Nhà đầu tư bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ do lo ngại thương chiến

Mai Khánh Linh
Junior Editor
Tháng này, cơn “bán tháo” trái phiếu Mỹ đã làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài – công cụ “cứu cánh” để tài trợ cho thâm hụt ngân sách.

Với các “ông lớn” quản lý trái phiếu như BlackRock, Brandywine và Vanguard, họ đang phải giải quyết một bài toán đầy biến số khi chính quyền Trump sắp bước qua ngày thứ 100 tại Nhà Trắng. Thay vì chỉ lo lắng về lãi suất, giờ đây nhà đầu tư phải cân nhắc hàng loạt câu hỏi:
-
Cuộc chiến thương mại, cắt giảm thuế và những chính sách “tủn mủn” của ông Trump sẽ ảnh hưởng thế nào đến tăng trưởng đã yếu, lạm phát dai dẳng và thâm hụt ngân sách ngày một lớn?
-
Liệu ông có tiếp tục đe dọa sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell, làm lung lay niềm tin vào ngân hàng trung ương?
-
Ông có đang cố tình hạ giá đồng USD để tạo lợi thế xuất khẩu?
Kết quả là mức độ rủi ro được định giá cao hơn: người mua trái phiếu dài hạn buộc phải đòi lợi suất lớn hơn. Theo chỉ số “phần bù kỳ hạn” (term premium), khoản phí bảo hiểm rủi ro này đang lên cao nhất kể từ năm 2014.
Phần bù kỳ hạn trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt
“Chúng ta đang bước sang một kỷ nguyên mới,” Jack McIntyre – người quản lý 63 tỷ USD tại Brandywine – chia sẻ. “Ngay cả khi Trump rút lại thuế quan, bất định vẫn còn cao, nghĩa là phần bù kỳ hạn khó giảm.”
Dĩ nhiên, nếu Trump đạt được thỏa thuận thương mại mới hoặc cam kết “buông tay” Fed, áp lực trên thị trường Kho bạc có thể dịu bớt. Nhưng trước khi Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent công bố kế hoạch phát hành trái phiếu mới vào thứ Tư, ông vẫn phải làm dịu những lo ngại đang chất chồng của nhà đầu tư.
Chính vì vậy, McIntyre đã giữ tỷ trọng danh mục gần trung lập so với chỉ số tham chiếu. Ông tin rằng trong kịch bản kinh tế chậm lại, lợi suất trái phiếu dài hạn sẽ tiếp tục ở mức cao hơn dự kiến trước đây.
Không phải tất cả nhà đầu tư đều tháo chạy khỏi trái phiếu Mỹ. JPMorgan Asset Management cho rằng trái phiếu Kho bạc Mỹ vẫn hấp dẫn hơn so với trái phiếu chính phủ châu Âu. Đợt đấu giá trái phiếu kỳ hạn 30 năm gần đây cũng cho thấy nhu cầu mua vào vẫn rất mạnh, miễn là mức giá đưa ra đủ hợp lý. Điều này giúp xua tan phần nào nỗi lo về việc nhà đầu tư quay lưng và khiến lợi suất dài hạn hạ nhiệt đôi chút so với đỉnh gần đây.
Tuy nhiên, tâm lý chung vẫn rất mong manh. Dù tuần trước Tổng thống Trump tuyên bố "không có ý định" sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell, những phát biểu chỉ trích Fed trước đó vẫn khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về tính độc lập của ngân hàng trung ương Mỹ.
Pacific Investment Management Co. (PIMCO) – quỹ trái phiếu trị giá 2,000 tỷ USD – so sánh đợt suy yếu đồng thời của đồng USD, chứng khoán Mỹ và trái phiếu Kho bạc lần này như một kịch bản thường thấy ở các thị trường mới nổi. Dù vậy, họ vẫn mua trái phiếu Mỹ, nhưng chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn ngắn hơn, từ 5 đến 10 năm.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu 30 năm – sau khi điều chỉnh theo lạm phát – đã vọt lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, trước khi giảm nhẹ. Dù đã hạ nhiệt, lợi suất hiện vẫn cao hơn so với trước ngày ông Trump công bố kế hoạch áp thuế hôm 2/4.
Theo Vanguard, nếu thâm hụt ngân sách Mỹ tiếp tục nới rộng, phần bù kỳ hạn (term premium) đối với trái phiếu dài hạn sẽ còn tăng thêm.
"Term premium hiện không còn thấp, nhưng cũng chưa lên tới mức cao lịch sử," Rebecca Venter, Giám đốc sản phẩm thu nhập cố định cấp cao tại Vanguard, nhận định. "Với những rủi ro tài khóa đang tích tụ, phần bù kỳ hạn hoàn toàn có thể tiếp tục mở rộng theo thời gian."
Vanguard dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay sẽ dưới 1%, mức yếu nhất kể từ năm 2020 – và điều đó sẽ càng khiến bức tranh ngân sách Mỹ thêm ảm đạm.
Chương Tiếp Theo
Khi Bộ Tài chính Mỹ công bố kế hoạch phát hành trái phiếu mới trong tuần này, Phố Wall dự báo quy mô đấu thầu sẽ duy trì ổn định trong ba tháng tới. Tuy nhiên, với việc đảng Cộng hòa đang tranh cãi cách cân đối ngân sách để tài trợ cho chương trình giảm thuế, vấn đề tài khóa sẽ trở thành yếu tố chính chi phối phần bù kỳ hạn trong thời gian tới.
Mỗi điểm phần trăm lợi suất tăng thêm đều mang lại gánh nặng lớn cho chính phủ Mỹ, vốn đang chi hơn 1,000 tỷ USD mỗi năm để trả lãi nợ.
Tại BlackRock, nhà quản lý tài sản gần 12,000 tỷ USD, đợt bán tháo tài sản Mỹ hồi đầu tháng này càng làm nổi bật mối lo về sức khỏe tài chính của chính phủ Mỹ sau đại dịch và sự mong manh của niềm tin vào trái phiếu Kho bạc.
"Đợt bán tháo cho thấy nhà đầu tư đang đòi hỏi phần thưởng rủi ro cao hơn, và khiến sự cân bằng mong manh của thị trường hiện ra rõ ràng," Viện đầu tư BlackRock (BlackRock Investment Institute) cho biết.
George Catrambone, Giám đốc của DWS Americas, cho rằng phần bù kỳ hạn có thể giảm trở lại nếu chính quyền Mỹ làm rõ định hướng và đạt được các thỏa thuận thương mại, nhưng sẽ khó có thể quay về mức thấp như giai đoạn thập kỷ trước.
Khi mọi chuyện rõ ràng hơn và các thỏa thuận được ký kết, tôi kỳ vọng phần bù kỳ hạn sẽ hạ nhiệt," ông nhận định, "nhưng nỗi lo về tình hình tài khóa sẽ vẫn luôn là sức ép thường trực."
Bloomberg