Cuộc đối đầu giữa chính quyền Trump và Fed: Đâu mới là mối quan ngại thực sự?

Cuộc đối đầu giữa chính quyền Trump và Fed: Đâu mới là mối quan ngại thực sự?

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

15:45 22/04/2025

Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại MUFG Bank.

Đồng bạc xanh mở đầu tuần giao dịch với sự suy yếu rõ rệt, phản ánh nỗi lo ngại ngày càng gia tăng của giới đầu tư về nguy cơ tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bị xâm phạm trong việc hoạch định chính sách tiền tệ. Kết quả là tỷ giá USD/JPY đã trượt xuống dưới mốc 140.00 lần đầu tiên kể từ tháng 09/2024. Sự suy yếu của đồng bạc xanh diễn ra trên diện rộng, song song với một đợt bán tháo mới trên thị trường chứng khoán và trái phiếu Mỹ. Chỉ số S&P 500 chốt phiên giảm 2.4%, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm tăng trở lại trên 4.90%, tiệm cận đỉnh hồi đầu tháng (trên 5.00%). Việc giới đầu tư đồng loạt bán tháo USD, trái phiếu và chứng khoán cho thấy, bên cạnh chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đang thúc đẩy dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường Mỹ trong ngắn hạn, nguy cơ xâm phạm tính độc lập của Fed đang tiếp tục bào mòn niềm tin của nhà đầu tư vào các tài sản Mỹ.

Điều này hoàn toàn trùng khớp với quan điểm của chúng tôi rằng phần bù rủi ro đã được tính vào chỉ số DXY kể từ khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thuế quan đối ứng, vốn khó hóa giải trong thời gian tới. Những phát ngôn của ông Trump tuần trước, đáp trả bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Chicago, có thể phủ thêm một lớp mây mù bất ổn và đẩy phần bù rủi ro này lên cao hơn nữa. Vấn đề độc lập của Fed dưới thời Tổng thống Trump không còn xa lạ, nhưng những bình luận gần đây nhất của ông đã thể hiện rõ nét sự bất mãn của mình. Việc nhiệm kỳ của ông Powell "có thể sớm kết thúc" chắc chắn sẽ khơi dậy nhiều quan ngại, không hẳn về việc ông Trump sẽ trực tiếp cách chức ông Powell – một kịch bản khó có khả năng xảy ra – mà về việc ai sẽ là người kế nhiệm và liệu chính quyền Trump có âm thầm can thiệp vào hoạt động của Fed bằng các hình thức khác hay không.

Mối nguy cấp đối với tính độc lập của Fed càng làm trầm trọng thêm làn sóng bán tháo USD (Nguồn: Bloomberg, Macrobond & MUFG GMR)

Nỗi lo ngại về khả năng ông Trump tìm cách cách chức ông Powell đã dâng cao vào cuối tuần qua. Khi được hỏi liệu việc cách chức ông Powell có phải là một lựa chọn khả thi, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kevin Hassett phát biểu rằng "Tổng thống Trump và đội ngũ của ông sẽ tiếp tục xem xét vấn đề này". Ông Hassett còn nói thêm rằng "nếu bạn cho rằng việc Tổng thống Trump bày tỏ sự thất vọng với lịch sử chính sách của Fed là không thể chấp nhận, thì tôi nghĩ bạn cần phải suy nghĩ lại." Nhiệm kỳ Chủ tịch Fed của ông Powell sẽ kết thúc vào tháng 05/2026, còn nhiệm kỳ 14 năm với tư cách là thành viên Hội đồng Thống đốc sẽ kết thúc vào năm 2028.

Đạo luật Dự trữ Liên bang năm 1913 quy định rõ ràng rằng các thành viên Hội đồng Thống đốc, do tổng thống bổ nhiệm và được Thượng viện phê chuẩn với nhiệm kỳ 14 năm xen kẽ, chỉ có thể bị bãi nhiệm vì "lý do chính đáng". Chưa có tiền lệ pháp lý trực tiếp nào cho trường hợp này, bởi chưa từng có tổng thống nào tìm cách cách chức Chủ tịch Fed. Giới đầu tư đang dõi theo sát sao quyết định sắp tới của Tòa án Tối cao, sau khi Tổng thống Trump đệ đơn khẩn cấp ủng hộ quyết định sa thải thành viên Hội đồng quản trị của hai cơ quan độc lập khác là National Labor Relations Board (tạm dịch: Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia) và Merit Systems Protection Board (tạm dịch: Hội đồng Bảo vệ Hệ thống Công trạng). Đây được xem là một thách thức trực diện đối với tiền lệ 90 năm của Tòa án Tối cao, vốn hạn chế quyền lực của tổng thống trong việc cách chức những thành viên hội đồng quản trị của các cơ quan độc lập, trừ trường hợp tắc trách hoặc hành vi sai trái. Nếu tiền lệ này bị bác bỏ, việc sa thải ông Powell sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều đối với Tổng thống Trump. Dù vậy, ông Powell đã nhiều lần khẳng định chắc chắn rằng việc cách chức Chủ tịch Fed là không được phép theo luật.

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cũng tiết lộ vào tuần trước rằng chính quyền sẽ ưu tiên việc lựa chọn Chủ tịch Fed mới trước cuối năm nay, và tồn tại rủi ro rằng lựa chọn này có thể làm lung lay niềm tin vào tính độc lập của Fed. Kevin Warsh (từng là thành viên Hội đồng Thống đốc Fed), Kevin Hassett (Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia đương nhiệm) và Arthur Laffer (nhà kinh tế học nổi tiếng với lý thuyết cắt giảm thuế có thể dẫn đến tăng thu nhập từ thuế) là ba cái tên nổi bật trong danh sách ứng cử viên tiềm năng.

Nhìn chung, thị trường tài chính dường như nghiêng về Kevin Warsh, nhưng quan điểm diều hâu của ông thời còn tại Fed khiến ông không phải là một ứng cử viên dễ dàng được chấp thuận. Việc bổ nhiệm một người thân cận với Tổng thống Trump chắc chắn sẽ làm dấy lên quan ngại về nguy cơ Nhà Trắng can thiệp sâu hơn vào quá trình thảo luận chính sách. Cũng có nhiều đồn đoán về áp lực chính trị đang đè nặng lên Fed, buộc cơ quan này hạn chế thực thi chương trình hoán đổi tiền tệ – một công cụ quan trọng cung cấp thanh khoản USD toàn cầu trong giai đoạn thị trường bất ổn. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã được hỏi tại buổi họp báo tuần trước liệu bà có lo lắng về độ tin cậy chương trình hoán đổi tiền tệ này hay không, nhưng bà đã khéo léo né tránh trả lời trực tiếp.

Vấn đề cốt lõi đối với thị trường tài chính hiện nay, sau thông báo thuế quan đối ứng "Ngày Giải phóng", là nếu ông Trump sẵn sàng áp đặt mức thuế quan cao như hiện tại, thì khả năng ông sẽ tiếp tục gây chấn động thị trường bằng các biện pháp khác là rất cao. Điều này đồng nghĩa với việc bất ổn xoay quanh tính độc lập của Fed có thể leo thang và tiếp tục gây sức ép lên USD. Về ngắn hạn, đồng bạc xanh vẫn rất dễ bị tổn thương và có thể sẽ còn suy yếu hơn nữa.

Chương trình hoán đổi tiền tệ – Tâm điểm của những nghi vấn (Nguồn: Bloomberg, Macrobond & MUFG GMR)

MUFG Research

Broker listing

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ