“Ngày giải phóng” và cuộc tháo chạy ngầm của dòng vốn toàn cầu

Huyền Trần
Junior Analyst
Chính sách thuế mới của Trump có thể kích hoạt làn sóng rút vốn toàn cầu, đe dọa thị trường tài chính Mỹ và làm lung lay trật tự kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh đó, Mỹ, EU và Anh buộc phải tìm cách tự chủ về vốn để đối phó với những rủi ro đang gia tăng.

Việc cựu Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế mới mang tên “Ngày giải phóng” đã đánh dấu bước ngoặt trong cách Mỹ sử dụng thương mại như một công cụ chính trị. Ban đầu, giới đầu tư chỉ chú ý đến tác động trực tiếp của chính sách này lên danh mục cổ phiếu. Tuy nhiên, những hệ quả tiềm ẩn vượt xa thị trường chứng khoán và có một rủi ro trọng yếu đang dần hiện rõ: Nguy cơ dòng vốn toàn cầu suy giảm.
Rủi ro đầu tiên là dòng vốn đầu tư có thể dần rút khỏi Mỹ và chuyển hướng sang các thị trường khác. Nhiều khảo sát nhà đầu tư cho thấy xu hướng này đang diễn ra và có khả năng tăng tốc. Dòng vốn ETF trong sáu tháng qua cũng ghi nhận sự dịch chuyển rõ rệt từ các quỹ đầu tư vào Mỹ sang các quỹ bên ngoài nước Mỹ.
Rủi ro thứ hai là sự suy giảm của các dòng vốn xuyên biên giới do mất cân bằng thương mại. Về bản chất, tài khoản vãng lai và tài khoản vốn có mối liên hệ chặt chẽ. Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy quy mô thâm hụt và thặng dư tài khoản vãng lai phản ánh khá sát với các dòng vốn xuyên biên giới. Nếu chính sách thuế của Mỹ làm giảm thâm hụt thương mại, thì dòng vốn quốc tế chảy vào Mỹ cũng sẽ giảm theo.
Hệ quả sẽ đặc biệt nghiêm trọng đối với các tổ chức tài chính phi ngân hàng, vốn hiện đang nắm giữ khoảng 70% tổng tài sản tài chính của khu vực tư nhân Mỹ. Trong suốt thời gian qua, khả năng tiếp cận dòng vốn toàn cầu đã giúp các tổ chức này phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò trung gian phân bổ tiết kiệm toàn cầu vào nền kinh tế Mỹ qua cả tài sản niêm yết và phi niêm yết. Nếu bị hạn chế nguồn vốn quốc tế, các tổ chức này – cùng với những lĩnh vực kinh tế phụ thuộc vào họ – sẽ bị tổn thương. Đây có thể là rủi ro mà chính quyền Trump đã đánh giá chưa đầy đủ.
Rủi ro thứ ba là khả năng dòng vốn đầu tư sẽ quay trở lại nước sở tại khi dòng vốn toàn cầu bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị. Trong gần một thập kỷ qua, tỷ lệ trái phiếu chính phủ Mỹ do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đã giảm mạnh – từ 33% vào năm 2015 xuống chỉ còn 24% vào năm 2024. Nếu Mỹ tiếp tục bị coi là một đối tác không đáng tin cậy vì các chính sách thương mại khó lường, nhà đầu tư quốc tế có thể sẽ tiếp tục rút tiền về để giảm thiểu rủi ro.
Thậm chí, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Stephen Miran còn từng đề xuất trong một bài nghiên cứu rằng, do Trung Quốc không tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận thương mại với Mỹ, Mỹ nên yêu cầu Bắc Kinh đưa danh mục trái phiếu chính phủ Mỹ vào tài khoản ký quỹ để đảm bảo. Cách tiếp cận này chắc chắn sẽ làm xói mòn lòng tin của nhà đầu tư quốc tế đối với nợ công Mỹ.
Hệ lụy không chỉ dừng lại ở thị trường trái phiếu. Hiện nay, nhà đầu tư quốc tế đang nắm giữ khoảng 18% tổng giá trị thị trường chứng khoán Mỹ – một tỷ lệ đã tăng đều trong suốt 20 năm qua. Nếu các quốc gia đồng loạt rút vốn, dù là để chi cho quốc phòng hay để đáp trả chính sách thương mại của Mỹ, làn sóng bán tháo cổ phiếu có thể xảy ra. Điều này sẽ khiến giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, làm tổn hại đến tài sản của người dân Mỹ.
Thực tế Mỹ đang dễ bị tổn thương trước nguy cơ rút vốn và trả đũa cho thấy thế giới đang dịch chuyển từ mô hình “tự chủ sản xuất” sang “tự chủ về vốn”. Có lẽ vì vậy mà chính quyền Mỹ đang đẩy nhanh việc thành lập quỹ tài sản quốc gia. Nếu đi kèm với chương trình tư nhân hóa quy mô lớn và bán bớt tài sản công, quỹ này có thể vượt cả quy mô 1,800 tỷ USD của Quỹ đầu tư quốc gia Na Uy (Norges Bank). Một quỹ như vậy sẽ giúp Mỹ giảm bớt phụ thuộc vào vốn nước ngoài và hỗ trợ các ngành chiến lược trong nước phát triển.
Trong bối cảnh dòng vốn toàn cầu có nguy cơ suy giảm, châu Âu có thể sẽ đối mặt với thách thức còn lớn hơn. Tăng trưởng kinh tế của EU sẽ bị ảnh hưởng nếu nguồn vốn tư nhân trong khu vực không đủ để tài trợ cho những khoản đầu tư lớn. Khi đó, EU sẽ buộc phải dựa nhiều hơn vào nguồn vốn công để chi cho hạ tầng, quốc phòng và năng lượng. Nếu không sớm thúc đẩy Liên minh Thị trường Vốn châu Âu (EU Capital Markets Union), EU có thể đối mặt với khủng hoảng mang tính sống còn. Tình hình của Anh còn nghiêm trọng hơn, khiến nước này phải nhanh chóng mở rộng quy mô Quỹ Tài sản Quốc gia để ứng phó.
Hiện tại, phần lớn sự chú ý đang tập trung vào tác động ngắn hạn của chính sách thuế quan của Mỹ đối với thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, rủi ro dài hạn nghiêm trọng hơn lại nằm ở sự suy giảm của dòng vốn toàn cầu. Càng vũ khí hóa thương mại và đồng USD, chính quyền Mỹ càng dễ khiến nhà đầu tư quốc tế chủ động rút vốn khỏi Mỹ. Nếu các thể chế quốc tế từng hỗ trợ tự do thương mại từ thập niên 1980 tiếp tục bị phá bỏ, thế giới có thể quay lại thời kỳ kiểm soát vốn nghiêm ngặt như những năm 1960–1970.
Financial Times