Sự thận trọng trước thềm công bố loạt dữ liệu then chốt sắp tới dường như đã giúp thị trường đạt đến cảnh giới “miễn nhiễm” với tin tức thương mại

Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.

Bối cảnh chung
Phiên hôm nay, không khí vẫn tương đối trầm lắng, đặc biệt là khi thị trường Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ Showa và giới đầu tư chưa vội vàng thiết lập các vị thế mới. CAD biến động nhẹ sau kết quả bầu cử, với việc Đảng Tự do cầm quyền tiếp tục nắm quyền nhưng không đạt được đa số tuyệt đối trong quốc hội. Mặc dù ban đầu có đôi chút rung lắc, đồng tiền này vẫn dao động trong một biên độ hẹp. Nhìn chung, diễn biến trên thị trường tiền tệ khá mờ nhạt, khi các nhà giao dịch chủ yếu đứng ngoài quan sát, chờ đợi loạt dữ liệu kinh tế quan trọng được công bố vào cuối tuần.
Căng thẳng thương mại vẫn là chủ đề nóng hổi, tuy nhiên, thị trường dường như đã “miễn nhiễm” với những thông tin này. Ngay cả tin tức về việc chính quyền Trump sắp công bố các biện pháp nhằm giảm nhẹ tác động của thuế quan ô tô cũng không tạo ra nhiều phản ứng đáng kể. Các báo cáo chỉ ra rằng Nhà Trắng có kế hoạch giảm bớt gánh nặng cho những nhà sản xuất ô tô trong nước bằng cách giảm thuế đối với các linh kiện nhập khẩu và tránh đánh thuế chồng chéo lên xe thành phẩm, đặc biệt là thép và nhôm. Việc hoàn thuế đã nộp cũng đang được xem xét. Một quan chức Nhà Trắng đã xác nhận thông tin này và cho biết thông báo chính thức sẽ được đưa ra trong hôm nay.
Bối cảnh địa chính trị liên quan đến thương mại cũng đang có những diễn biến mới. Các ngoại trưởng của khối BRICS đã nhóm họp để thảo luận về một phản ứng chung trước làn sóng áp thuế mới nhất của Mỹ. Trung Quốc, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với mức thuế 145% đánh vào hàng xuất khẩu sang Mỹ, đã thúc đẩy một lập trường cứng rắn hơn. Song, thông cáo chung cuối cùng dự kiến sẽ mang giọng điệu phản đối nhưng vẫn kiềm chế, thể hiện sự bất bình mà không đẩy căng thẳng leo thang.
Cho đến cuối ngày, thị trường sẽ tiếp tục dõi theo các báo cáo về tâm lý người tiêu dùng từ Đức và Mỹ, mặc dù tác động của chúng có thể chỉ là nhất thời. Điểm nhấn tiếp theo sẽ là số liệu GDP của Eurozone và Mỹ được công bố vào ngày mai. Với bối cảnh lo ngại suy thoái đang gia tăng trên toàn cầu, những con số này có thể định hình kỳ vọng về các động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).
Xét về hiệu suất của các đồng tiền trong tuần này, tính đến thời điểm viết bài, JPY hiện đang dẫn đầu, theo sau là GBP và CHF. Ngược lại, NZD đã đảo chiều và trở thành đồng tiền yếu nhất, kế đến là CAD và USD. EUR và AUD giữ vị trí trung lập.
Phân tích kỹ thuật GBP/USD
Việc GBP/USD tăng vọt trong phiên hôm qua, xuyên nhẹ qua đỉnh của năm 2024 (1.3433) trước khi thoái lui trở lại cho thấy xu hướng tăng từ đáy của năm 2022 (1.035) có khả năng sẽ tiếp diễn. Việc duy trì giao dịch trên mức 1.3433 sẽ củng cố kịch bản tăng này. Đi theo kịch bản này, mục tiêu tiếp theo trong ngắn hạn nhiều khả năng sẽ là ngưỡng Fibonacci mở rộng 61.8% (1.3422 - 1.2706 - 1.3232) tại 1.3674. Ngược lại, trong trường hợp GBP/USD quay đầu giảm và thủng hỗ trợ 1.3232, báo hiệu sự từ chối tại kháng cự 1.3433, khả năng cặp tiền sẽ tiếp đà giảm về đường EMA 55 ngày (ở mức 1.2978 tại thời điểm viết bài), thậm chí sâu hơn.
Đồ thị GBP/USD khung 4H
Đồ thị GBP/USD khung 1D
Quan chức RBA nhấn mạnh sự gia tăng biến động tỷ giá, khẳng định tầm quan trọng của các tiêu chuẩn thị trường
Trợ lý Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) – Christopher Kent, trong bài phát biểu hôm nay đã lưu ý rằng đầu tháng 4 là thời điểm chứng kiến những biến động mạnh nhất trên thị trường ngoại hối kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ông nhấn mạnh rằng AUD đã dao động trong biên độ 400 pip và có thời điểm mất giá tới 4.5% so với USD chỉ trong một ngày — một mức biến động lớn bất thường.
Kent cũng chỉ ra rằng các thước đo biến động tỷ giá rộng hơn, chẳng hạn như các chỉ số phái sinh từ thị trường quyền chọn, đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ đại dịch, với điều kiện thanh khoản suy giảm đáng kể. Mặc dù thị trường đã phần nào ổn định trở lại trong những ngày gần đây, ông nhấn mạnh rằng những biến động như vậy là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của Bộ Quy tắc Ứng xử Toàn cầu trên thị trường ngoại hối (FX Global Code).
Ông khẳng định rằng trong giai đoạn bất ổn gia tăng, các thông lệ tiêu chuẩn và cam kết minh bạch của Bộ Quy tắc giúp duy trì niềm tin giữa các bên tham gia và đảm bảo hoạt động trơn tru của thị trường, ngay cả khi đối mặt với những cú sốc kinh tế đáng kể.
CAD ổn định khi Đảng Tự do dự kiến tiếp tục cầm quyền, nhưng không đạt được đa số
Đồng Loonie vẫn ổn định sau cuộc tổng tuyển cử, chỉ ghi nhận những biến động nhẹ khi kết quả sơ bộ được công bố. Đảng Tự do cầm quyền, do Thủ tướng Mark Carney lãnh đạo, dự kiến sẽ tiếp tục nắm quyền. Song, việc chưa rõ liệu đảng này có giành được đa số tuyệt đối hay không đã khiến đà tăng của CAD nhanh chóng chững lại.
Với 156 ghế giành được, so với 145 ghế của Đảng Bảo thủ, Đảng Tự do vẫn chưa đạt được con số 172 ghế cần thiết để giành đa số trong Hạ viện 343 ghế. Sự lãnh đạo của ông Carney, cựu Thống đốc của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương Canada (BoC), được coi là một tín hiệu ổn định cho đất nước, mang lại một mức độ tin tưởng nhất định cho các nhà đầu tư. Mặc dù vậy, lập trường cứng rắn hơn của ông đối với Mỹ về vấn đề thuế quan cho thấy mối quan hệ thương mại song phương có thể đối mặt với những thách thức mới trong những tháng tới, với những cuộc đàm phán dự kiến sẽ khó khăn hơn.
Phân tích kỹ thuật USD/CAD
USD/CAD nhìn chung vẫn đang trong giai đoạn tích lũy sau khi chững lại đà giảm và hình thành đáy ngắn hạn tại 1.3780. Một đợt phục hồi khác có thể hướng đến kháng cự yếu 1.3903. Dù vậy, đà tăng có thể bị chặn lại bởi kháng cự ứng với ngưỡng Fibonacci thoái lui 38.2% (1.4791 - 1.3780) tại 1.4166. Về cơ bản, xu hướng giảm từ 1.4791 dự kiến sẽ tiếp diễn trong giai đoạn tới.
Đồ thị USD/CAD khung 4H
Action Forex