Trái phiếu chính phủ Mỹ chịu áp lực trước lo ngại tài khóa và nợ công

Huyền Trần
Junior Analyst
Nhu cầu yếu trong phiên đấu giá trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 năm phản ánh lo ngại ngày càng tăng về bức tranh tài khóa và nợ công của Mỹ. Lợi suất tăng vọt, đồng USD và chứng khoán đồng loạt giảm khi thị trường phản ứng với rủi ro từ dự luật thuế và chi tiêu mới tại Quốc hội. Các nhà đầu tư ngày càng nghi ngờ khả năng kiểm soát thâm hụt ngân sách, trong khi sức hấp dẫn của trái phiếu Mỹ suy giảm trước cạnh tranh toàn cầu.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ ghi nhận nhu cầu yếu trong phiên đấu giá trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 năm trị giá 16 tỷ USD vào thứ Tư, phản ánh tâm lý lo ngại gia tăng của nhà đầu tư trước tình trạng nợ công ngày càng nghiêm trọng. Phiên đấu giá không thành công đã kéo giá cổ phiếu và đồng USD giảm, trong khi lợi suất trái phiếu tăng, cho thấy áp lực đè nặng lên thị trường tài chính trong bối cảnh Quốc hội đang tranh cãi về một dự luật thuế và chi tiêu dự kiến sẽ làm xấu đi triển vọng tài khóa của quốc gia.
Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm của Mỹ, nối tiếp các đợt đánh giá tiêu cực trước đó từ Fitch Ratings và S&P. Đảng Cộng hòa hiện đang cố gắng giành sự đồng thuận cho một gói thuế và chi tiêu có khả năng làm tăng thêm hàng nghìn tỷ USD vào nợ liên bang.
“Chúng ta đang đối mặt với tình trạng thâm hụt kéo dài và thị trường đang thử thách chính phủ về khả năng kiểm soát,” Tom di Galoma, giám đốc điều hành tại Mischler Financial Group, nhận định.
Trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 năm được bán với lợi suất 5.047%, cao hơn khoảng một điểm cơ bản so với mức thị trường trước phiên đấu giá. Mức độ quan tâm từ các nhà thầu gián tiếp – bao gồm chính phủ nước ngoài, quỹ đầu tư và công ty bảo hiểm – đạt 69%, vượt mức trung bình lịch sử, cho thấy nhu cầu quốc tế vẫn ổn định. Tuy nhiên, tổng nhu cầu chỉ đạt 2.46 lần lượng chào bán, mức thấp nhất kể từ tháng 2.
Sau phiên đấu giá, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 năm tăng lên 5.127%, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Thomas Simons, kinh tế trưởng về Mỹ tại Jefferies, cho rằng mặc dù phiên này không phải là tồi tệ nhất trong lịch sử đối với trái phiếu 20 năm – một kỳ hạn vốn thường không ổn định – nhưng rõ ràng cũng không phải là một kết quả tích cực. Ông nhận định đợt bán tháo ở đầu dài của đường cong lợi suất sẽ chưa thể kết thúc trong thời gian ngắn.
George Cipolloni, quản lý danh mục đầu tư tại Penn Mutual Asset Management, nhấn mạnh thêm rằng lợi suất dài hạn duy trì quanh mức 5% và các phiên đấu giá kém hiệu quả liên tiếp đang cho thấy tâm lý bi quan ngày càng gia tăng đối với triển vọng tài khóa của Hoa Kỳ. Ông cho biết hiện đang giảm tỷ trọng trái phiếu trong danh mục của mình.
Lo ngại về dự luật chi tiêu
Các nhà đầu tư đang ngày càng lo ngại rằng dự luật thuế và chi tiêu đang được thảo luận tại Quốc hội sẽ khiến thâm hụt ngân sách của Mỹ gia tăng nhanh hơn dự báo trước đây.
Theo George Saravelos, chuyên gia phân tích tại Deutsche Bank, Mỹ hiện có hai lựa chọn: hoặc phải điều chỉnh đáng kể dự luật hòa giải để hướng tới một chính sách tài khóa chặt chẽ hơn, hoặc giá trị trái phiếu Mỹ tính theo ngoại tệ phải giảm đủ sâu để thu hút lại các nhà đầu tư quốc tế.
Thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng tiêu cực với các lo ngại này. Cả ba chỉ số chính đều ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 21 tháng 4. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng lên 4.607%, mức cao nhất kể từ giữa tháng 2.
Guy LeBas, chiến lược gia trưởng tại Janney Montgomery Scott, cho biết thị trường, đặc biệt là các nhà giao dịch ngắn hạn, đang lo lắng về cách nguồn cung trái phiếu sẽ ảnh hưởng đến lợi suất kỳ hạn dài. Dù tin rằng lợi suất sẽ giảm trong năm nay khi kinh tế yếu đi, ông cho rằng hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để đón đầu xu hướng đó.
Tại Hạ viện, một số nghị sĩ bảo thủ vẫn chưa hài lòng với các điều khoản cắt giảm thuế của chính quyền Trump và đã đến Nhà Trắng vào thứ Tư để bày tỏ quan điểm. Trong khi đó, Ủy ban Ngân sách Liên bang có Trách nhiệm – một tổ chức phi đảng phái – ước tính dự luật hiện tại có thể khiến nợ quốc gia tăng thêm khoảng 3.3 nghìn tỷ USD vào năm 2034, hoặc tới 5.2 nghìn tỷ USD nếu các điều khoản tạm thời được gia hạn.
Các nhà đầu tư cũng lo ngại rằng các chính sách thương mại khó lường của ông Trump, đặc biệt là việc áp thuế quan mạnh tay hơn dự kiến vào ngày 2 tháng 4, sẽ làm tăng áp lực lạm phát và giảm sức hấp dẫn của tài sản Mỹ. Lợi suất trái phiếu tại Nhật Bản và khu vực đồng euro cũng đang tăng, khiến trái phiếu Mỹ phải cạnh tranh nhiều hơn để thu hút dòng tiền quốc tế.
Phân khúc trái phiếu dài hạn, đặc biệt là kỳ hạn 20 năm, đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ làn sóng bán tháo, do không được ưa chuộng như kỳ hạn 10 năm hoặc 30 năm – những kỳ hạn hấp dẫn hơn với các quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm nhân thọ.
Trái phiếu phủ kỳ hạn 20 năm từng bị ngừng phát hành từ năm 1986 và chỉ được khôi phục trở lại từ tháng 5 năm 2020. Trong khi Bộ Tài chính cho biết họ sẽ giữ nguyên quy mô đấu giá trong vài quý tới, nhiều nhà phân tích dự báo chính phủ Mỹ sẽ buộc phải tăng quy mô phát hành trái phiếu dài hạn vào đầu năm sau để đáp ứng nhu cầu tài trợ cho thâm hụt ngân sách ngày càng lớn.
Reuters