Vàng bung nóc ngay từ đầu phiên, bày binh bố trận ngay sát ngưỡng 3,100 USD/oz, bắn phát súng mở màn cho tuần giao dịch mới với nhiều sự kiện quan trọng

Thành Duy
Junior editor
Bản tin tổng hợp và nhận định bởi Ngân hàng Westpac.

Những điểm chính
- Giới đầu tư trên toàn cầu phần lớn chịu ảnh hưởng từ diễn biến tại Mỹ, với chi tiêu tiêu dùng thấp hơn kỳ vọng, cùng những lo ngại ngày càng tăng về tác động của chính sách thuế quan lên lạm phát, khiến tâm lý e ngại rủi ro tiếp tục chi phối thị trường cho đến cuối tuần.
- Chứng khoán trải qua phiên giảm thứ ba liên tiếp, áp lực bán tháo mạnh nhất tập trung ở thị trường Mỹ, dù hầu hết các thị trường khác cũng không tránh khỏi xu hướng giảm điểm.
- Dòng vốn đổ vào các tài sản trú ẩn an toàn đã đẩy giá trái phiếu chính phủ (TPCP) tăng, dẫn đến lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 11 bps, trong khi giá vàng một lần nữa thiết lập mức cao kỷ lục mới.
- Chỉ số DXY giảm điểm, chủ yếu do EUR và JPY mạnh lên. Ngược lại, hầu hết các đồng tiền G10 khác đều suy yếu.
Sơ lược thị trường
Nhìn chung, tâm lý thị trường vẫn chưa hoàn toàn ổn định sau thông báo áp thuế lên các nhà sản xuất ô tô từ giữa tuần trước, và tiếp tục bị lung lay bởi dữ liệu chi tiêu tiêu dùng kém sắc. Dù thu nhập tăng trưởng tốt, chi tiêu lại thấp hơn dự kiến, cho thấy các hộ gia đình đang tích cực tiết kiệm để chuẩn bị cho áp lực lạm phát từ chính sách thuế quan sắp tới. Bên cạnh đó, tâm lý người tiêu dùng cũng cho thấy lo ngại về tác động lạm phát của thuế quan đang gia tăng nhanh chóng.
Dự kiến thị trường tuần này sẽ khá sôi động. Tại Mỹ, ngay sau khi chính sách thuế quan (dự kiến) chính thức có hiệu lực vào ngày 02/04, bên cạnh những dữ liệu quan trọng về hoạt động kinh tế và thị trường lao động, chúng ta còn có bài phát biểu về triển vọng kinh tế của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) – Jerome Powell. Ở một diễn biến khác, cuộc họp chính sách tháng 4 của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ là tâm điểm chú ý.
Chứng khoán
Đà bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ tiếp diễn sang ngày thứ ba, với các chỉ số S&P 500 (-2.0%), Dow Jones (-1.7%) và Nasdaq (-2.7%), tất cả đều kết tuần trong sắc đỏ. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại rủi ro cũng lan sang các thị trường Châu Âu, khiến Euro Stoxx 50 (-0.9%) và DAX của Đức (-0.9%) giảm mạnh, trong khi FTSE 100 của London (-0.1%) chịu ảnh hưởng ít hơn. Về phía Châu Á, Nikkei của Tokyo giảm mạnh (-1.8%) do lo ngại về thuế quan ô tô, chứng khoán Hồng Kông (-0.6%) và Thượng Hải (-0.4%) cũng đóng cửa trong sắc đỏ. Ngược lại, ASX 200 của Úc tăng nhẹ (+0.2%), đi ngược lại xu hướng chung.
Lợi suất
Giá TPCP Mỹ tăng vọt sau khi dữ liệu tâm lý người tiêu dùng mới nhất được công bố, với lợi suất kỳ hạn 2 năm giảm 8 bps (3.91%) và kỳ hạn 10 năm giảm 11 bps (4.25%). Xu hướng tương tự cũng diễn ra trên hầu hết các thị trường khác, với lợi suất TPCP Đức và Anh kỳ hạn 10 năm lần lượt giảm 5 và 9 bps. Lợi suất TPCP Úc cũng giảm, nhưng mức giảm của các kỳ hạn khác nhau không chênh lệch quá lớn, với kỳ hạn 3 năm giảm 4 bps (3.76%) và kỳ hạn 10 năm giảm 5 bps (4.46%). Dữ liệu thị trường OIS hiện đang cho thấy khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất cao hơn, với tổng cộng ba lần cắt giảm lãi suất cho đến cuối năm, tăng so với mức dự đoán khoảng 2.5 lần của ngày trước đó.
Ngoại hối
USD suy yếu do những lo ngại mới về tác động của thuế quan lên lạm phát, với chỉ số DXY giảm 0.3% vào thứ Sáu. Nguyên nhân chính là do EUR (+0.2%) và JPY mạnh lên (+0.9%), đặc biệt là JPY được hỗ trợ bởi dữ liệu lạm phát nội địa cao hơn dự kiến, củng cố kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất. Các đồng tiền còn lại trong rổ chỉ số DXY, điển hình như GBP và CAD, giảm nhẹ (-0.1%). Mặt khác, các đồng tiền G10 khác đều suy yếu ở nhiều mức độ khác nhau. AUD chịu áp lực giảm mạnh hơn, mất 0.2% giá trị so với USD; NZD cũng giảm 0,4%.
Hàng hóa
Kết phiên thứ Sáu, giá dầu thô WTI giảm 0.8% xuống 69.63 USD/thùng, trong khi Brent giảm 0.5% xuống 73.63 USD/thùng, phản ánh những lo ngại gia tăng về triển vọng nhu cầu trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang. Các kim loại công nghiệp chịu ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại sắp tới cũng chịu áp lực tương tự, với giá đồng và nhôm giảm lần lượt 0.5% và 0.6%. Được thúc đẩy bởi tâm lý e ngại rủi ro, giá vàng một lần nữa vượt đỉnh, tăng hơn 0.9% (khoảng 32 USD/oz) lên 3,086 USD/oz vào thứ Sáu và tiếp tục thiết lập mức cao mới tại 3,097 USD/oz vào đầu giờ sáng nay trước khi thoái lui về giao dịch quanh 3,090 USD/oz ở thời điểm viết bài. Giá quặng sắt hầu như không thay đổi.
Điểm lại dữ liệu phiên thứ Sáu
Mỹ
Chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan đã được điều chỉnh giảm từ 57.9 xuống 57.0 trong ước tính cuối cùng cho tháng 3. Điều đáng chú ý nhất là kỳ vọng lạm phát trung hạn (5-10 năm) tăng mạnh lên 4.1%, mức cao nhất kể từ những năm 1990. Kỳ vọng lạm phát ngắn hạn cũng tiếp đà tăng lên 5.0%. Các con số này cho thấy rõ những lo ngại về tác động tiềm tàng của thuế quan, bao gồm lạm phát cao và tiêu dùng suy yếu. Những lo ngại này càng trầm trọng khi dữ liệu chi tiêu cá nhân gây thất vọng, với mức tăng trong tháng 2 yếu hơn dự kiến (0.4%) và mức giảm trong tháng 1 được điều chỉnh sâu hơn (-0.3%). Điều này diễn ra ngay trong bối cảnh thu nhập cá nhân tăng trưởng mạnh (0.8%), cho thấy người tiêu dùng đang ưu tiên tiết kiệm để dự phòng cho trường hợp lạm phát nóng lên do thuế quan. Lạm phát PCE lõi trong tháng 2 cũng bất ngờ tăng từ 2.6% lên 2.8% so với cùng kỳ (svck).
Nhật Bản
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Tokyo – một chỉ báo sớm cho xu hướng lạm phát toàn quốc – đã bất ngờ tăng trong tháng 3. CPI toàn phần tăng từ 2.8% lên 2.9% svck, trong khi CPI lõi (không bao gồm thực phẩm tươi sống và năng lượng) tăng từ 1.9% lên 2.2%. Kết quả này củng cố thêm niềm tin của các nhà hoạch định chính sách vào việc đạt được mục tiêu lạm phát bền vững, đồng thời mở ra khả năng BoJ sẽ sớm tiếp tục tăng lãi suất.
Vương quốc Anh
Ước tính cuối cùng về GDP Q4 cho thấy một số điều chỉnh trong cơ cấu tăng trưởng. Cụ thể, tiêu dùng cá nhân và đầu tư kinh doanh được điều chỉnh tăng nhẹ, trong khi chi tiêu chính phủ được điều chỉnh giảm. Mặc dù vậy, những thay đổi này không ảnh hưởng đến ước tính chung về tăng trưởng kinh tế hàng quý (0.1%), mặc dù tốc độ tăng trưởng hàng năm được điều chỉnh nhẹ từ 1.4% lên 1.5%.
Westpac IQ