Căng thẳng thương mại tạm lắng nhưng áp lực kinh tế vẫn âm ỉ – Loạt dữ liệu “nặng đô” sắp tới hứa hẹn thổi bùng một tuần giao dịch đầy “kịch tính”!

Căng thẳng thương mại tạm lắng nhưng áp lực kinh tế vẫn âm ỉ – Loạt dữ liệu “nặng đô” sắp tới hứa hẹn thổi bùng một tuần giao dịch đầy “kịch tính”!

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

15:01 28/04/2025

Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.

Bối cảnh chung

Phiên giao dịch đầu tuần này diễn ra đặc biệt trầm lắng, thậm chí xét theo cả sự yên ả thường thấy của một ngày thứ Hai tại Châu Á. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi lịch kinh tế vắng bóng các sự kiện quan trọng, không có nhiều yếu tố tác động đến thị trường. Song, thay vào đó, các nhà giao dịch đang thận trọng chờ đợi một loạt dữ liệu “nặng đô” sẽ được công bố trong tuần này, bao gồm: GDP của Mỹ và Eurozone; báo cáo lạm phát của Mỹ, Eurozone và Úc, cùng với bảng lương phi nông nghiệp (NFP).

Giai đoạn căng thẳng nhất của cú sốc thuế quan dường như đã qua, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Giờ đây, thị trường đang chuyển hướng sự chú ý sang việc những leo thang này liệu sẽ được phản ánh như thế nào trong các dữ liệu kinh tế thực. Những tín hiệu ban đầu từ dữ liệu PMI toàn cầu và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp khá trái chiều, nhưng các báo cáo quan trọng trong tuần này sẽ cung cấp bức tranh rõ ràng hơn. Hiện tại, tâm lý thị trường nhìn chung vẫn lạc quan một cách thận trọng, và tài sản rủi ro vẫn có khả năng mở rộng đà phục hồi nếu dữ liệu sắp tới duy trì sự tích cực hoặc mang đến những bất ngờ thú vị.

Đồng Yên (JPY) cũng sẽ là tâm điểm chú ý trong tuần này với quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và các dự báo kinh tế mới. JPY đã suy yếu đáng kể từ tuần trước do khẩu vị rủi ro được cải thiện trên toàn cầu. Cũng có nhiều đồn đoán rằng BoJ có thể trì hoãn việc tiếp tục tăng lãi suất để đối phó với những bất ổn do căng thẳng thương mại gây ra. Nếu các dự báo cập nhật của BoJ nghiêng về chính sách nới lỏng, JPY có thể sẽ tiếp tục mất giá so với các đồng tiền chủ chốt khác.

Phân tích kỹ thuật USD/JPY

Dưới góc độ kỹ thuật, đà phục hồi của USD/JPY từ đáy ngắn hạn 139.87 vẫn sẽ tiếp diễn miễn là hỗ trợ yếu 142.26 được giữ vững. Dù vậy, triển vọng ngắn hạn nhìn chung vẫn chưa thực sự lạc quan trừ khi cặp tiền này có thể vượt qua kháng cự 147.17, ứng với ngưỡng thoái lui Fibonacci 38.2% (158.86 - 139.87). Nếu thất bại trong việc chinh phục ngưỡng kháng cự này và sau đó rớt xuống dưới hỗ trợ 142.26, hoàn toàn có thể xem đây chỉ là một nhịp hồi kỹ thuật và nhiều khả năng cặp tiền sẽ kiểm trả lại đáy ngắn hạn 139.87.

Đồ thị USD/JPY khung 1D

Nhật Bản bác bỏ thông tin Mỹ mong muốn tỷ giá USD/JPY thấp hơn

Các quan chức Nhật Bản đã nhanh chóng bác bỏ thông tin báo chí cho rằng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent bày tỏ mong muốn tỷ giá USD/JPY thấp hơn, trong các cuộc họp song phương gần đây tại Washington.

Atsushi Mimura, quan chức ngoại hối hàng đầu của Nhật Bản, nhấn mạnh với các phóng viên rằng "phía Mỹ không đề cập đến bất kỳ mục tiêu tỷ giá hối đoái cụ thể nào" trong các cuộc thảo luận giữa Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato và người đồng cấp Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Kato cũng tái khẳng định trên mạng xã hội rằng vấn đề khuôn khổ tỷ giá hối đoái đã không được thảo luận, trực tiếp bác bỏ thông tin được đăng bởi tờ Yomiuri.

Mặt khác, trên nền tảng X, Bộ trưởng Bessent mô tả các cuộc đàm phán với Nhật Bản là "rất mang tính xây dựng", lưu ý rằng họ đã thảo luận về các vấn đề thương mại song phương và cả "những vấn đề liên quan đến tỷ giá hối đoái" mà không nêu rõ bất kỳ mong muốn cụ thể nào.

Trung Quốc tái khẳng định mục tiêu tăng trưởng, chưa triển khai gói kích thích lớn

Trung Quốc bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào việc đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay, đồng thời cam kết sẽ thực hiện các biện pháp hỗ trợ kịp thời và đa dạng trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ đang diễn ra. Song, chưa có gói kích thích lớn nào được công bố, cho thấy Bắc Kinh không vội vàng triển khai các biện pháp can thiệp có quy mô. Dường như chính quyền nước này đang theo dõi sát sao thời điểm và mức độ tác động của cú sốc thương mại trước khi quyết định các biện pháp mạnh mẽ hơn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, ông Triệu Thần Hân, nhấn mạnh tại một cuộc họp báo rằng Trung Quốc vẫn còn "nhiều dư địa và công cụ chính sách", đồng thời nêu bật các kế hoạch ổn định việc làm và củng cố dịch vụ việc làm công. Ở cuộc họp Bộ Chính trị do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì vào tuần trước, các quan chức đã kêu gọi cần giảm lãi suất “kịp thời" và tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ nền kinh tế. Bên cạnh đó, các biện pháp bổ sung để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, thúc đẩy tiêu dùng của các nhóm thu nhập trung bình và thấp, cùng với đẩy mạnh phát triển công nghệ và trí tuệ nhân tạo cũng được đề cập.

Một điểm sáng tích cực là dữ liệu chính thức được công bố cuối tuần qua cho thấy lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc đã trở lại đà tăng trưởng trong quý đầu tiên. Lợi nhuận tích lũy tăng 0.8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.5 nghìn tỷ Nhân dân tệ, đảo ngược mức giảm 0.3% trong hai tháng đầu năm.

Loạt dữ liệu “nặng đô” sắp tới có gì?

Mặc dù lịch kinh tế hôm thứ Hai khá im ắng, sự sôi động được cho là sẽ nhanh chóng quay trở lại với phát súng mở màn là quyết định lãi suất của BoJ và tóm tắt biên bản họp của Ngân hàng Trung ương Canada (BoC). Bên cạnh đó, hàng loạt dữ liệu kinh tế quan trọng cũng sẽ được công bố, bao gồm: GDP, PCE và NFP của Mỹ; GDP và CPI của Eurozone; CPI của Úc; GDP của Canada; các chỉ số PMI của Trung Quốc.

Bắt đầu với BoJ, ngân hàng trung ương này được dự đoán rộng rãi sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ngắn hạn ở mức 0.50% trong cuộc họp tuần này. Một cuộc khảo sát gần đây của Reuters cho thấy, chỉ khoảng một nửa số nhà kinh tế được hỏi vẫn dự đoán BoJ sẽ tăng lãi suất lên 0.75% trong Q3, giảm đáng kể so với tỷ lệ 70% hồi tháng 3. Ngoài ra, thị trường hiện đang phản ánh kỳ vọng BoJ sẽ tăng lãi suất thêm 25 bps vào cuối năm với xác suất khoảng 60%.

Nhìn chung, tác động của chính sách thuế quan mới do chính quyền Trump khởi xướng đã khiến triển vọng kinh tế Nhật Bản trở nên bất ổn, đặc biệt khi lợi nhuận của ngành sản xuất được dự báo sẽ suy giảm. Do đó, BoJ có thể trì hoãn việc tăng lãi suất và dự kiến sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong báo cáo triển vọng hàng quý sắp tới. Dù vậy, BoJ vẫn có thể phát đi tín hiệu rằng xu hướng tăng lương và lạm phát đang dần ổn định, tạo điều kiện cho việc tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ khi điều kiện cho phép.

Ở mặt trận khác, hàng loạt báo cáo kinh tế quan trọng sẽ được công bố tại Mỹ, bao gồm ước tính sơ bộ cho GDP Q1, lạm phát PCE, chỉ số PMI sản xuất ISM và báo cáo NFP. Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) gần đây đã khẳng định tháng 5 là quá sớm để cắt giảm lãi suất, nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy trọng tâm đang chuyển hướng trở lại vấn đề việc làm trong mục tiêu kép của Fed (kiểm soát lạm phát và tối đa hóa việc làm). Nếu thị trường lao động cho thấy những dấu hiệu suy yếu bất ngờ, khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6 có thể sẽ tăng mạnh (hiện đang ở mức khoảng 65%).

Đối với Eurozone, chúng ta sẽ có số liệu GDP và CPI sơ bộ. Các báo cáo cho thấy sự đồng thuận ngày càng tăng trong Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) về việc cắt giảm lãi suất một lần nữa vào tháng 6. Một cơ sở quan trọng là cú sốc lạm phát từ chính sách thuế quan của Mỹ không thực sự đáng ngại, với việc EUR tăng giá và tăng trưởng kinh tế chậm lại đang tạo áp lực giảm phát. Song, tính bền vững của xu hướng này vẫn còn là một dấu hỏi. Nếu lạm phát lõi của Eurozone tăng tốc trở lại, điều này có thể làm phức tạp kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ của ECB. Do đó, dữ liệu CPI tuần này sẽ rất quan trọng trong việc xác nhận hoặc bác bỏ kỳ vọng của thị trường về việc ECB sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách.

Sau cùng, đến với Úc, tâm lý thị trường đang nghiêng về khả năng Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ sớm tiếp tục cắt giảm lãi suất. Dữ liệu gần đây không mấy khả quan, với mức tăng trưởng tiền lương thấp hơn dự báo của RBA và chi tiêu tiêu dùng yếu hơn dự kiến. Cùng với những bất ổn thương mại toàn cầu dai dẳng, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, khả năng RBA cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế đã tăng lên đáng kể. Vì vậy, trừ khi dữ liệu CPI Q1 của Úc nóng hơn dự kiến, thị trường hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng nhiều hơn vào việc RBA cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 5.

Action Forex

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Điểm lại một số diễn biến đáng chú ý gần đây – Ánh sáng le lói về triển vọng thương mại; lạm phát, và những cảnh báo từ các ngân hàng trung ương lớn
Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

Điểm lại một số diễn biến đáng chú ý gần đây – Ánh sáng le lói về triển vọng thương mại; lạm phát, và những cảnh báo từ các ngân hàng trung ương lớn

Bất chấp những tín hiệu lạc quan ban đầu từ mặt trận thương mại, sự phục hồi của thị trường Châu Á vẫn còn dè dặt, cho thấy giới đầu tư đang chờ đợi những bằng chứng cụ thể về tiến bộ thực tế. Tâm điểm chú ý cũng đổ dồn vào dữ liệu lạm phát tại Nhật Bản và những cảnh báo về rủi ro thương mại từ các ngân hàng trung ương lớn.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ