Action Forex: Yên Nhật lên giá khi Chiến tranh Thương mại 2.0 chính thức nổ ra, càng được củng cố bởi cảnh báo thao túng tiền tệ từ Tổng thống Trump

Action Forex: Yên Nhật lên giá khi Chiến tranh Thương mại 2.0 chính thức nổ ra, càng được củng cố bởi cảnh báo thao túng tiền tệ từ Tổng thống Trump

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

14:43 04/03/2025

Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.

Bối cảnh chung

Đợt áp thuế mới nhất của Mỹ lên Canada, Mexico và Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực hôm nay, đánh dấu sự khởi đầu của cái mà nhiều người gọi là "Chiến tranh Thương mại 2.0" dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhìn chung, thị trường đã chuẩn bị tinh thần cho thời khắc này, và phiên bán tháo mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua càng khẳng định mối quan ngại sâu sắc của giới đầu tư về những hệ lụy kinh tế. Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ cũng lao dốc, phản ánh sự luân chuyển của dòng vốn sang các kênh trú ẩn an toàn khi nhà đầu tư tìm đến trái phiếu giữa bối cảnh bất ổn ngày càng gia tăng.

Mặc dù thị trường Mỹ chao đảo, phản ứng của các thị trường Châu Á lại không đồng nhất. Nikkei 225 của Nhật Bản là chỉ số chính duy nhất ghi nhận mức giảm đáng kể, trong khi các thị trường khác trong khu vực vẫn tương đối ổn định. Điều này cho thấy giới đầu tư vẫn đang cân nhắc tác động lan tỏa của các đợt thuế quan trước khi tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Về thị trường tiền tệ, JPY hiện là đồng tiền thể hiện sức mạnh vượt trội nhất, hưởng lợi từ cả tâm lý e ngại rủi ro, cùng với sự sụt giảm lợi suất tại cả Mỹ và Châu Âu. Sức mạnh của JPY còn được củng cố khi ông Trump trực tiếp cáo buộc Nhật Bản thao túng tiền tệ. Tổng thống Mỹ tuyên bố đã trực tiếp gọi điện cho lãnh đạo Nhật Bản để cảnh báo về việc phá giá JPY, và nếu hành động này tiếp diễn, Mỹ có thể sẽ dùng biện pháp thuế quan để đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho các nhà sản xuất nội địa.

Nhật Bản đã ngay lập tức phản hồi và Bộ trưởng Tài chính Katsunobu Kato kiên quyết bác bỏ cáo buộc. "Chúng tôi không áp dụng chính sách làm suy yếu JPY. Nếu xem xét các can thiệp của chúng tôi vào thị trường ngoại hối những năm gần đây, quý vị sẽ hiểu rõ ý tôi", ông Kato phát biểu trong một cuộc họp báo. Màn tranh luận này cho thấy viễn cảnh về những căng thẳng tiếp theo giữa Washington và Tokyo, khi Nhật Bản tìm cách bảo vệ chính sách tiền tệ của mình mà không làm leo thang căng thẳng thương mại với Mỹ.

Ngược lại, AUD hiện là đồng tiền có hiệu suất kém nhất trên thị trường ngoại hối. Dù biên bản cuộc họp của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) xác nhận không có cam kết nới lỏng chính sách thêm sau quyết định cắt giảm lãi suất 25 bps xuống 4.1% vào tháng trước, AUD vẫn bị kéo xuống bởi tâm lý e ngại rủi ro chung. NZDCAD cũng chịu áp lực giảm giá tương tự.

Mặt khác, CHF lại được hưởng lợi từ tâm lý e ngại rủi ro, trở thành đồng tiền mạnh thứ hai sau JPY, trong khi USD cũng duy trì được sự ổn định, bất chấp việc lợi suất trái phiếu TPCP Mỹ giảm. EURGBP biến động trái chiều, vẫn được hỗ trợ phần nào bởi sự lạc quan xoay quanh "Liên minh thiện chí" do Châu Âu dẫn dắt và cam kết tăng cường chi tiêu quốc phòng của khu vực.

Phố Wall chìm trong sắc đỏ khi Mỹ áp thuế lên Canada, Mexico và Trung Quốc

Phố Wall đỏ lửa, mở đầu tháng 3 với phiên giảm điểm mạnh nhất trong nhiều tháng qua, khi thị trường rung lắc trước việc cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng chính thức khai màn. Phiên bán tháo bắt đầu vào buổi chiều (giờ Mỹ) sau khi Tổng thống Trump tái khẳng định mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada sẽ có hiệu lực vào hôm nay, 04/03 theo đúng kế hoạch. Bên cạnh đó là mức thuế bổ sung 10% đánh vào hàng hóa Trung Quốc, nâng tổng mức thuế đánh vào hàng ngàn sản phẩm nhập khẩu từ nước này lên 20%. Hy vọng về một thỏa thuận vào phút chót đã tan thành mây khói khi Công báo Liên bang xác nhận các mức thuế mới chính thức được áp dụng vào lúc 12:01 theo giờ Việt Nam.

Phản ứng nhanh chóng, Canada đã công bố các biện pháp trả đũa. Thủ tướng Justin Trudeau xác nhận sẽ đánh thuế 25% lên lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 155 tỷ CAD nếu kế hoạch áp thuế của ông Trump được triển khai. Trung Quốc cũng sẽ áp thuế bổ sung 15% lên thịt gà, lúa mì, ngô và bông nhập khẩu từ Mỹ. Ngoài ra, mức thuế 10% sẽ được áp dụng cho cao lương, đậu nành, thịt lợn, thịt bò, hải sản, trái cây, rau củ và các sản phẩm sữa. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 10/03.

Biên bản họp RBA: Không cam kết nới lỏng chính sách tiền tệ thêm nữa

Biên bản cuộc họp tháng 2 của RBA củng cố thêm cách tiếp cận thận trọng của ngân hàng trung ương này đối với việc nới lỏng chính sách tiền tệ, khẳng định rõ ràng rằng việc cắt giảm lãi suất 25 bps xuống còn 4.1% gần đây "không đồng nghĩa với cam kết nới lỏng thêm" trong các cuộc họp tiếp theo.

Hội đồng Quản trị RBA thừa nhận lạm phát đang hạ nhiệt với "tốc độ nhanh hơn một chút so với dự kiến", giúp giảm bớt lo ngại về rủi ro tăng giá. Mặc dù vậy, họ nhấn mạnh rằng hành trình đưa lạm phát trở về mục tiêu trong khi vẫn duy trì đà tăng trưởng của thị trường lao động "chưa được đảm bảo". Song, Hội đồng cho rằng việc nới lỏng chính sách là lựa chọn hợp lý hơn, xét đến những rủi ro suy giảm đối với nền kinh tế.

Mặc dù quyết định cắt giảm lãi suất, các thành viên RBA đã thảo luận về rủi ro của việc "nới lỏng chính sách quá sớm", nhận thấy rằng một sự thay đổi chính sách vội vàng có thể khiến lạm phát nóng lên trở lại. Họ lưu ý rằng nếu lạm phát "dai dẳng hơn dự kiến", việc giữ nguyên lãi suất tiền mặt ở mức 4.1% trong "một khoảng thời gian dài" hoặc thậm chí thắt chặt chính sách trở lại sẽ là cần thiết.

Về mặt dữ liệu, doanh số bán lẻ của Úc đã tăng 0.3% so với tháng trước, đạt 37.08 tỷ AUD trong tháng 1, đúng như kỳ vọng. Ông Robert Ewing, Người đứng đầu bộ phận thống kê kinh doanh của Cục Thống kê Úc (ABS), cho biết: "Mặc dù sự phục hồi của chi tiêu bán lẻ kể từ giữa năm 2024 được thúc đẩy bởi chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu, nhưng mức tăng trưởng trong tháng này chủ yếu đến từ chi tiêu liên quan đến thực phẩm."

Phân tích kỹ thuật USD/JPY

Xu hướng ngắn hạn của USD/JPY đã trở lại trạng thái trung lập khi cặp tiền này nhanh chóng đảo chiều sau nhịp hồi phục lên 151.29. Dù vậy, triển vọng chung vẫn không thay đổi, với nhịp đảo chiều từ 158.86 có thể xem là sóng điều chỉnh thứ ba (c) của xu hướng giảm từ đỉnh 161.94. Nếu cặp tiền xuyên thủng hỗ trợ 148.55, đà giảm có thể sẽ tiếp tục và hướng tới ngưỡng thoái lui Fibonacci 61.8% (139.57 - 158.86) tại 146.32. Ngược lại, nếu thành công vượt kháng cự 151.29, khả năng chúng ta phải tạm gác lại kịch bản giảm và cặp tiền có thể sẽ tiếp tục đi ngang.

Đồ thị USD/JPY khung 4H

Nhìn rộng hơn, xu hướng giảm từ mức 161.94 có thể xem là một sóng điều chỉnh của sóng từ đáy 102.58 (đáy năm 2021). Nếu cặp tiền tiếp tục giảm, vùng hỗ trợ mạnh được dự báo sẽ hình thành quanh ngưỡng thoái lui Fibonacci 38.2% (102.58 - 161.94) tại 139.26, tạo điều kiện cho nhịp phục hồi. Song, nếu mức 139.26 bị xuyên thủng một cách dứt khoát, khả năng giảm sâu hơn trong trung hạn sẽ mở ra, hướng về ngưỡng thoái lui Fibonacci 61.8% tại 125.25.

Đồ thị USD/JPY khung 1D

Action Forex

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ