Action Forex: Đồng Yên suy yếu do dữ liệu PMI Nhật Bản gây thất vọng; thị trường chờ đợi loạt báo cáo kinh tế quan trọng sắp sửa “ra lò” vào cuối Q1

Action Forex: Đồng Yên suy yếu do dữ liệu PMI Nhật Bản gây thất vọng; thị trường chờ đợi loạt báo cáo kinh tế quan trọng sắp sửa “ra lò” vào cuối Q1

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

14:55 24/03/2025

Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.

Bối cảnh chung

Đồng Yên suy yếu trong một phiên Á tương đối ảm đạm, chịu áp lực từ dữ liệu PMI đáng thất vọng. Điều đáng lo ngại là cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều đang co lại, báo hiệu sự suy yếu ngày càng trầm trọng của nền kinh tế Nhật Bản. Dù thị trường kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay, nhờ tăng trưởng tiền lương khả quan, dữ liệu mới nhất lại gieo rắc nghi ngờ về thời điểm và tính khả thi của lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ này.

Bối cảnh kinh tế ảm đạm càng trở nên đáng quan ngại hơn khi đặt trong thời điểm nhạy cảm của Nhật Bản, với nguy cơ Mỹ áp đặt thuế quan mới đang lơ lửng. Rủi ro từ một cuộc chiến thương mại toàn cầu có thể gây áp lực lên nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Nhật Bản. Chi phí đầu vào leo thang và nhu cầu bên ngoài bấp bênh có thể khiến BoJ phải trì hoãn việc bình thường hóa chính sách.

Cùng với đó, sự thiếu rõ ràng về hình thức và phạm vi của chính sách thuế quan "Ngày Giải phóng" của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gây hoang mang. Một bài báo trên Wall Street Journal cuối tuần qua cho thấy Nhà Trắng có xu hướng "thu hẹp" phạm vi áp dụng. Kế hoạch hiện tại dường như được điều chỉnh lại, vẫn bao gồm thuế quan đối ứng nhưng có thể trì hoãn các biện pháp nhắm vào ngành nghề cụ thể. Điều này phù hợp với tuyên bố trước đó của Tổng thống Trump về việc sẽ có "sự linh hoạt".

Cho đến khi có thông báo chính thức vào ngày 02/04, các nhà giao dịch có thể sẽ duy trì tâm lý thận trọng, chủ yếu tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro trước những thông tin bất ngờ. Biến động thị trường trong giai đoạn này có thể chỉ mang tính nhất thời và chịu ảnh hưởng nhiều bởi các vị thế ngắn hạn. Xu hướng chung của thị trường tiền tệ và chứng khoán có thể sẽ chưa rõ ràng cho đến khi có thông tin đầy đủ về phạm vi áp dụng thuế quan và các biện pháp trả đũa.

Thống đốc BoJ khẳng định cam kết tăng lãi suất bất chấp áp lực từ thị trường và tình hình tài chính

Phát biểu trước Quốc hội, Thống đốc Kazuo Ueda khẳng định BoJ vẫn giữ vững cam kết tăng lãi suất nếu lạm phát cơ bản được đánh giá là đang tiến gần đến mục tiêu 2%. Ông nhấn mạnh rằng mục tiêu của BoJ vẫn là ổn định giá cả và cách tiếp cận chính sách của họ sẽ "không bị ảnh hưởng bởi các cân nhắc về tình hình tài chính của BoJ."

Nhận định của ông được đưa ra trong bối cảnh dấy lên lo ngại về bảng cân đối kế toán của BoJ trước áp lực tăng lãi suất và biến động trên thị trường chứng khoán. BoJ ước tính hồi tháng 12 rằng nếu lãi suất cho vay ngắn hạn tăng lên 2%, họ có thể gánh chịu khoản lỗ lên tới 2 nghìn tỷ Yên. Ngoài ra, Thống đốc Ueda lưu ý rằng nếu chỉ số Nikkei 225 giảm 1,000 điểm, BoJ sẽ lỗ khoảng 1.8 nghìn tỷ Yên từ danh mục đầu tư quỹ ETF.

Mặc dù những con số này cho thấy quy mô rủi ro tài chính, nhưng việc ông kiên quyết ưu tiên ổn định lạm phát cho thấy BoJ sẵn sàng chấp nhận biến động thị trường để theo đuổi mục tiêu chính sách tiền tệ của mình.

PMI tổng hợp của Nhật Bản giảm xuống 48.5, niềm tin kinh doanh chạm đáy kể từ năm 2020

Khu vực tư nhân của Nhật Bản đã chứng kiến đà giảm mạnh vào cuối Q1, với chỉ số PMI tổng hợp sụt từ 52.0 xuống 48.5, đánh dấu sự co lại đầu tiên trong năm tháng. PMI sản xuất giảm từ 49.0 xuống 48.3, mức thấp nhất trong một năm và là tháng thứ chín liên tiếp suy giảm. Đáng lo ngại hơn là sự sụt giảm mạnh của PMI dịch vụ, từ 53.7 xuống 49.5 – mức thấp nhất kể từ giữa năm 2022.

Bà Annabel Fiddes, Giám đốc kinh tế tại S&P Global, kết quả này là do "sự sụt giảm mới trong hoạt động của ngành dịch vụ" và sự suy giảm nhanh chóng của ngành sản xuất. Các doanh nghiệp cho biết "áp lực lạm phát đã làm giảm doanh số bán hàng", khiến khách hàng ngày càng do dự khi đặt hàng.

Bức tranh toàn cảnh đang ngày càng trở nên bi quan. Các công ty Nhật Bản đã nêu ra một loạt thách thức về cấu trúc và chu kỳ – từ lạm phát dai dẳng, tình trạng thiếu hụt lao động đến dân số già và sự bất ổn ngày càng tăng của thương mại toàn cầu. Kết quả là, niềm tin kinh doanh giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 08/2020.

Điểm qua loạt dữ liệu kinh tế quan trọng sắp sửa “ra lò” vào cuối Q1 

Tuần cuối cùng của Q1 sẽ chứng kiến một loạt dữ liệu kinh tế quan trọng từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm chỉ số PMI, lạm phát đến tâm lý người tiêu dùng. Câu chuyện chủ đạo trên nhiều khu vực sẽ là sự bất định kéo dài cũng như hậu quả từ cuộc chiến thuế quan leo thang, đặc biệt là giữa Mỹ và các đối tác thương mại.

Tại Mỹ, trọng tâm vẫn là tác động của chiến tranh thương mại lên người tiêu dùng và doanh nghiệp. Niềm tin của người tiêu dùng sẽ rất quan trọng, sau sự suy giảm mạnh từ đầu năm do lo ngại về thuế quan. Hơn hết là liệu sự chuyển biến tâm lý này đã ảnh hưởng đến chi tiêu hay chưa? Báo cáo PMI, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, sẽ được phân tích về xu hướng tuyển dụng, trong khi các nhà sản xuất có thể tiết lộ áp lực lạm phát và lo ngại về chi phí khi họ chuẩn bị cho khả năng áp đặt thêm thuế quan.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, Châu Âu đang tập trung vào việc liệu tâm lý lạc quan gần đây về sự phục hồi của Đức và kế hoạch mở rộng tài khóa của EU có đang lan tỏa vào hoạt động kinh tế hay không. Mặc dù kế hoạch chi tiêu vẫn đang trong giai đoạn đầu, nhưng nó có thể cải thiện tâm lý – đặc biệt là trong dữ liệu PMI sản xuất. Ngoài ra, kết quả của những cuộc khảo sát về môi trường kinh doanh Ifo của Đức và niềm tin người tiêu dùng GfK sẽ được theo dõi chặt chẽ để tìm kiếm các dấu hiệu của sự phục hồi bền vững.

Bên cạnh đó, Vương quốc Anh sẽ công bố dữ liệu CPI và doanh số bán lẻ, hai yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến lộ trình chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Song, trừ khi lạm phát bất ngờ giảm mạnh, BoE khó có thể đi chệch khỏi cách tiếp cận "chậm mà chắc" của mình – một lần cắt giảm lãi suất mỗi quý.

Ở mặt trận khác, bản tóm tắt ý kiến của BoJ sẽ cung cấp những thông tin quan trọng về lập trường của các nhà hoạch định chính sách sau quyết định giữ nguyên lãi suất vào tuần trước. Song, trọng tâm sẽ là mức độ lạc quan của họ về tăng trưởng tiền lương sau kết quả Shunto tích cực, cũng như đánh giá về những rủi ro từ căng thẳng thương mại toàn cầu và tác động lan tỏa sang thị trường tài chính. Giọng điệu của bản tóm tắt sẽ là chìa khóa để đánh giá khả năng BoJ có sớm tăng lãi suất hay không.

Sau cùng, số liệu GDP của Canada, mặc dù quan trọng, nhưng có thể chưa phản ánh đầy đủ tác động của thuế quan. Ngoài ra, CPI hàng tháng của Úc sẽ cung cấp manh mối về xu hướng lạm phát, mặc dù không toàn diện như bản cập nhật hàng quý. Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) đã nói rõ rằng việc hạ lãi suất vào tháng 2 không phải là khởi đầu của một chu kỳ nới lỏng. Do đó, việc lạm phát bất ngờ giảm mạnh có thể sẽ khơi lại kỳ vọng về việc RBA tiếp tục nới lỏng chính sách trong thời gian tới.

Phân tích kỹ thuật USD/JPY

Mặc dù USD/JPY tăng nhẹ hôm nay, nhưng triển vọng chung không thay đổi. Nhịp hồi từ 146.52 chủ yếu chỉ mang tính kỹ thuật, và xu hướng trong ngày vẫn trung lập. Dù vậy, trong trường hợp cặp tiền tăng mạnh hơn, ngưỡng kháng cự gần cần chú ý là 150.92. Ngược lại, việc mức 148.17 bị xuyên thủng sẽ là tín hiệu cho thấy sóng hồi từ 146.52 đã hoàn tất, do đó, có thể dẫn đến nhịp kiểm tra lại đáy này. Sau đó, nếu để thủng cả ngưỡng Fibonacci thoái lui 61.8% (139.57 - 158.86) tại 146.32, nhịp giảm từ 158.86 khả năng sẽ tiếp tục hướng về hỗ trợ 139.57.

Đồ thị USD/JPY khung 4H

Xét trên bình diện rộng hơn, xu hướng giảm từ 161.94 có thể xem là một mô hình điều chỉnh trong xu hướng tăng với điểm xuất phát là đáy năm 2021 tại 102.58, và nhịp giảm từ 158.86 là sóng thứ ba. Vùng hỗ trợ mạnh được dự đoán sẽ hình thành quanh ngưỡng Fibonacci thoái lui 38.2% (102.58 - 161.94) tại 139.26. Vì vậy, nếu phe mua thất thủ tại vùng này, khả năng giảm sâu hơn trong trung hạn sẽ mở ra, hướng về ngưỡng Fibonacci thoái lui 61.8% tại 125.25.

Đồ thị USD/JPY khung 1D

Action Forex

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ