Thuế áp rồi mà giá chưa tăng: Lạm phát Mỹ đang tạm yên trước sóng ngầm?

Mai Khánh Linh
Junior Editor
Lạm phát tại Mỹ trong tháng 4 tăng chậm hơn dự kiến, trong bối cảnh giá quần áo và ô tô gần như đi ngang. Điều này cho thấy các doanh nghiệp hiện vẫn chưa vội chuyển gánh nặng thuế quan sang người tiêu dùng.

Theo dữ liệu công bố hôm thứ Ba từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi – không bao gồm thực phẩm và năng lượng – tăng 0.2% so với tháng trước. Đây là tháng thứ ba liên tiếp lạm phát tăng thấp hơn kỳ vọng.
Báo cáo CPI cho thấy hai xu hướng chính trong nền kinh tế. Một là các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan – như xe hơi mới và quần áo – không tăng giá mạnh như dự báo. Điều này cho thấy các nhà nhập khẩu và nhà bán lẻ đang tạm thời hấp thụ một phần chi phí tăng thêm, và phần lớn hàng nhập khẩu bán ra trong thời gian này có thể đã được đưa về trước khi thuế mới áp lên Trung Quốc có hiệu lực.
Hai là, giá dịch vụ trong các lĩnh vực như du lịch và giải trí có dấu hiệu suy yếu, phản ánh việc người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu cho các nhu cầu không thiết yếu.
Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ tăng thấp hơn dự báo
Thỏa thuận tạm thời giúp hạ nhiệt lo ngại suy thoái
Thỏa thuận đình chiến thương mại 90 ngày đạt được cuối tuần qua giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến nhiều dự báo tiêu cực về tác động của thuế quan được điều chỉnh lại. Dù nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ có thể tránh được suy thoái, mức thuế hiện tại vẫn khiến lạm phát duy trì trên mức mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Thỏa thuận này tạm thời hạ tổng mức thuế trung bình đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ 145% xuống khoảng 30%, mang lại phần nào sự nhẹ nhõm. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp ồ ạt nhập hàng để dự trữ trước khi giai đoạn "đình chiến" kết thúc, điều này có thể gây tắc nghẽn cảng và đẩy giá cả tăng nhanh hơn trong các tháng tới – theo phân tích của Bloomberg Economics.
Ngay cả khi mức thuế được giảm tạm thời, các nhà nhập khẩu Mỹ vẫn phải đối mặt với chi phí thương mại cao hơn và lo ngại rằng thuế có thể được tái áp khi thời hạn 90 ngày kết thúc.
Lạm phát hàng hóa lõi vẫn đang “ẩn mình”
Dữ liệu CPI cho thấy tác động từ thuế quan lên giá hàng hóa lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) vẫn còn hạn chế – chỉ tăng nhẹ trong tháng 4.
“Chúng ta có thể đang ở trong một ‘giai đoạn dễ chịu tạm thời’ về xu hướng lạm phát lõi. Giá hàng hóa lõi vẫn chưa phản ánh đầy đủ tác động của thuế quan từ tháng 2, trong khi lạm phát dịch vụ đang dần giảm,” Brian Coulton, kinh tế trưởng tại Fitch Ratings, nhận định. “Tuy nhiên, lạm phát hàng hóa lõi có thể sẽ tăng trở lại trong vài tháng tới khi nguồn hàng nhập khẩu trước thuế dần cạn kiệt.”
Dữ liệu CPI tháng 4 của Mỹ: Thực tế vs. Dự báo
Phản ứng với dữ liệu lạm phát nhẹ nhàng, chỉ số S&P 500 mở cửa tăng điểm, trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục tăng giá, và đồng USD giảm giá.
Fed giữ nguyên lãi suất, kỳ vọng cắt giảm tăng lên
Trước những diễn biến khó lường xoay quanh chính sách thuế quan và tác động của nó đến nền kinh tế, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) được dự báo sẽ tiếp tục duy trì lãi suất hiện tại trong thời gian tới. Tuy nhiên, số liệu lạm phát yếu mới công bố đang làm tăng kỳ vọng rằng Fed có thể cắt giảm lãi suất ít nhất hai lần trong năm nay.
Một số tập đoàn lớn như Nintendo hay Procter & Gamble từng cho biết họ sẽ cố gắng chuyển phần chi phí tăng thêm từ thuế quan sang người tiêu dùng. Tuy vậy, khả năng thực thi điều này đang bị nghi ngờ, khi nhu cầu tiêu dùng có dấu hiệu chững lại. Báo cáo doanh số bán lẻ dự kiến công bố vào thứ Năm tới có thể sẽ cho thấy mức chi tiêu trong tháng 4 gần như không tăng.
Giá trứng giảm mạnh, nhưng đồ nội thất và thiết bị gia dụng lại tăng
Dữ liệu CPI cũng cho thấy giá thực phẩm tại siêu thị giảm mạnh nhất kể từ năm 2020, chủ yếu do giá trứng giảm sâu nhất kể từ năm 1984. Tuy nhiên, giá các mặt hàng như nội thất và thiết bị gia dụng – vốn chủ yếu được nhập khẩu – lại tăng mạnh.
“Báo cáo cho thấy tác động lạm phát từ chính sách thuế quan của ông Trump cần được xem xét cùng với ảnh hưởng gián tiếp lên khu vực dịch vụ. Do dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong rổ CPI, nên xu hướng giảm phát trong lĩnh vực này có thể bù trừ cho đà tăng của giá hàng hóa – đúng như những gì báo cáo tháng 4 phản ánh.” Anna Wong & Stuart Paul, chuyên gia kinh tế tại, nhận định
Chi phí nhà ở vẫn là “đầu kéo” lạm phát dịch vụ
Dù thị trường đang tập trung vào tác động của thuế quan đối với giá hàng hóa, thì một trong những yếu tố chính thúc đẩy lạm phát trong những năm gần đây lại là chi phí nhà ở – lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm dịch vụ. Riêng trong tháng 4, giá thuê nhà tiếp tục tăng 0.3%.
Nếu loại trừ chi phí nhà ở và năng lượng, giá dịch vụ trong tháng 4 tăng 0.2% sau khi giảm trong tháng 3. So với cùng kỳ năm trước, mức tăng là 2.7% – thấp nhất trong vòng 4 năm. Đây là chỉ số được giới hoạch định chính sách tiền tệ đặc biệt quan tâm để đánh giá xu hướng lạm phát cốt lõi, dù họ sử dụng một hệ đo khác là PCE – chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân.
PCE không đặt nặng chi phí nhà ở như CPI, nên thường có mức tăng thấp hơn và hiện đang tiệm cận mục tiêu 2% của Fed. Báo cáo về chỉ số giá sản xuất (PPI) dự kiến công bố vào thứ Năm sẽ cung cấp thêm dữ liệu quan trọng để tính toán PCE tháng 4.
Thuế quan: Cơ hội sản xuất hay rào cản kinh tế?
Chính quyền Trump cho rằng thuế quan không chỉ nhằm tạo sự công bằng trong thương mại song phương và bảo vệ an ninh công nghiệp quốc gia, mà còn là động lực thúc đẩy sản xuất và đầu tư trong nước. Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng chính bản thân thuế quan đang làm trầm trọng thêm những rào cản vốn đã cản trở làn sóng sản xuất trở lại Mỹ.
Tiền lương thực tăng cao nhất kể từ tháng 10
Ngân hàng trung ương cũng đặc biệt quan tâm đến tăng trưởng tiền lương, vì đây là chỉ báo quan trọng cho xu hướng chi tiêu tiêu dùng – động lực chính của nền kinh tế. Một báo cáo riêng công bố cùng ngày cho thấy thu nhập bình quân theo giờ thực tế (đã điều chỉnh lạm phát) tăng 1.4% so với cùng kỳ năm trước – mức cao nhất kể từ tháng 10.
Bloomberg