Sự cố Signal: Cú sốc đối với an ninh Mỹ và đồng minh

Huyền Trần
Junior Analyst
Việc quan chức Mỹ trao đổi thông tin quân sự nhạy cảm trên Signal và vô tình để lộ cho một nhà báo, không chỉ dấy lên lo ngại về an ninh mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của đồng minh. Vụ việc làm gia tăng quan ngại về cách vận hành của Nhà Trắng.

Các đồng minh của Mỹ đã phải nhanh chóng thích nghi với chính sách gián đoạn và đối đầu từ nhiệm kỳ thứ hai của Trump. Nhưng vụ rò rỉ chấn động gần đây, khi các quan chức cấp cao Mỹ bàn luận về chiến dịch quân sự tối mật tại Yemen trên một nhóm chat Signal vô tình có cả một nhà báo, không chỉ làm dấy lên lo ngại về an ninh mà còn phơi bày sự nghiệp dư đến mức đáng báo động của Nhà Trắng. Sự cố này không chỉ đặt ra mối đe dọa đối với lực lượng an ninh và quân đội Mỹ mà còn khiến các đồng minh cân nhắc lại mức độ tin cậy khi chia sẻ thông tin tình báo với Washington.
Việc sử dụng ứng dụng nhắn tin trong công tác chính phủ không còn xa lạ, như những cuộc điều tra về cách xử lý đại dịch Covid ở Anh và nhiều nơi đã chỉ ra. Tuy nhiên, những cuộc trao đổi nhạy cảm giữa quan chức an ninh thường chỉ diễn ra trong Phòng Tình huống Nhà Trắng hoặc qua hệ thống liên lạc bảo mật cao, chứ không phải trên Signal. Dù an toàn hơn WhatsApp, Signal vẫn có những lỗ hổng, nhất là khi cuộc trò chuyện diễn ra trên điện thoại cá nhân - mục tiêu ưa thích của tin tặc và tình báo nước ngoài.
Bảo mật thông tin không chỉ nhằm bảo vệ bí mật quốc gia mà còn đảm bảo an toàn cho nhân sự quân đội và tình báo. Tại phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm thứ Ba, Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard và Giám đốc CIA John Ratcliffe đều bác bỏ cáo buộc rằng tài liệu mật bị tiết lộ trong nhóm chat. Tuy nhiên, Jeffrey Goldberg của The Atlantic, người vô tình được thêm vào đã tiết lộ rằng cuộc thảo luận xoay quanh “chi tiết hoạt động của các cuộc không kích sắp tới nhằm vào phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn”, bao gồm cả mục tiêu và vũ khí sử dụng. Ông còn cho biết một tin nhắn từ Ratcliffe có thể chứa thông tin liên quan đến chiến dịch tình báo đang diễn ra. Đáng chú ý, đặc phái viên của tổng thống về Nga, Steve Witkoff, đang có mặt ở Moscow khi được thêm vào nhóm, dù chưa rõ ông có mang theo điện thoại hay không.
Các chuyên gia pháp lý cảnh báo rằng tiết lộ thông tin tác chiến trên nền tảng không bảo mật có thể vi phạm Đạo luật Gián điệp của Mỹ. Hơn nữa, nếu các tin nhắn đã được cài đặt tự động xóa sau một đến bốn tuần mà không được lưu trữ trong hệ thống chính phủ, chính quyền có thể còn vi phạm luật liên bang về bảo quản hồ sơ. Trước đó, các tập đoàn tài chính Mỹ đã bị phạt nặng vì vi phạm quy định tương tự vào năm 2022, 11 ngân hàng và công ty môi giới Phố Wall đã phải nộp hơn 1.8 tỷ USD tiền phạt vì sử dụng “kênh liên lạc ngoài luồng” để thảo luận công việc.
Cuộc trò chuyện này cũng củng cố một thực tế: Sự coi thường châu Âu trong chính quyền Trump không phải chỉ là một chiêu trò gây sốc của Phó Tổng thống JD Vance nhằm thúc ép châu Âu hành động. Các quan chức còn bàn cách buộc châu Âu gánh chi phí cho các cuộc không kích. Nhận định của Vance rằng mối đe dọa từ Houthi chủ yếu là vấn đề của châu Âu, vì chỉ một phần nhỏ thương mại Mỹ đi qua kênh đào Suez đã phớt lờ tác động sâu rộng của gián đoạn này lên thị trường năng lượng và chuỗi cung ứng Mỹ. Rõ ràng, Washington không còn xem vai trò “cảnh sát toàn cầu” là một phần trong chiến lược bảo vệ lợi ích quốc gia, dù là gián tiếp.
Nhà Trắng bác bỏ các chỉ trích, cho rằng đây chỉ là một “chiêu trò có tổ chức nhằm đánh lạc hướng khỏi những thành công” của tổng thống. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Mark Warner, Phó Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, lại cho rằng sự bất cẩn và yếu kém này đáng bị xử lý bằng các quyết định sa thải. Dù FBI và Bộ Tư pháp do những người trung thành với Trump điều hành, vẫn có khả năng sẽ có cuộc điều tra. Dù vậy, chính quyền cũng cần thay đổi quy trình để tránh lặp lại sai lầm. Donald Trump đã khiến vị thế của Mỹ suy giảm nghiêm trọng, những bê bối như thế này chỉ càng làm tình hình tệ hơn.
Financial Times