Thuế quan của Trump làm gia tăng rủi ro suy thoái toàn cầu, và khả năng Fed sẽ phải tích cực cắt giảm lãi suất hơn trong năm nay bất chấp lạm phát cao

Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại MUFG Bank.

JPY trở thành đồng tiền mạnh nhất sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch "thuế quan đối ứng" được mong đợi từ lâu. Điều này khiến tỷ giá USD/JPY có thời điểm giảm về dưới ngưỡng 147.00, tiến gần hơn đến mức thấp nhất trong năm là 146.54 ghi nhận vào ngày 11/03. Đà giảm của USD/JPY càng được củng cố bởi làn sóng bán tháo ồ ạt USD, khiến chỉ số DXY giảm mạnh, chạm đáy mới trong năm tại 102.34 ở thời điểm viết bài, và là mức thấp nhất kể từ nửa đầu tháng 10/2023. Sự suy yếu của USD sau khi kế hoạch "thuế quan đối ứng" của Tổng thống Trump được công bố cho thấy thị trường ban đầu tập trung vào những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ, hơn là ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu và nguy cơ suy thoái ngày càng lớn. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm theo đó đồng loạt giảm mạnh khoảng 10-15 bps. Bên cạnh đó, thị trường OIS cũng đã điều chỉnh lại kỳ vọng, phản ánh khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ phải tích cực cắt giảm lãi suất hơn trong năm nay bất chấp lạm phát cao. Hiện tại, thị trường dự đoán mức cắt giảm tổng cộng khoảng 83 bps cho đến cuối năm.
Quay trở lại với cú sốc “Ngày Giải phóng”, JPY là đồng tiền hưởng lợi chính từ tâm lý e ngại rủi ro gia tăng sau khi Tổng thống Trump quyết định tung "đòn thuế quan" mạnh tay. Kế hoạch này cho thấy Mỹ sẽ áp dụng mức thuế cơ bản 10% cho tất cả các quốc gia, cùng với mức thuế cao hơn tùy chỉnh cho 60 đối tác thương mại bị coi là "vi phạm nghiêm trọng nhất" và có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ. Mức thuế 10% chung sẽ có hiệu lực từ ngày 05/04, trong khi mức thuế riêng lẻ cao hơn sẽ áp dụng từ ngày 09/04. Song, thị trường phần nào nhẹ nhõm khi thuế quan đối với thép & nhôm, ô tô & phụ tùng sẽ không bị cộng dồn, và các lĩnh vực sắp chịu thuế theo điều khoản 232 (như dược phẩm và chất bán dẫn) sẽ được miễn trừ cho đến khi hoàn tất đánh giá. Kế hoạch này sẽ đẩy mức thuế bình quân gia quyền của Mỹ lên gần 25%, mức cao nhất kể từ Đạo luật Smoot-Hawley năm 1930, mở đầu cho cuộc Đại suy thoái.
Nhìn chung, các nền kinh tế đang phát triển sẽ chịu tác động nặng nề hơn bởi thuế quan nhắm vào các nước "vi phạm nghiêm trọng nhất". Mức thuế cao nhất được áp dụng cho Lesotho (50%), Campuchia (49%) và Lào (48%). Các quốc gia Châu Á phải đối mặt với một số mức "thuế quan đối ứng" cao nhất, bao gồm nhiều đối tác xuất khẩu lớn sang Mỹ như Trung Quốc (34%), Ấn Độ (27%), Nhật Bản (24%), Hàn Quốc (26%), Đài Loan (32%) và Việt Nam (46%). Với Trung Quốc, mức thuế đối ứng 34% sẽ cộng dồn lên mức 20% hiện hành. Các nước EU sẽ chịu mức thuế 20%. Ngược lại, một số quốc gia và khu vực chịu tác động nhẹ hơn, bao gồm Anh và Mỹ Latinh, với mức thuế chung 10%. Canada và Mexico cũng được áp mức thuế nhẹ nhàng hơn. Mức thuế 25% hiện hành đối với hàng hóa không tuân thủ USMCA (bao gồm mức 10% đối với năng lượng và phân kali của Canada) sẽ được duy trì. Tuy nhiên, nếu tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến nhập cư và fentanyl kết thúc, "thuế quan đối ứng" sẽ giảm xuống 12%. Việc miễn trừ tuân thủ USMCA sẽ tiếp tục được áp dụng, giúp hạn chế tác động lên hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico.
Tổng thống Trump cũng cảnh báo về khả năng tăng "thuế quan đối ứng" nếu các quốc gia trả đũa. Kết hợp với các mức thuế sắp tới đối với những ngành khác (như dược phẩm và chất bán dẫn), điều này cho thấy mức thuế chung đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ có thể chưa đạt đỉnh. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tuyên bố: "Nếu không có trả đũa, đây sẽ là mức trần thuế". Hành động trả đũa từ các quốc gia khác sẽ làm gia tăng nguy cơ một cuộc chiến thương mại toàn cầu hỗn loạn hơn. Mặt khác, Tổng thống Trump cho biết ông sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên. Ông sẵn lòng giảm "thuế quan đối ứng" nếu các nước làm điều tương tự đối với hàng hóa Mỹ và loại bỏ các rào cản phi thuế quan. Đàm phán tích cực với Mỹ để giảm mức thuế quan đối ứng trong những quý tới có thể là chất xúc tác, giúp cải thiện đáng kể hiệu suất của một số đồng tiền.
Với bối cảnh hiện tại, chúng tôi dự đoán JPY và CHF – những đồng tiền trú ẩn an toàn – sẽ tiếp tục hưởng lợi từ tâm lý e ngại rủi ro trên thị trường. Tuy nhiên, mức thuế cao hơn đối với Nhật Bản sẽ khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) thận trọng hơn trong việc tăng lãi suất. Chưa kể, gián đoạn thương mại toàn cầu sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Châu Á sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn do mức thuế cao, dẫn đến sự suy yếu của các đồng tiền trong khu vực. USD ban đầu suy yếu mạnh do lo ngại về viễn cảnh đình lạm và khả năng Fed cắt giảm lãi suất, nhưng có thể phục hồi dần khi nỗi lo về triển vọng tăng trưởng toàn cầu lớn dần. Do đó, chúng tôi cho rằng AUD và NZD – các đồng tiền hàng hóa G10 có mức độ nhạy cảm với rủi ro cao – sẽ chịu nhiều áp lực. CAD và MXN đang phục hồi nhờ vào việc cả hai quốc gia này ít bị ảnh hưởng bởi kế hoạch "thuế quan đối ứng". GBP cũng có thể vượt trội hơn EUR do Anh chịu mức thuế thấp hơn. Song, cần lưu ý rằng GBP thường yếu hơn EUR trong bối cảnh tâm lý thị trường có tính e ngại rủi ro cao.
Mức “thuế quan đối ứng” áp dụng cho các nước vi phạm nghiêm trọng nhất (Nguồn: Nhà Trắng & MUFG GMR)
MUFG Research