Từ chỉ trích đến sao chép: Liệu Trump có đang lặp lại chiến lược kinh tế của Biden?

Mai Khánh Linh
Junior Editor
Tổng thống Donald Trump – người từng chỉ trích gay gắt chính sách kinh tế của Joe Biden – giờ đây lại đưa ra một thông điệp gần như tương tự: tăng đầu tư vào sản xuất trong nước và tạo thêm việc làm. Tuy nhiên, cả hai ông đều vấp phải một thực tế khó tránh: khi người dân phải đối mặt với giá cả tăng cao, họ ít quan tâm đến các nhà máy mới, dù điều đó có thể tạo thêm hàng triệu việc làm.

Các cuộc khảo sát cho thấy, lạm phát – chứ không phải thất nghiệp – mới là mối quan tâm hàng đầu của người dân Mỹ. Tuy vậy, ông Trump vẫn tập trung quảng bá hiệu ứng từ chính sách thuế quan của mình, cho rằng nhờ vậy các doanh nghiệp đã rót vốn mạnh vào sản xuất trong nước. Mới đây, Nhà Trắng dưới thời Trump công bố một website theo dõi lượng đầu tư được cho là xuất phát từ “hiệu ứng Trump”.
Trump phát biểu: “Chưa từng có điều gì như thế này xảy ra trên thế giới. Sản phẩm ‘Made in the USA’ sẽ trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.”
Nhưng thực tế, Biden cũng từng làm điều tương tự – từ theo dõi các khoản đầu tư đến xuất hiện tại lễ khởi công nhà máy để nhấn mạnh số việc làm mới tạo ra. Chính quyền Biden hỗ trợ sản xuất thông qua các gói ưu đãi thuế và đầu tư vào năng lượng sạch, bán dẫn và hạ tầng.
Trong nhiệm kỳ, Biden giúp tạo thêm khoảng 600,000 việc làm trong ngành sản xuất và khoảng 1 triệu việc làm xây dựng – gấp đôi thành tích của Trump. Dù vậy, lạm phát sau đại dịch khiến người dân khó nhận ra hiệu quả này. Một nhân viên y tế ở Las Vegas vẫn phải chật vật mua thực phẩm, và không mấy quan tâm việc Intel có mở nhà máy ở Ohio hay không.
Trump còn đối mặt với thách thức lớn hơn: chính sách thuế quan của ông đang khiến giá hàng hóa thiết yếu – như quần áo, giày dép, thực phẩm – tăng lên. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy chỉ 35% người Mỹ ủng hộ việc tăng thuế để tạo việc làm nếu điều đó khiến giá hàng hóa tăng cao.
Ngay cả những dự báo lạc quan nhất cũng cho rằng mức thuế 10% toàn diện chỉ có thể tạo ra khoảng 1 triệu việc làm sản xuất – con số khiêm tốn so với lực lượng lao động hơn 160 triệu người. Bên cạnh đó, chính sách thuế cao cũng có thể khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, và doanh nghiệp khó đưa ra quyết định đầu tư dài hạn khi các chính sách có thể bị thay đổi sau mỗi cuộc bầu cử.
Chuyên gia kinh tế Adam Hersh nhận định: các nhà máy tương lai sẽ tự động hóa nhiều hơn, nên việc đầu tư thêm cũng không đồng nghĩa với việc tuyển dụng thêm lao động.
Từ sau Thế chiến II, đỉnh cao việc làm trong ngành sản xuất là năm 1979 với 19.5 triệu người. Giờ đây, con số này khó có thể lặp lại, bất kể ai làm tổng thống. Và cho dù có “tái công nghiệp hóa” nước Mỹ thành công, thì phần lớn cử tri vẫn sẽ nhìn vào một điều quen thuộc: liệu họ có đủ tiền chi trả hóa đơn mỗi tháng – và nếu may mắn – mua thêm cho con một con búp bê.
Bloomberg