Westpac IQ: Đà bán tháo lan rộng trên nhiều thị trường chứng khoán lớn; vàng tiếp tục phá đỉnh, tăng vọt hơn 40 USD/oz

Thành Duy
Junior editor
Bản tin tổng hợp và nhận định bởi Ngân hàng Westpac.

Những điểm chính
- Tâm lý e ngại rủi ro tiếp tục bủa vây thị trường sau tuyên bố áp thuế nhập khẩu ô tô của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua. Ngay cả khi số liệu ước tính tăng trưởng kinh tế Mỹ gần đây được điều chỉnh tăng, tâm lý bi quan vẫn không hề suy chuyển.
- Đà bán tháo lan rộng trên thị trường Mỹ, Châu Âu và Úc. Ngược lại, chứng khoán Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng, được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan xoay quanh lĩnh vực công nghệ.
- Các đồng tiền G10 nhìn chung tăng giá so với USD, đáng chú ý nhất là EUR và GBP.
- Giá dầu tăng nhẹ do lo ngại về nguồn cung vẫn hiện hữu.
- Chính sách thuế quan là tâm điểm chú ý trên thị trường kim loại, với nhu cầu suy yếu khiến giá đồng và nhôm giảm mạnh.
Chứng khoán
Phần lớn thị trường chìm trong sắc đỏ, chịu chung số phận với cổ phiếu của các hãng sản xuất ô tô lớn. Mặt khác, biến động giá cổ phiếu của các gã khổng lồ lại khá phân hóa. Chỉ số S&P 500, Dow Jones và Nasdaq giảm lần lượt 0.3%, 0.4% và 0.5%. Chứng khoán Châu Âu cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, với mức giảm điểm đáng kể: Euro Stoxx 50 (-0.6%), DAX – Đức (-0.7%) và FTSE 100 – London (-0.3%). Ngược dòng thị trường, chứng khoán Trung Quốc gần như không bị ảnh hưởng, với sắc xanh của Hang Seng (0.4%) và CSI 300 (0.3%), được hỗ trợ bởi tâm lý tích cực trong lĩnh vực công nghệ. Chứng khoán Úc cũng không nằm ngoài vòng xoáy của chính sách thuế quan. ASX 200 giảm 0.4% trong phiên giao dịch hôm qua, quay trở lại mức trước khi công bố ngân sách hồi đầu tuần.
Lợi suất
Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ biến động trái chiều, khi kỳ hạn 2 năm giảm 3 bps xuống còn 3.99%, trong khi kỳ hạn 10 năm lại nhích nhẹ lên 4.36%. Biến động trên thị trường trái phiếu Châu Âu cho thấy sự phân hóa rõ nét hơn, với lợi suất TPCP Đức kỳ hạn 10 năm giảm 2 bps xuống 2.77%, còn lợi suất tương ứng tại Anh lại tăng 6 bps lên 4.78%. Đường cong lợi suất của Úc dốc lên đôi chút, với lợi suất kỳ hạn 3 năm nhích nhẹ lên 3.80%, còn kỳ hạn 10 năm tăng 3 bps lên 4.50%. Nhìn chung, kỳ vọng của thị trường về Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) không thay đổi, với khả năng cắt giảm lãi suất trong tuần tới là 7% và dự kiến tổng mức nới lỏng cho đến cuối năm rơi vào khoảng 63 bps.
Ngoại hối
Do vấn đề thuế quan chi phối tâm lý thị trường, hầu hết các đồng tiền G10 đều tăng giá so với USD. Chỉ số DXY có thời điểm giảm về gần ngưỡng 104.00 trong phiên nhưng sau đó phục hồi trở lại và đóng cửa giảm 0.3% ở mức 104.27. EUR và GBP cho thấy sự vượt trội nhất trong số các đồng tiền chủ chốt, lần lượt tăng 0.4% và 0.5% so với đồng bạc xanh. AUD và NZD cũng tăng nhẹ, lần lượt là 0.1% và 0.2%. JPY vẫn là một ngoại lệ khi giảm 0.3% so với đồng bạc xanh. Các chỉ số đo lường biến động như VIX và MOVE đã giảm bớt trong những tuần gần đây, nhưng thị trường chắc chắn sẽ tiếp tục theo dõi sát sao mọi thông báo từ Tổng thống Trump cho đến ngày 02/04 – thời điểm mà các mức thuế mới chính thức có hiệu lực.
Hàng hóa
Giá dầu thô tăng nhẹ đêm qua, khi thị trường tập trung vào tình trạng cân bằng cung cầu đang thắt chặt sau khi dữ liệu hàng tồn kho được công bố cho thấy mức giảm. Cả giá dầu WTI và Brent đều tăng 0.4%. Mặt khác, thị trường kim loại dễ bị tổn thương hơn trước tâm lý lo ngại về thuế quan ô tô. Nhu cầu suy yếu khiến giá đồng và nhôm giảm lần lượt 0.8% và 1.7%. Ngược lại, giá vàng giao ngay tiếp tục lập đỉnh mới khi nhu cầu trú ẩn an toàn tăng cao trong bối cảnh xuất hiện các thông báo mới về thuế quan, nhảy vọt hơn 40 USD/oz lên mức 3,059 USD/oz trong phiên hôm qua.
Kinh tế Mỹ
GDP Q4/2024 được điều chỉnh tăng nhẹ trong ước tính cuối cùng, với mức tăng trưởng hàng năm đạt 2.4% (trước đó: 2.3%). Mặc dù ước tính về chi tiêu tiêu dùng cá nhân được điều chỉnh giảm từ 4.2% xuống 4.0% so với cùng kỳ, nhưng việc điều chỉnh tương tự đối với hệ số giảm phát đã bù đắp phần nào cho GDP thực tế. Cụ thể, chỉ số giảm phát chung và lõi được điều chỉnh giảm, lần lượt xuống còn 2.3% và 2.6% so với cùng kỳ.
Các dữ liệu khác của Mỹ cũng cho thấy tác động của chính sách thuế quan. Điển hình, theo dữ liệu sơ bộ, thâm hụt thương mại hàng hóa tháng 2 đã thu hẹp xuống còn 148 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với dự đoán ban đầu, cho thấy xu hướng đẩy mạnh nhập khẩu trước khi thuế quan có hiệu lực vẫn đang tiếp diễn. Hàng tồn kho bán buôn và bán lẻ tiếp tục tăng, lần lượt đạt 0.3% và 0.1% trong tháng 2.
Westpac IQ