Thị trường dầu mỏ - "bia đỡ đạn" đầu tiên từ chính sách thuế quan của Trump

Thị trường dầu mỏ - "bia đỡ đạn" đầu tiên từ chính sách thuế quan của Trump

Trà Giang

Trà Giang

Junior Editor

16:34 03/02/2025

Tuần này, thị trường tài chính toàn cầu đang tập trung vào bước đi mới nhất của chính quyền Trump: áp thuế mạnh đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico. Động thái này ngay lập tức đặt ra câu hỏi lớn đối với giới đầu tư: Phố Wall sẽ phản ứng ra sao?

Trong bối cảnh chính quyền Trump II tiếp tục theo đuổi chính sách thương mại cứng rắn và khó đoán, thị trường vẫn đang tìm cách đánh giá liệu các mức thuế này chỉ mang tính tạm thời để gây sức ép hay sẽ được duy trì lâu dài. Tổng thống Trump từng ám chỉ rằng nếu Canada và Mexico có động thái nhượng bộ, chẳng hạn như tăng cường hợp tác trong vấn đề nhập cư và kiểm soát buôn lậu ma túy, thì các mức thuế có thể được điều chỉnh. Tuy nhiên, ông cũng đã đưa ra một tuyên bố gây tranh cãi rằng giải pháp lý tưởng là… Canada trở thành một bang của Mỹ, đồng thời cảnh báo rằng nếu các nước láng giềng có hành động trả đũa – điều đã bắt đầu xảy ra – thì Mỹ sẽ tiếp tục nâng thuế lên mức cao hơn nữa.

Trước mắt, thị trường chứng khoán và trái phiếu Mỹ vẫn đang giữ tâm lý thận trọng, chưa có phản ứng quá mạnh mẽ đối với quyết định này. Tuy nhiên, khi các mức thuế chính thức có hiệu lực, liệu hôm nay có phải là thời điểm mà sự bình tĩnh đó bị phá vỡ?

Nếu chính quyền Trump duy trì chính sách thuế quan này trong dài hạn, giới phân tích nhận định rằng tác động đối với nền kinh tế Mỹ sẽ không nhỏ. Tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại, lạm phát có xu hướng gia tăng, khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất trong năm nay bị thu hẹp, trong khi nguồn thu ngân sách Mỹ có thể tăng lên nhờ thuế nhập khẩu. Những yếu tố này nhiều khả năng sẽ khiến đồng USD tiếp tục mạnh lên, gây áp lực lên thị trường chứng khoán và đẩy lãi suất ngắn hạn lên cao hơn.

Đây là một kịch bản hợp lý mà nhiều chuyên gia đã dự báo, và các tín hiệu giao dịch sớm trong ngày hôm nay dường như đang phản ánh chính xác xu hướng đó. Nhà đầu tư hiện đang theo dõi sát sao các nhóm ngành bị ảnh hưởng trực tiếp, đặc biệt là ngành xây dựng nhà ở (do giá gỗ nhập khẩu từ Canada tăng cao) và ngành sản xuất ô tô (do chuỗi cung ứng linh kiện từ Mexico bị gián đoạn).

Trong thời điểm nhạy cảm này, câu hỏi đặt ra là: Liệu thị trường có còn tiếp tục phớt lờ căng thẳng thương mại, hay đây sẽ là bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi trong xu hướng giao dịch?

Một trong những tác động đáng lo ngại nhất từ quyết định áp thuế mới đây của chính quyền Trump chính là ảnh hưởng đến nguồn cung dầu nhập khẩu từ Canada – yếu tố có thể tác động sâu rộng đến nền kinh tế Mỹ theo cách mà thị trường chưa lường hết được.

Năm 2024, Canada cung cấp tới 55% tổng lượng dầu nhập khẩu của Mỹ, chiếm khoảng 23% tổng mức tiêu thụ dầu nội địa. Trước đây, nhiều chuyên gia cho rằng dầu mỏ, với vai trò là một mặt hàng giao dịch toàn cầu, sẽ không chịu tác động lớn từ thuế quan vì thị trường có thể tự điều chỉnh. Tuy nhiên, khi đi sâu vào phân tích, quan điểm này dường như không còn vững chắc.

Mặc dù dầu là một hàng hóa toàn cầu, nhưng cơ sở hạ tầng phục vụ ngành này lại có tính địa phương hóa cao. Bài học từ châu Âu sau khi cắt giảm dầu Nga đã chứng minh rõ điều này: ngay cả khi các tuyến vận chuyển đường biển mới được thiết lập, giá dầu vẫn duy trì ở mức cao trong nhiều tháng, và giá dầu Brent ở châu Âu còn bị ảnh hưởng mạnh hơn so với dầu WTI ở Mỹ.

Riêng trong trường hợp Mỹ - Canada, sự phụ thuộc còn lớn hơn rất nhiều. Không chỉ là đối tác thương mại, hai nước còn có mạng lưới đường ống khổng lồ kết nối trực tiếp, kéo dài hàng nghìn dặm. Bên cạnh đó, các nhà máy lọc dầu của Mỹ đã đầu tư hàng chục năm để tối ưu hóa quy trình xử lý dầu thô nặng từ Canada – loại dầu có giá rẻ hơn đáng kể so với dầu nhẹ từ các nguồn khác.

Rory Johnston, chuyên gia phân tích tại Crude Chronicles, giải thích:

"Canada chiếm phần lớn lượng dầu nhập khẩu của Mỹ vì thứ nhất dầu nặng của Canada có giá thấp hơn, thứ hai các nhà máy lọc dầu Mỹ đã tối ưu hóa công nghệ để xử lý loại dầu này suốt nhiều thập kỷ, và cuối cùng hệ thống đường ống dẫn dầu đã được xây dựng và rất khó thay thế trong ngắn hạn."

Chính quyền Trump dường như cũng nhận thức rõ rủi ro chính trị khi giá dầu tăng cao, do đó đã quyết định áp thuế dầu Canada ở mức 10%, thấp hơn nhiều so với các mặt hàng khác. Tuy nhiên, ngay cả mức thuế này cũng có thể tạo áp lực lớn lên tăng trưởng kinh tế Mỹ và khiến chi phí sản xuất trong nước tăng cao.

Todd Fredin, cựu giám đốc tại Motiva Enterprises (một trong những nhà phân phối nhiên liệu lớn thuộc sở hữu của Saudi Aramco và Shell), cảnh báo rằng:

"Thuế quan đối với dầu Canada sẽ làm suy yếu chính sách công nghiệp của Mỹ. Khi giá dầu tại Mỹ tăng trong khi giá dầu toàn cầu lại có thể giảm nhẹ, nền kinh tế Mỹ sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Cộng với sự khó đoán định trong chính sách tài khóa và lao động, điều này có thể khiến các tập đoàn ngần ngại mở rộng đầu tư sản xuất."

Điều này có nghĩa là, trong khi chính quyền Trump áp thuế để bảo vệ nền kinh tế trong nước, chính sách này có thể tạo ra tác động ngược, khiến chi phí năng lượng cao hơn, làm giảm sức hấp dẫn của Mỹ trong mắt các nhà đầu tư và có nguy cơ làm suy yếu động lực tăng trưởng.Các mức thuế này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày mai.

Báo cáo GDP sơ bộ quý IV/2024 cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2.3%, một con số tích cực, với động lực chủ yếu đến từ tiêu dùng cá nhân – yếu tố được xem là xương sống của nền kinh tế. Đáng chú ý, chi tiêu cho hàng hóa lâu bền, vốn khá biến động sau đại dịch, đã tăng mạnh trong quý IV, với mức tăng 12% (theo năm hóa) so với quý III và 3.3% trong cả năm.

Tuy nhiên, khi đi sâu vào từng phân khúc, một nghịch lý đáng lưu tâm xuất hiện: dù doanh số xe hơi tăng trưởng tốt (tăng gần 3% trong năm 2024), nhiều mặt hàng xa xỉ khác lại suy giảm đáng kể. Dữ liệu từ các doanh nghiệp lớn cho thấy:

  • Harley-Davidson: Doanh số mô tô tại Bắc Mỹ giảm 10%.
  • MasterCraft: Doanh số du thuyền giảm 31%.
  • MarineMax: Doanh số bán lẻ thuyền giảm 11%.
  • Williams-Sonoma: Doanh số đồ gia dụng cao cấp giảm 3%.
  • Pool Corporation: Doanh số bể bơi giảm 3%.
  • Tempur Sealy: Doanh số nệm giảm 1%.
  • Whirlpool: Doanh số máy giặt giảm 2%.

Hiện tượng này đặt ra câu hỏi: điều gì đang thực sự xảy ra với xu hướng tiêu dùng tại Mỹ?

Một số giả thuyết đã được đưa ra để giải thích sự suy giảm trong chi tiêu đối với hàng xa xỉ. Thứ nhất, hiệu ứng bão hòa sau đại dịch có thể đang diễn ra, khi trong những năm trước, người tiêu dùng đã chi tiêu mạnh tay cho các mặt hàng đắt đỏ, đặc biệt là những sản phẩm phục vụ giải trí tại nhà. Giờ đây, khi nhu cầu đã đạt đỉnh, chi tiêu bắt đầu chững lại. Thứ hai, sự chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến (Amazon effect) đang thay đổi hành vi tiêu dùng một cách đáng kể. Các nền tảng thương mại điện tử ngày càng chiếm ưu thế, khiến nhiều thương hiệu truyền thống gặp khó khăn trong việc duy trì doanh số. Thứ ba, thị trường bất động sản trì trệ cũng có thể là nguyên nhân quan trọng. Khi hoạt động mua bán nhà giảm tốc, nhu cầu đối với các mặt hàng liên quan đến nhà cửa như nội thất, thiết bị gia dụng hay bể bơi cũng suy yếu theo. Những yếu tố này kết hợp lại có thể giải thích cho sự sụt giảm trong chi tiêu hàng xa xỉ, đồng thời đặt ra những lo ngại về triển vọng tiêu dùng trong thời gian tới.

Financial Times

Broker listing

Cùng chuyên mục

Lưới an toàn yếu dần: Căng thẳng tín dụng âm ỉ trong hệ thống ngân hàng Mỹ
Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

Lưới an toàn yếu dần: Căng thẳng tín dụng âm ỉ trong hệ thống ngân hàng Mỹ

Giá trị các khoản vay được điều chỉnh tại các ngân hàng Mỹ đã tăng gấp bốn lần trong hai năm, cho thấy áp lực tài chính đang tích tụ bên dưới bề mặt. Dù tỷ lệ nợ quá hạn mới có dấu hiệu chậm lại, phần lớn cải thiện này chỉ đến từ việc điều chỉnh lại điều khoản cho vay. Trong khi đó, quỹ dự phòng của nhiều tổ chức đang mỏng đi đáng kể, làm dấy lên lo ngại về khả năng chống chịu trước những cú sốc kinh tế sắp tới.
Những hệ lụy đáng sợ từ cuộc đấu giá trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 20 năm

Những hệ lụy đáng sợ từ cuộc đấu giá trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 20 năm

Hôm qua chúng ta đã nói về kết quả đáng thất vọng của cuộc đấu giá trái phiếu kho bạc 20 năm trị giá 15 tỷ đô la – tạo ra một trong những sự kiện đáng chú ý nhất năm 2025 và ngay lập tức gợi ra sự so sánh với cuộc đấu giá trái phiếu kho bạc Nhật Bản 20 năm thảm khốc của chính Nhật Bản vào đầu năm nay, gây ra một đợt bán tháo dữ dội đối với cả trái phiếu và cổ phiếu.
Câu chuyện cổ phiếu Mỹ: Không còn “ngon ăn” như trước?
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Câu chuyện cổ phiếu Mỹ: Không còn “ngon ăn” như trước?

Từng được xem là thiên đường đầu tư với sức mạnh từ Big Tech và đồng USD vững chắc, thị trường Mỹ giờ đây đang khiến nhiều nhà đầu tư phải đặt dấu hỏi. Khi cổ phiếu châu Âu bứt phá mạnh mẽ và đồng bạc xanh suy yếu, niềm tin vào “chủ nghĩa đặc biệt” của Mỹ bắt đầu lung lay. Phải chăng thời kỳ hoàng kim của Phố Wall đang dần khép lại?
BoJ thận trọng với lộ trình tăng lãi suất, chưa vội can thiệp thị trường trái phiếu
Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

BoJ thận trọng với lộ trình tăng lãi suất, chưa vội can thiệp thị trường trái phiếu

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản không thấy cần thiết phải điều chỉnh mạnh kế hoạch cắt giảm mua trái phiếu, trừ khi thị trường biến động nghiêm trọng. Thành viên Hội đồng Asahi Noguchi nhấn mạnh BoJ nên tiếp tục tăng lãi suất một cách thận trọng, do lạm phát hiện tại chủ yếu đến từ chi phí nhập khẩu chứ không phải tăng lương bền vững. Lạm phát dịch vụ vẫn chưa vượt 2%, khiến mục tiêu giá ổn định dài hạn vẫn còn xa.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ