Trump và “nghệ thuật đàm phán hòa bình” trên trường quốc tế

Mai Khánh Linh
Junior Editor
Việc từ bỏ vai trò “cảnh sát toàn cầu” không đơn giản như lời nói. Khi Ấn Độ và Pakistan xảy ra xung đột tuần trước, chính quyền Trump ban đầu giữ lập trường "không quan tâm".

Cụ thể, Phó Tổng thống JD Vance tuyên bố Mỹ sẽ không can thiệp vào chuyện của người khác, còn ông Trump chỉ nói chung chung rằng hai nước “rồi cũng sẽ tự giải quyết được”.
Nhưng khi căng thẳng leo thang và Pakistan ám chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân, Mỹ lập tức vào cuộc. Các quan chức cấp cao, kể cả Vance, đã điện đàm với các bên. Khi lệnh ngừng bắn được công bố, ông Trump nhanh chóng nhận công trạng.
Vai trò thực sự của Mỹ trong thỏa thuận vẫn chưa rõ, nhưng câu chuyện một lần nữa cho thấy nước Mỹ vẫn là “quốc gia không thể thay thế” – như lời cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright. Dù tuyên bố tránh xa các cuộc xung đột, chính quyền Trump vẫn phải hành xử như một siêu cường. Bởi như nhà phân tích Robert Kagan từng nói: “Siêu cường không thể nghỉ hưu.”
Không rõ Trump thực sự muốn rút khỏi vai trò toàn cầu hay chỉ muốn sử dụng sức mạnh Mỹ theo cách khác – lúc thì né tranh chấp, lúc lại dùng để thúc đẩy lợi ích kinh tế. Nhóm “kiềm chế” quanh Vance tự nhận là những người kiến tạo hòa bình, dù chính quyền từng đe dọa cả Greenland lẫn Panama. Riêng Trump, ông luôn muốn được công nhận là bậc thầy đàm phán – không chỉ trong thương mại mà cả về chiến tranh và hòa bình.
Tuần rồi, Trump được dịp nhận công lao giúp Mỹ – Anh ký thỏa thuận đình chiến thương mại (mà ông từng khơi mào), còn Ấn Độ – Pakistan thì tạm ngừng giao tranh. Nhưng câu hỏi lớn là: những thỏa thuận này có lâu dài không, hay chỉ là thắng lợi nhất thời?
Trên thực tế, chính quyền Trump chưa đạt được tiến triển rõ rệt về các thỏa thuận hòa bình. Thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đầu năm nay đã đổ vỡ. Israel hiện vẫn kiểm soát chặt nguồn viện trợ nhân đạo vào vùng chiến sự. Trump dự kiến sẽ dùng chuyến công du Trung Đông tuần này để “hồi sinh” kế hoạch hòa bình cho Gaza – dù triển vọng không mấy sáng sủa.
Tại vùng Vịnh, áp lực gia tăng xoay quanh chương trình hạt nhân Iran. Trong khi Mỹ đang cố đàm phán thỏa thuận mới, Israel lại thúc đẩy phương án tấn công quân sự. Đây đang là điểm chia rẽ lớn trong chính quyền. Phe “kiềm chế” – dẫn đầu bởi Vance – hiện đang lấn lướt. Việc sa thải Cố vấn An ninh quốc gia Mike Waltz, một “diều hâu”, được xem là bất lợi lớn cho Israel.
Ở mặt trận khác, Trump cũng cử người thân tín – ông trùm bất động sản Steve Witkoff – làm đặc phái viên xử lý cùng lúc ba hồ sơ nóng: Nga – Ukraine, Iran và Gaza. Nếu còn thời gian, có thể ông sẽ được giao thêm cả Kashmir.
Và khi tình hình quốc tế chưa đủ rối, giới quan sát còn lo ngại Trung Quốc đang chuẩn bị hành động với Đài Loan.
Trước muôn vàn căng thẳng, ông Trump có thể muốn quay về chiến lược “nước Mỹ biệt lập” với đại dương bao quanh. Nhưng bài học từ Nam Á vừa qua cho thấy: muốn tránh cũng không dễ.
Financial Times