Danske Bank Research: Hướng về Bắc Mỹ với dữ liệu lạm phát Hoa Kỳ và quyết định lãi suất của BoC

Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.

Điểm chính
Dữ liệu quan trọng nhất trong ngày hôm nay chính là chỉ số CPI tháng 11 của Mỹ. Chúng tôi dự báo lạm phát toàn phần thể sẽ giữ nguyên, ở mức 0.2% so với tháng trước sau khi điều chỉnh theo mùa, và 2.6% so với cùng kỳ năm ngoái, tương tự tháng 10. Lạm phát lõi có thể giảm nhẹ, dự kiến ở mức 0.2% so với tháng trước sau khi điều chỉnh theo mùa và 3.2% so với cùng kỳ năm ngoái (số liệu tháng 10 lần lượt là 0.3% và 3.3%). Nếu dữ liệu thực tế phù hợp với dự báo này, đây sẽ là cơ sở vững chắc để Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tuần tới.
Ở một diễn biến khác, vào lúc 21:45 theo giờ Việt Nam, Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) sẽ công bố quyết định lãi suất. Giới phân tích dự đoán BoC sẽ cắt giảm lãi suất 50 bps, trong khi thị trường đang định giá mức 41 bps. Mặt khác, chúng tôi cho rằng BoC sẽ chỉ cắt giảm 25 bps, đưa lãi suất điều hành xuống 3.50% trong bối cảnh lạm phát gần đây đã hạ nhiệt và tăng trưởng kinh tế Mỹ có khả năng lan tỏa tích cực sang năm 2025. Dù vậy, vẫn có khả năng BoC sẽ cắt giảm mạnh tay hơn với 50 bps, đặc biệt khi xét đến việc ngân hàng trung ương này đã nhấn mạnh tình trạng dư cung quá mức trong báo cáo chính sách tiền tệ tháng 10 và dữ liệu thị trường lao động ảm đạm tuần trước. Do cuộc họp lần này không đi kèm báo cáo chính sách tiền tệ mới, chúng tôi sẽ dành sự theo dõi đặc biệt đến bất kỳ tín hiệu nào về định hướng của BoC trong việc cắt giảm lãi suất vào năm 2025 tại cuộc họp báo ngay sau đó.
Sáng mai, chúng ta sẽ cùng đón chờ những tuyên bố chính sách từ Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc, bao gồm các ưu tiên kinh tế cho năm 2025. Chúng tôi kỳ vọng tuyên bố chính sách sẽ cho thấy những tín hiệu rõ ràng về việc Trung Quốc tiếp tục triển khai các biện pháp kích thích kinh tế, tuy nhiên, chi tiết cụ thể và số liệu có thể sẽ không được công bố.
Diễn biến đáng chú ý gần đây
Kinh tế Nhật Bản
Lạm phát bán buôn (PPI) cao hơn kỳ vọng, đạt 3.7% so với cùng kỳ năm ngoái (dự báo: 3.4%) và 0.3% so với tháng trước (dự báo: 0.2%). Xu hướng tăng liên tục trong ba tháng qua củng cố thêm dự báo của chúng tôi rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ nâng lãi suất vào tháng 12.
Kinh tế Mỹ
Chỉ số niềm lạc quan của doanh nghiệp nhỏ do NFIB công bố đã tăng vọt từ mức 93.7 của tháng 10 lên 101.7 vào tháng 11. Mặc dù vậy, kết quả này không hoàn toàn gây bất ngờ nếu xét đến việc chỉ số "bất ổn" chung của cuộc khảo sát đã đạt mức cao kỷ lục trước thềm bầu cử. Bối cảnh chính trị ổn định hơn cũng góp phần hỗ trợ cho hầu hết các chỉ số thành phần của cuộc khảo sát, khi các doanh nghiệp cho biết họ có kế hoạch tăng giá và tuyển dụng. Mặc dù điều này chắc chắn gây ra những lo ngại về lạm phát, chúng ta có thể sẽ cần phải chờ đợi thêm vài tháng nữa để những ảnh hưởng của cuộc bầu cử hoàn toàn tan biến.
Chứng khoán
Chứng khoán toàn cầu đồng loạt đi xuống vào hôm qua, đánh dấu phiên giảm thứ hai liên tiếp trong tuần. Các nhóm ngành chu kỳ, với cổ phiếu công nghệ có mức tăng trưởng cao dẫn đầu, là tác nhân chính gây ra đà giảm trên diện rộng. Có thể nói, thật thú vị khi quan sát động lực thị trường trong bối cảnh này. Chúng tôi nhận định rằng một trong những tín hiệu rõ ràng nhất về tác động của chính sách thương mại dưới thời Trump 2.0 lên dữ liệu vĩ mô đã xuất hiện hôm qua, thế nhưng thị trường chứng khoán vẫn khép lại phiên giao dịch trong sắc đỏ. Cụ thể, chỉ số NFIB đã ghi nhận mức cải thiện hàng tháng cao nhất từ trước đến nay, cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ đã gia tăng mạnh mẽ, nhưng thị trường chứng khoán dường như lại phớt lờ dữ liệu này.
Mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy giai đoạn đầu của các "Trump trade" đã được phản ánh vào giá cổ phiếu, nhưng không thể phủ nhận rằng sự cải thiện đáng kể của chỉ số NFIB đã làm tăng khả năng thị trường chứng khoán, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, sẽ tăng giá trong năm 2025, đi cùng với sự phục hồi của thị trường lao động. Kết phiên hôm qua, chỉ số Dow Jones và Russell 2000 cùng ghi nhận mức giảm 0.4%, trong khi S&P 500 và Nasdaq cũng có kết quả tương tự với 0.3%.
Nhận định thị trường ngoại hối
EUR/USD
EUR/USD giảm nhẹ trong một phiên giao dịch khá ảm đạm, trong khi USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền G10. Hôm qua không có nhiều dữ liệu đáng chú ý, ngoại trừ việc chỉ số niềm lạc quan doanh nghiệp nhỏ của NFIB tăng vọt trong tháng 11. Mức tăng này có thể đang phản ánh niềm lạc quan sau kết quả bầu cử Mỹ, báo hiệu một sự thay đổi trong chính sách kinh tế. Đáng chú ý, 9/10 chỉ số phụ của cuộc khảo sát ghi nhận mức tăng - lần cuối cùng điều này xảy ra là vào tháng 11/2016, sau chiến thắng đầu tiên của Trump.
Hôm nay, thị trường sẽ tập trung vào dữ liệu CPI tháng 11 của Mỹ. Nếu dữ liệu thực tế khớp với dự báo được đưa ra ở đầu bài viết của chúng tôi, kết quả này có thể khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm và gây áp lực nhẹ lên USD, củng cố kỳ vọng về việc Fed sẽ hạ lãi suất 25 bps vào cuộc họp tuần tới (hiện thị trường đang định giá mức cắt giảm 21 bps).
USD/JPY
USD/JPY đã tăng liên tục kể từ đầu tuần, tiến gần đến mức 152.00 trước khi thoái lui về giao dịch quanh 151.70 tại thời điểm viết bài, do kỳ vọng của thị trường về việc BoJ nâng lãi suất trong tháng 12 đã giảm bớt sau khi ngân hàng trung ương này bất ngờ thông báo về bài phát biểu và buổi họp báo của Phó Thống đốc Ryozo Himino vào ngày 14/01. Động thái này khá bất thường, bởi các thành viên Hội đồng quản trị BoJ thường không tổ chức các sự kiện như vậy trước thềm cuộc họp chính sách đầu tiên của năm mới. Vì vậy, thị trường đã diễn giải điều này như một tín hiệu ôn hòa, cho thấy BoJ có thể đang muốn định hình kỳ vọng về khả năng tăng lãi suất vào tháng 1 thay vì tháng 12. Do đó, xác suất BoJ tăng lãi suất trong tháng 12 đã giảm từ mức trên 60% hồi đầu tháng xuống còn khoảng 25% hiện tại.
Mặc dù vẫn giữ quan điểm rằng BoJ sẽ tăng lãi suất trong tháng 12, nhưng chúng tôi cũng nhận thấy rủi ro rằng họ có thể trì hoãn đến tháng 1 để có thời gian cho thị trường chuẩn bị tâm lý, tránh lặp lại tình huống đã xảy ra vào cuối tháng 7. Dù sao đi nữa, chúng tôi tin rằng chênh lệch lãi suất thu hẹp sẽ gây áp lực giảm lên USD/JPY trong năm tới, với mục tiêu cho 12 tháng là 135.00.
USD/CAD
Sự kiện quan trọng nhất đối với thị trường Canada hôm nay là quyết định lãi suất của BoC, được công bố vào lúc 21:45 theo giờ Việt Nam. Chúng tôi dự kiến BoC sẽ cắt giảm 25 bps, đưa lãi suất điều hành xuống 3.50%. Hiện tại, thị trường đang định giá mức cắt giảm 41 bps, và dự báo chung cũng nghiêng về con số 50 bps.
Mặc dù đồng ý là dữ liệu thị trường lao động tuần trước khá yếu, nhưng chúng tôi tin rằng sự đảo chiều gần đây của lạm phát cùng với tác động lan tỏa tiềm năng từ đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn của Mỹ trong năm tới sẽ ủng hộ cho mức cắt giảm 25 bps. Kết hợp với việc các kỳ vọng hiện tại đang nghiêng về phía short CAD, nếu BoC cắt giảm 25 bps, USD/CAD có thể sẽ giảm nhẹ trong thời gian đầu sau khi quyết định được công bố.
Về dài hạn, chúng tôi dự kiến USD/CAD sẽ tăng lên mức 1.4400 trong 12 tháng tới, một phần phản ánh kỳ vọng USD mạnh lên trong dài hạn. Cần lưu ý rằng cuộc họp lần này không đi kèm báo cáo chính sách tiền tệ mới, vì vậy, chúng tôi sẽ dành sự theo dõi đặc biệt đến bất kỳ tín hiệu nào về định hướng của BoC trong việc cắt giảm lãi suất vào năm 2025 tại cuộc họp báo ngay sau đó.
Danske Bank Research