Westpac IQ – Điểm tin sáng: AUD/USD tăng bất chấp kỳ vọng RBA cắt giảm lãi suất; Phố Wall đóng cửa nghỉ lễ, cổ phiếu quốc phòng Châu Âu hút dòng tiền

Westpac IQ – Điểm tin sáng: AUD/USD tăng bất chấp kỳ vọng RBA cắt giảm lãi suất; Phố Wall đóng cửa nghỉ lễ, cổ phiếu quốc phòng Châu Âu hút dòng tiền

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

06:39 18/02/2025

Bản tin sáng từ Ngân hàng Westpac.

Điểm chính

  • Phố Wall đóng cửa nghỉ Lễ Tổng thống, tâm điểm chuyển sang thị trường Châu Âu và Châu Á.
  • Phát biểu từ Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại Munich cuối tuần qua đã thu hút sự chú ý đến nhu cầu hỗ trợ biên giới phía đông của Châu Âu, đẩy giá cổ phiếu quốc phòng tăng và lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) theo đó cũng đi lên.
  • Về thị trường tiền tệ, AUD/USD chạm mức cao nhất trong hai tháng vào hôm qua, bất chấp kỳ vọng Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) cắt giảm lãi suất hôm nay, điều mà thị trường hoán đổi đã định giá với xác suất 90%. Yên Nhật cũng tăng giá nhờ dữ liệu kinh tế tích cực vượt kỳ vọng.
  • Giá dầu ổn định trở lại sau thông tin OPEC+ đang cân nhắc trì hoãn việc tăng sản lượng, trong khi đó, những lo ngại về việc công bố thuế quan đã tạo ra sự biến động mạnh trên thị trường đồng.

Chứng khoán

Do Phố Wall đóng cửa nghỉ Lễ Tổng thống, tâm điểm chuyển sang thị trường Châu Âu và Châu Á. Chứng khoán Châu Âu giao dịch khởi sắc đêm qua, chủ yếu nhờ sự quan tâm ngày càng tăng đối với cổ phiếu quốc phòng do nguy cơ leo thang chi tiêu quân sự trong khu vực. Chỉ số Euro Stoxx 50 và FTSE 100 – London tăng lần lượt 0.5% và 0.4%, trong khi DAX của Đức vượt trội hơn và thiết lập mức cao kỷ lục mới, đóng cửa tăng 1.3%.

Mặt khác, chứng khoán Châu Á diễn biến trái chiều và ít biến động trong ngày, với chỉ số SSE – Thượng Hải và Nikkei – Tokyo tăng tương ứng 0.2% và 0.1%, nhưng giậm chân tại chỗ tại Hồng Kông – HSI. ASX 200 – Úc khởi đầu tuần mới kém sắc, đóng cửa thấp hơn 0.2% so với phiên trước trong hôm qua, dẫn đầu bởi sự ảm đạm của nhóm tài chính và năng lượng (giảm 1.5%).

Lợi suất

Sau bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại Munich vào cuối tuần, thị trường tập trung vào nhu cầu bức thiết của Châu Âu trong việc gia tăng chi tiêu quốc phòng để kịp thời hỗ trợ biên giới phía đông. Điều này tạo áp lực lên TPCP Đức, đẩy lợi suất kỳ hạn 10 năm tăng 6 bps lên 2.49%. Đồng thời, lợi suất TPCP Anh kỳ hạn 10 năm cũng tăng 3 bps lên 4.53%. Kỳ vọng về việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ đã vơi bớt phần nào, mặc dù thị trường hoán đổi vẫn phản ánh xác suất gần như tuyệt đối cho một động thái cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 3, dự kiến diễn ra trong khoảng hai tuần tới.

TPCP Úc cũng chịu áp lực bán vào cuối chiều, với lợi suất kỳ hạn 3 năm và 10 năm đều tăng 4 bps, lên lần lượt 3.88% và 4.45%. Đêm qua, hợp đồng tương lai giao dịch trong biên độ hẹp và hầu như không đổi. Kỳ vọng chung về RBA hiện vẫn giữ nguyên so với một tuần trước, với thị trường hoán đổi phản ánh xác suất 90% ngân hàng trung ương này sẽ cắt giảm lãi suất trong ngày hôm nay. Quyết định được mong đợi cùng với định hướng chính sách cập nhật của RBA hôm nay có thể dẫn đến việc điều chỉnh lại kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất trong năm tới. Song, không loại trừ khả năng ngân hàng trung ương này sẽ quyết định giữ nguyên lãi suất hoặc đưa ra thông điệp về mức cắt giảm “diều hâu” hơn dự kiến.

Ngoại hối

Các đồng tiền chủ chốt có diễn biến trái chiều so với USD vào hôm qua. Chỉ số DXY giao dịch trong biên độ rất hẹp (106.63-106.90), và cuối cùng gần như không đổi so với phiên trước, đóng cửa tại 106.72.

AUD/USD chạm mức cao nhất trong hai tháng là 0.6374 vào hôm qua, bất chấp kỳ vọng về việc RBA sắp cắt giảm lãi suất, trước khi hạ nhiệt và đóng cửa tăng 0.1% lên 0.6361. Rủi ro chính đối với cặp tiền này hiện đang nghiêng về chiều tăng, trong trường hợp RBA đi ngược lại dự đoán chung và quyết định trì hoãn việc cắt giảm lãi suất.

Yên Nhật phản ứng tích cực với dữ liệu kinh tế nội địa vượt kỳ vọng. USD/JPY theo đó giảm 0.6%, giao dịch quanh 151.50 tại thời điểm viết bài, gần như không đổi so với mức đóng cửa phiên hôm qua.

EUR/USD giảm 0.1% xuống 1.0484, trái ngược với Bảng Anh, khi đồng tiền này có một phiên giao dịch khả quan. GBP/USD tăng 0.3% lên 1.2626, trong khi USD/CAD gần như không đổi.

Hàng hóa 

Giá dầu bắt đầu ổn định sau thông tin OPEC+ đang xem xét việc trì hoãn tăng nguồn cung hàng tháng, do tình hình bất ổn của thị trường dầu mỏ toàn cầu hiện nay. Hợp đồng tương lai dầu thô WTI và Brent tăng lần lượt 0.9%, 0.7% lên 71.39 USD/thùng và 75.29 USD/thùng.

Mặt khác, thị trường kim loại diễn biến trái chiều. Đáng chú ý, thị trường đồng đã trải qua những ngày đầy thăng trầm, với biến động đột biến về chênh lệch giá giao ngay và giá kỳ hạn ba tháng, cũng như chênh lệch giữa Sở giao dịch kim loại London (LME) và Sở giao dịch hàng hóa New York (COMEX), khi thị trường cố gắng cơ cấu trước những thông báo tiếp theo về thuế quan, khiến hợp đồng tương lai kỳ hạn ba tháng giảm 0.9% xuống 9,396 USD/tấn. Ngược lại, nhôm và niken tiếp tục tăng giá, với lần lượt 0.3% và 0.1%.

Giá vàng phục hồi nhẹ sau cú giảm mạnh hôm thứ Sáu, tăng 0.5% và ổn định quanh mốc 2,900 USD/oz, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với đỉnh lịch sử vừa thiết lập gần đây là 2,940 USD/oz. Bên cạnh đó, giá quặng sắt tiếp tục giảm do những gián đoạn thời tiết trước đó không nghiêm trọng như dự đoán, với hợp đồng SGX giao tháng 3 giảm 0.4% xuống 105.35 USD.

Điểm tin kinh tế

New Zealand 

Chỉ số hiệu suất dịch vụ PSI ghi nhận mức mở rộng đầu tiên kể từ tháng 02/2024, tăng từ 48.1 trong tháng 12 lên 50.4 vào tháng 1. Kết quả này tiếp nối sự phục hồi tương tự của chỉ số PMI trong tuần trước. Sự kết hợp này cho thấy những tín hiệu ban đầu về đà phục hồi kinh tế, sau khi giảm mạnh trong năm 2024. Dữ liệu chi tiết của PSI cho thấy hoạt động bán hàng phục hồi mạnh mẽ (từ 46.5 lên 54.0), đơn đặt hàng mới cải thiện nhẹ và đạt ngưỡng cân bằng, trong khi việc làm tiếp tục suy giảm.

Đồng thời, dữ liệu di cư ròng tháng 12 cho thấy lượng người nhập cư ròng là 3,800 trong tháng và khoảng 27,000 trong năm. Xu hướng chung vẫn được duy trì, với lượng người nước ngoài nhập cư vẫn ở mức cao hơn trước đại dịch và lượng người New Zealand rời đi đang chậm lại so với mức đỉnh. Dự kiến, sự suy yếu của thị trường lao động nội địa có thể tiếp tục thúc đẩy dòng người ra, tuy nhiên, chính sách của chính phủ đang hướng tới việc thu hút thêm lao động nhập cư có tay nghề.

Nhật Bản

GDP gây bất ngờ tích cực, tăng trưởng 0.7% trong Q4 (2.8% hàng năm), so với dự báo thị trường là 0.3%. Kết quả này đi kèm với việc điều chỉnh tăng nhẹ dữ liệu của quý trước. Yếu tố quan trọng nhất dẫn đến sự bất ngờ tích cực này là tiêu dùng tư nhân, tăng 0.1% (so với dự báo giảm 0.3%). Mặt khác, động lực tăng trưởng chính của cầu nội địa đến từ chi tiêu kinh doanh (tăng 0.5%), cùng với đó, xuất khẩu ròng cũng đóng góp đáng kể. Điều này phản ánh sự phục hồi của ngành du lịch nội địa và sự co lại của hoạt động nhập khẩu trong quý. Nhìn chung, dữ liệu này có thể củng cố niềm tin của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) rằng nền kinh tế đang ở vị thế thuận lợi để tiếp tục quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ, thông qua việc tăng lãi suất dần dần trong suốt cả năm.

Eurozone

Thặng dư thương mại tiếp tục phục hồi từ mức thấp nhất trong 15 tháng (ghi nhận hồi tháng 10), tăng hơn gấp đôi trong hai tháng qua để đạt 14.6 tỷ EUR. Trong tháng gần nhất, sự sụt giảm nhập khẩu là động lực chính thúc đẩy thặng dư thương mại, nhưng xét tổng thể Q4, có vẻ như tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu khá cân bằng. Xét theo các đối tác thương mại chủ chốt, thặng dư với Mỹ vẫn gần với mức cao lịch sử được ghi nhận vào đầu năm 2024, trong khi thâm hụt với Trung Quốc vẫn ở mức gấp đôi so với trước đại dịch.

Mỹ

Không có dữ liệu quan trọng nào được công bố vào hôm qua do là ngày Lễ Tổng thống. Về chính sách tiền tệ, hai thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), Harker và Bowman đã có bài phát biểu, một lần nữa bày tỏ quan điểm ủng hộ sự kiên nhẫn để có thể chắc chắn hơn về tính bền vững của xu hướng giảm lạm phát trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến việc tiếp tục hạ lãi suất. Ngoài ra, sẽ có nhiều bài phát biểu từ quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong những ngày tới, qua đó cung cấp thêm góc nhìn về lập trường của các thành viên FOMC.

Westpac IQ

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ