân tích. Ông cho biết người tiêu dùng vẫn giữ được sự bền bỉ và thận trọng. Chi tiêu vẫn ổn định, thậm chí còn tăng trong mảng thẻ tín dụng của ngân hàng.
CEO Moynihan bổ sung rằng đà chi tiêu tích cực của người tiêu dùng vẫn tiếp diễn trong đầu quý II, chưa có dấu hiệu suy giảm.
Bank of America đã mua lại 4.5 tỷ USD cổ phiếu trong quý I, tăng so với mức 3.5 tỷ USD của quý trước đó. CFO Alastair Borthwick cho biết ngân hàng vẫn còn “dư địa linh hoạt” để mua thêm nếu cần. JPMorgan cũng chi 7.1 tỷ USD mua lại cổ phiếu, nhờ vào nguồn vốn dư dả, theo chia sẻ từ CFO Jeremy Barnum.
Ngoài ra, các ngân hàng lớn cũng chi trả hơn 10 tỷ USD cổ tức, tương đương với hơn 80% lợi nhuận – mức cao nhất trong bốn năm qua. Điều này phản ánh sự tự tin rằng họ không cần tiếp tục tích lũy vốn, nhất là khi đề xuất tăng yêu cầu vốn của chính quyền Biden đang bị đình trệ và có khả năng bị điều chỉnh hoặc hủy bỏ.
Đáng chú ý, các ngân hàng cũng có cơ sở để mạnh tay chia lợi nhuận: trong quý I, sáu ngân hàng lớn ghi nhận tổng lợi nhuận vượt 40 tỷ USD – chỉ là lần thứ ba trong lịch sử đạt được con số này.
Xu hướng lạc quan này cũng xuất hiện ở các ngân hàng khu vực. M&T Bank chỉ tăng thêm 16 triệu USD vào quỹ dự phòng tín dụng. CFO Daryl Bible lý giải rằng điều này dựa trên “điều chỉnh nhẹ” trong kịch bản kinh tế của ngân hàng. “Chúng tôi cho rằng đó là quyết định hợp lý trong bối cảnh hiện tại, dù thị trường vẫn còn nhiều bất ổn,” ông nói. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh nếu kinh tế suy thoái thực sự xảy ra, ngân hàng sẽ điều chỉnh dự phòng phù hợp.
CFO Barnum của JPMorgan cũng cho biết ngân hàng ông đã tăng tỷ trọng các “kịch bản tiêu cực” trong mô hình đánh giá rủi ro, từ đó nâng quỹ dự phòng lên 973 triệu USD – mức cao nhất trong nhóm ngân hàng lớn. Tuy vậy, ông khẳng định điều này không phản ánh sự suy giảm chất lượng tín dụng trong danh mục hiện tại, vốn vẫn đúng kỳ vọng.
Citigroup cũng điều chỉnh theo hướng thận trọng hơn, nhưng vẫn có quý kinh doanh tích cực: mảng giao dịch vượt kỳ vọng, còn mảng quản lý tài sản và ngân hàng bán lẻ đạt doanh thu kỷ lục. Đây được coi là bước tiến quan trọng của CEO Jane Fraser trong quá trình tái cơ cấu toàn diện ngân hàng.
“Về môi trường vĩ mô, tôi sẽ không cố đoán điều không thể đoán,” Fraser phát biểu hôm thứ Ba. “Thế giới đang ở chế độ chờ và đối mặt với viễn cảnh kinh tế tiêu cực hơn so với những dự đoán đầu năm.”
Bloomberg